xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm báo trách nhiệm

BÙI PHAN THẢO

Báo chí phải định hướng, dẫn dắt dư luận. Đường lối biên tập của tờ báo thể hiện tay nghề, năng lực, bản lĩnh, tâm huyết và thông tin đưa ra nhận được sự thấu hiểu, đồng cảm của bạn đọc

31 năm trước, tôi bước chân vào ngôi nhà Người Lao Động, vừa đổi tên từ Công Nhân Giải Phóng và chuyển trụ sở từ Công xã Paris về 44 Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) chưa lâu. Sau đó mấy năm, báo chuyển trụ sở về địa chỉ ngày nay - 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.

Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Những năm đó, vẻ ngoài của nhà báo còn rất giản dị, thường gắn với cây bút, quyển sổ; anh nào oách hơn thì có máy ảnh, máy ghi âm và chiếc áo ghi-lê nhiều túi cho ra dáng phóng viên năng nổ. Đến thời nay, nhà báo cũng vẫn xông xáo như trước nhưng điều kiện, phương tiện hành nghề đã khác nhiều. Cũng là máy ảnh nhưng máy ảnh kỹ thuật số, không chụp phim, chờ tráng rọi rồi đem về tòa soạn, tách màu, dựng bản mới đưa đi in như trước. Từ năm 1997, bắt đầu có internet nên liên lạc nhanh hơn, không phải như thời chúng tôi những năm 1994-1996, ra Hà Nội đưa tin Quốc hội, cứ viết tay rồi chuyển fax vào tòa soạn, hình ảnh thì nhờ chuyển theo đường máy bay. Ngày nay, các phóng viên chỉ cần điện thoại thông minh cũng đủ chụp ảnh, quay clip và ghi âm, cũng có thể gõ tin - bài trên chiếc điện thoại thông minh ấy. Và các mạng xã hội, các phương tiện kỹ thuật khiến cho cuộc đua thông tin gay gắt hơn, đa dạng và hấp dẫn hơn. Báo chí, truyền thông đa phương tiện đi vào cuộc sống một cách phổ dụng, gần gũi và thay đổi với tốc độ chóng mặt dưới thời công nghệ phát triển như vũ bão.

Những ngày chống dịch Covid-19 hơn 1 năm rưỡi qua, chúng tôi và nhiều báo bạn nhanh chóng xoay trở, thích nghi. Trong nhiều tháng, chúng tôi làm báo in qua mạng, báo vẫn đến tay bạn đọc. Nhưng dù với cách thức gì, phương tiện ra sao, dù với hình thức xuất bản nào, báo điện tử, báo in, báo hình, báo nói... thì trách nhiệm báo chí vẫn không đổi thay, đó là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Đó là điều những ai làm báo đều phải thuộc nằm lòng, nhất là những tờ báo có bề dày truyền thống như Người Lao Động, luôn có sự quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ suốt 46 năm qua. Không chỉ thể hiện qua đường lối biên tập được nhiều thế hệ Ban Biên tập xây dựng, hoàn thiện mà còn hình thành những tập tính, kỹ năng của hệ thống được vận hành thông suốt…

Trong bộn bề thông tin hằng ngày, hằng giờ, từ các nguồn phóng viên đưa lên, báo cáo về, các phòng - ban và tòa soạn tất yếu có sự xem xét, chọn lọc thông tin. Đã có những lúc chúng tôi cân nhắc trước một thông tin nào đó thì điều luôn thôi thúc tờ báo là chỉ có một lựa chọn: Tổ quốc, đất nước này trên hết, phải thông tin với ý thức trách nhiệm cao nhất. Báo chí không thể đứng ngoài hay đứng bên lề sự kiện được đông đảo bạn đọc quan tâm, báo chí phải định hướng, dẫn dắt dư luận. Đường lối biên tập của tờ báo thể hiện tay nghề, năng lực, bản lĩnh, tâm huyết và thông tin đưa ra được sự thấu hiểu, đồng cảm của bạn đọc.

Làm báo trách nhiệm - Ảnh 1.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân tặng cờ Tổ quốc cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh.Ảnh: QUANG LIÊM

Nhanh - Hay - Chính xác - Trách nhiệm - Nhân văn

Kiên định đường lối biên tập, giữ vững tôn chỉ mục đích và bản sắc của báo, Báo Người Lao Động hoàn thành sứ mệnh trong từng giai đoạn lịch sử. Thời còn mang tên Báo Công Nhân Giải Phóng, báo đóng góp xây dựng TP HCM qua những phong trào bảo vệ nhà máy, thi đua lao động giỏi, những gương điển hình tập thể - cá nhân lao động giỏi; kịp thời phát hiện nhân tố mới, mở đường cho chủ trương đổi mới sau này. Khi đổi tên thành Báo Người Lao Động, điểm sáng của báo giai đoạn 1990-2015 là bên cạnh những thông tin về phong trào công nhân - viên chức - lao động và hoạt động Công đoàn TP HCM, báo đã thông tin nhanh nhạy, sắc bén về quan hệ lao động; tích cực bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân - lao động. Từ năm 2015 đến nay cũng vẫn là những mảng thông tin quan trọng đó, cùng với việc tham gia xây dựng luật pháp, góp ý chủ trương, chính sách. Đặc biệt từ năm 2019 đến nay là tạo dựng những giá trị nền tảng của báo qua các chương trình riêng, ghi dấu ấn sâu đậm trong xã hội và bạn đọc.

Trải dài trên con đường phát triển đó luôn gắn liền trách nhiệm với bạn đọc, trách nhiệm với xã hội. Điều này tiếp tục được thể hiện mạnh mẽ hơn, rõ nét hơn trong thời gian gần đây, khi Báo Người Lao Động xây dựng khung tiêu chí: Nhanh - Hay - Chính xác - Trách nhiệm - Nhân văn. Các tiêu chí này đều được thể hiện, chứng minh qua từng bài viết, hình ảnh; qua nhiều chương trình sau mặt báo mà Báo Người Lao Động đang thực hiện, nhận được sự đánh giá cao của xã hội... Trên các xuất bản phẩm của Người Lao Động, bạn đọc dễ dàng nhận thấy dấu ấn của các tiêu chí này. Nhanh là cần thiết, hay là tất yếu, song phải chính xác, thể hiện trách nhiệm của báo chí và cần có tính nhân văn, chuyển tải điều hay lẽ phải, đem đến nhận thức tốt đẹp, cảm xúc thẩm mỹ cho bạn đọc.

Để thực hiện phương châm này, hơn bao giờ hết, nhà báo phải đi đầu. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cùng với các y - bác sĩ nơi tuyến đầu, một số phóng viên của Báo Người Lao Động và đồng nghiệp đã có mặt ở rất nhiều điểm nóng để thông tin đến bạn đọc, bám sát các tiêu chí trên: Nhanh - Hay - Chính xác - Trách nhiệm - Nhân văn. Dù biết rằng phải đối diện với sự hiểm nguy luôn chực chờ nhưng làm nghề báo là phải chấp nhận dấn thân, chấp nhận hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ.

Tạo thành tập tính tư duy và hành động

Không chỉ trên mặt trận thông tin, trách nhiệm của những người làm báo ở Báo Người Lao Động còn thể hiện rõ ở trách nhiệm với cộng đồng, xã hội qua tấm lòng, tư duy nhanh nhạy của Ban Biên tập được kết nối với những tấm lòng trong xã hội. Tháng 4-2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Báo Người Lao Động thực hiện chương trình "ATM thực phẩm miễn phí", đến quý II/2021 báo phát động chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", tiếp đó là "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch"… Những chương trình này đều có dấu ấn sâu đậm, có tiếng vang xa, lan tỏa rộng.

Đặc biệt, tên tuổi, uy tín của Báo Người Lao Động tăng lên, đi xa và rộng hơn qua chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Được khởi xướng từ ngày 1-6-2019, ngay từ những ngày đầu, chương trình đã nhận được sự quan tâm và tham gia trực tiếp của nhiều vị lãnh đạo cấp cao của trung ương ở thời điểm đó như: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Chương trình vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - thời điểm đó là Thủ tướng Chính phủ - trực tiếp trao tặng cờ cho các ngư dân tiêu biểu tại tỉnh Kiên Giang vào ngày 29-7-2019 và tỉnh Bình Định ngày 20-8-2019… Với hiệu quả tích cực, chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của Báo Người Lao Động đã vinh dự nhận giải A Giải Báo chí quốc gia và giải A Giải Báo chí TP HCM (nhóm Công trình) năm 2020.

Những hoạt động xã hội bên cạnh sự tiến bộ vượt bậc về nội dung đã tạo thêm nguồn năng lượng mới truyền dẫn, lan tỏa, tạo thành tập tính tư duy và hành động của Báo Người Lao Động. Chúng tôi trở thành tập thể với tính tự giác cao, luôn xốc vác, sẵn sàng xắn tay vào làm để góp phần xây dựng xã hội, cộng đồng, hoàn thành sứ mệnh của người làm báo. 

Nhanh nhạy mở mục "Truy vết mạng xã hội"

Khi công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội bùng nổ cũng tạo ra nguồn cung cấp thông tin ban đầu, song rất nhiều trường hợp đó cũng là những cái bẫy, nhất là tin giả. Trước thực tế đó, Báo Người Lao Động đã nhanh nhạy mở mục "Truy vết mạng xã hội" - tìm hiểu sự thật sau các clip trên mạng xã hội, nhằm giúp bạn đọc biết rõ đâu là đúng - sai, thật - giả; cung cấp thông tin hay, chính xác, cần thiết cho bạn đọc. Trách nhiệm người làm báo luôn là chính trực, trung thực, định hướng dư luận xã hội, góp phần xây dựng đạo đức xã hội với thái độ và trách nhiệm cao nhất.

Lan tỏa sâu rộng

Sau 2 năm, chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã 80 lần trao cờ và ký kết trao tặng 427.521 lá cờ Tổ quốc ở 19 tỉnh, thành có biển... Năm 2021, dự kiến 560.000 lá cờ Tổ quốc sẽ được chương trình trao cho 28 tỉnh, thành có biển trên toàn quốc; cùng Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, các nghiệp đoàn nghề cá và Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trao tặng 300.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân; phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam tặng 100.000 lá cờ Tổ quốc và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đồng bào sống dọc đường biên giới của các tỉnh, thành có đường biên giới trên bộ, kết hợp xây cột cờ ở một số địa điểm vùng biên giới; trao tặng 40.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân sinh sống trên các đảo tiền tiêu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo