Nghị định mới tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm. Đáng chú ý, Nghị định 100 tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi uống rượu bia khi lái xe.
Đối với người điều khiển ôtô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), nghị định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22-24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ (Nghị định 46 trước đây quy định xử phạt đối với các hành vi nêu trên chỉ từ 16-18 triệu đồng và tước GPLX 4-6 tháng).
Đối với người điều khiển môtô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe máy, sẽ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 ml/lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
CSGT đo nồng độ cồn của tài xế ở Hà Nội
Tại Nghị định 100, người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400.000-600.000 đồng nếu điều khiển xe đi vào đường cao tốc, điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 5-7 tháng đối với người điều khiển ôtô đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. Đối với người điều khiển môtô, xe máy sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia chính thức có hiệu lực cấm tuyệt đối người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Luật ban hành nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội và là bước ngoặt quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, mạnh mẽ để ngăn ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn.
Nghị định 100 thay thế Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, bên cạnh việc tăng rất nặng các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, thì cũng có quy định sử dụng dữ liệu từ hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt nguội.
"Nếu lực lượng chức năng thi hành nghiêm hoàn toàn có thể xử lý. Tất nhiên, chúng ta không thể giải quyết 100% tình trạng này nhưng dần dần sẽ hình thành văn hóa uống rượu, bia không lái xe" - ông Hùng nói.
Bình luận (0)