xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

LÀM ĂN với Mỹ: Chuẩn bị kỹ, mời chào cụ thể

Dương Ngọc - Thanh Nhân - Thái Phương

Chính phủ cần cải thiện môi trường kinh doanh, hạ tầng giao thông, thủ tục hành chính

Tại buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc ngày 2-6 (giờ Washington D.C.), ông Adam Boehler, Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC), nhấn mạnh sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Mỹ trong sản xuất và cung cấp các trang thiết bị y tế, bảo hộ để chống dịch Covid-19. 

Giám đốc điều hành DFC cho biết DFC đang triển khai một loạt kế hoạch nhằm hỗ trợ những dự án đầu tư tại các nước đang phát triển, trong đó có khu vực tiểu vùng Mê Kông với các dự án sản xuất các sản phẩm chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Trong định hướng đó, DFC luôn coi trọng và xác định Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong các dự án hợp tác của Mỹ.

Cơ hội đón nhận sự chuyển dịch

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho rằng nỗ lực chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc của Mỹ và nhiều nước đã có từ trước và đại dịch Covid-19 càng làm cho việc chuyển dịch này trở nên cấp thiết. Việc này Mỹ cũng trao đổi với các nước và Việt Nam đang ở trong vị trí có thể tận dụng được cơ hội này.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng mang tính nhiều chiều, sẽ có cả các dịch chuyển sản xuất và dòng vốn chất lượng cao và chất lượng thấp. Do đó, phải căn cứ vào lợi ích quốc gia, phải lựa chọn cái chất lượng cao và bền vững, tránh quá phụ thuộc vào một hai nơi. Việt Nam ở vị trí thuận lợi thì lúc này là cơ hội, nhất là đón sự chuyển dịch của Mỹ, Âu, Nhật...

Nhưng đón được hay không sẽ là thách thức lớn. Các doanh nghiệp (DN) đã tính đến sự chuyển dịch một phần sang Việt Nam một cách tự nhiên vì sức hấp dẫn của thị trường. Họ cũng tính toán để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh rủi ro khi đầu tư hết vào Trung Quốc. Và khi có những can thiệp chính trị buộc DN rời khỏi Trung Quốc, họ sẽ lựa chọn những địa điểm lân cận nước này, có môi trường đầu tư thuận lợi để giảm tối đa chi phí. Việt Nam có thể "hứng" được cả hai xu hướng dịch chuyển.

Dù vậy, theo nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh, không quốc gia nào có thể hấp thụ toàn bộ sự dịch chuyển từ thị trường 1,4 tỉ dân có quy mô kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm 20% thương mại toàn cầu. Vì vậy, phải chủ động đón, nhất là về hạ tầng, chính sách, nhân lực. Thuận và có lợi thì các công ty họ mới đến. "Thực tế, không chỉ Việt Nam có sức hấp dẫn. Còn nhiều "Việt Nam khác" cùng cạnh tranh. Để đón sự chuyển dịch từ Mỹ, Âu, Nhật… phải chuẩn bị, mời chào cụ thể".

Mặt khác, cũng theo ông Vinh, Việt Nam không chỉ muốn cung ứng sản phẩm, nguyên liệu mà phải trở thành một mắt xích có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây sẽ là căn cứ để xác định rõ nguồn vốn nào, công nghệ, sản xuất hay đoạn cung ứng nào nên tham gia.

Tại sự kiện ra mắt báo cáo "Việt Nam năng động - tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao" của Ngân hàng Thế giới (WB) tuần qua, trả lời câu hỏi của báo chí về thực trạng gia tăng dịch chuyển dòng vốn FDI, ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng của WB - nhận xét Việt Nam hoàn toàn có thể cân bằng giữa nền kinh tế mở với việc tập trung vào thị trường trong nước. Cú sốc do dịch Covid-19 gây ra khiến cho những DN toàn cầu nhận ra họ phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam đã thu hút hiệu quả nhiều công ty đa quốc gia trong những năm qua; các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) diễn ra sôi động chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm tới thị trường nội địa của Việt Nam. "Tôi tin làn sóng các công ty đa quốc gia đổ vốn vào Việt Nam sẽ còn tăng trong nhiều năm tới" - ông Jacques nhìn nhận.

LÀM ĂN với Mỹ: Chuẩn bị kỹ, mời chào cụ thể - Ảnh 1.

Ngành may mặc kỳ vọng có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: TẤN THẠNH

Cần chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn

Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP HCM, nguyên Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM - việc Chính phủ Mỹ có chủ trương ưu tiên Việt Nam trong hợp tác phát triển chuỗi cung ứng càng tô đậm hơn nữa cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, song cần nhìn nhận vấn đề khách quan. Ông Quốc cho rằng với chủ trương này, có thể Chính phủ Mỹ sẽ kêu gọi DN Mỹ chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, kèm theo đó là một số hỗ trợ nhưng DN Mỹ mới là bên cân nhắc, tính toán và đưa ra quyết định.

Cũng theo ông Lê Hoài Quốc, ở mặt bằng trình độ chung về chuỗi cung ứng trong khu vực và hạ tầng giao thông, Việt Nam vẫn xếp sau Thái Lan, Malaysia về mức độ sẵn sàng để tiếp nhận đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Vì vậy, Chính phủ cần trực tiếp tiếp cận, mời gọi họ bằng những chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, hạ tầng giao thông, thủ tục hành chính... Trong cuộc chơi này, những năm gần đây, Chính phủ có nhiều chương trình hỗ trợ DN trong nước, trong đó có các DN công nghiệp hỗ trợ; cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số DN đã trưởng thành từ những chương trình này, tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất lớn. Tuy vậy, mặt bằng chung vẫn còn thấp so với đòi hỏi của các nhà sản xuất quốc tế. 

Điểm hạn chế này có thể dần được cải thiện khi dòng đầu tư vào Việt Nam tăng lên, Việt Nam thu hút được các DN, tập đoàn lớn vào mở nhà máy. Mọi nhà sản xuất đều quan tâm đến lợi nhuận, để có lợi nhuận cao thì phải giảm chi phí nên cần phát triển chuỗi cung ứng để tối ưu hóa chi phí. Vì vậy, khi đã chọn đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ chủ động xây dựng chuỗi cung ứng. Samsung là một ví dụ, tập đoàn này trong những năm qua đã phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương tổ chức các chương trình đào tạo, hỗ trợ DN để phát triển thành nhà cung cấp cho họ. Các nhà sản xuất của Mỹ cũng sẽ làm như vậy nếu quyết định chọn Việt Nam làm điểm đến. 

Tăng cường năng lực cho công nghiệp phụ trợ

Trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện Panasonic Việt Nam xác nhận thông tin tập đoàn điện tử này sẽ rời nhà máy sản xuất ở Thái Lan sang Việt Nam. Theo đó, Panasonic có kế hoạch đóng cửa nhà máy của hãng tại Thái Lan và bắt đầu dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Panasonic Việt Nam. Đại diện Panasonic Việt Nam cho biết: "Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc sản xuất toàn cầu của chúng tôi. Sản xuất sản phẩm tại Việt Nam và cung cấp chúng cho các thị trường riêng lẻ sẽ có lợi thế hơn so với việc tiếp tục sản xuất tại Thái Lan về chi phí và tập đoàn có thể cung cấp các sản phẩm cạnh tranh hơn cho khách hàng". Cũng theo vị này, trong xu thế dịch chuyển các nhà máy và đầu tư trên toàn cầu, Việt Nam đang ở thời điểm hoàn hảo để tăng cường năng lực của các ngành công nghiệp phụ trợ, cùng với việc cải thiện năng lực hậu cần.

Tính đến thời điểm hiện tại, Panasonic đã đầu tư 243 triệu USD vào 8 công ty tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu dịch chuyển nhà máy ở Thái Lan sang, tập đoàn này dự kiến sử dụng nhà máy và tài sản hiện có cho việc chuyển giao này và tùy thuộc vào tình hình kinh doanh có thể mở rộng hơn nữa...

Ông DIỆP THÀNH KIỆT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso):

Chủ động nắm bắt và sớm có định hướng

Một cơ hội sẽ đến rõ ràng hơn và mang tính pháp lý cao hơn nếu các thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thuyết phục được Mỹ tham gia vào hiệp định này, có thể kết nạp thêm Ấn Độ, khi đó Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn. Xu hướng dịch chuyển đơn hàng, dịch chuyển vốn FDI đã có từ thời gian qua và ngày càng tăng mạnh gần đây. Nhưng đối với Việt Nam, quan trọng nhất không phải là đơn hàng dịch chuyển sang, bởi nếu như vậy chúng ta cũng chỉ nhận được phần "hạ nguồn" - nhận một phần chuỗi cung ứng của nước khác. Cơ hội hiện nay cần phải được tận dụng để xây dựng các chuỗi cung ứng của Việt Nam mà một số ngành, lĩnh vực đang có nền tảng như chuỗi cung ứng thời trang gồm các ngành sản xuất giày dép, túi xách, quần áo...; chuỗi cung ứng các sản phẩm về điện tử; chuỗi cung ứng các sản phẩm về điện thoại và linh kiện; chuỗi công nghệ cao như sản xuất xe hơi. Để làm điều này, Chính phủ phải phân tích kỹ và có quyết sách thực hiện sớm. Đồng thời, dưới tác động của dịch Covid-19, các tập đoàn đa quốc gia cũng không chọn "bỏ trứng chung một giỏ" - để một chuỗi cung ứng ở một nước. Do đó, Chính phủ cần nắm bắt tình hình và định hướng Việt Nam sẽ tham gia chuỗi cung ứng ra sao để nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực.

T.Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo