Đến thăm Bảo tàng Bến Tre, được thấy vô số hình ảnh và hiện vật truyền thống cách mạng của nhân dân tỉnh Bến Tre và tôi bất ngờ với hiện vật là tờ báo viết tay "Phá ngục" số Xuân Giáp Ngọ 1954.
Đọc để giữ vững tinh thần
Tưởng như không liên quan người dân Bến Tre sao kỷ vật này lại được trao tặng cho Bến Tre?
Ông Kiều Xuân Long - nguyên Phó Vụ trưởng Ban Khoa giáo trung ương, hiện là Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống kháng chiến Ban Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, là người trực tiếp trao tặng hiện vật này cho bảo tàng - chia sẻ: "Tôi tin cha tôi đồng ý với quyết định đưa tờ "Phá ngục" về trao tặng cho Bến Tre, bởi đây là quê hương của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - người khởi xướng tổ chức thực hiện tờ báo này từ năm 1946, khi ông bị giam ở khám lớn Sài Gòn".
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát nguyên là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (1969-1976), sau này giữ các chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tờ "Phá ngục"
Xuân Giáp Ngọ 1954 trưng bày tại Bảo tàng Bến Tre
Trong bút tích, bác sĩ Kiều Xuân Cư - cha ông Long, một chiến sĩ tình báo cách mạng bị giam cầm tại khám lớn Sài Gòn - kể: "Vào khám lớn Sài Gòn, ông Huỳnh Tấn Phát cùng anh em đưa yêu sách đòi thi hành chế độ với tù chính trị theo đúng quy định pháp luật. Ông cùng anh em làm cuộc cách mạng khám đường thành công, biến khám đường thành trường học, tổ chức cho anh em học văn hóa, chính trị. Để thống nhất ý chí hành động, ông tổ chức liên đoàn tù chính trị. Vốn là người làm báo, ông Phát tổ chức thực hiện tờ "Phá ngục" cho anh em trong nhà lao đọc để giữ vững tinh thần chiến đấu và đưa ra ngoài truyền tin trong giới trí thức tố cáo tội ác thực dân Pháp đối với tù chính trị".
Bất chấp kiểm soát gắt gao
Từ năm 1946, một số tù chính trị ở khám lớn Sài Gòn bị chuyển qua khám Chí Hòa. Giữa năm 1953, toàn bộ tù nhân chuyển về khám Chí Hòa khi khám lớn Sài Gòn bị phá. Ở khám nào thì báo "Phá ngục" vẫn được thực hiện bất chấp sự kiểm soát gắt gao trong nhà lao.
Ông Long thuật lại lời cha về những kỷ niệm với tờ "Phá ngục". Theo đó, Ban Đại diện tù chính trị ở Chí Hòa có đủ các ban chuyên môn, trong đó có Ban Tuyên huấn (Ban Học tập) ngoài việc tổng hợp tin tức báo chí còn biên soạn tài liệu phục vụ các đợt học tập và là Ban Biên tập báo "Phá ngục". Khoảng 1-2 tháng báo ra một số. Ban biên tập phát động anh em tù chính trị viết bài.
Sau nhiều lần tù chính trị yêu sách đòi học văn hóa, giấy được chuyển công khai vào. Để có mực in, những người tù đã nhờ các luật sư và người thân mang vào khi được cho gặp mặt. Mực in màu đỏ là từ thuốc đỏ, màu xanh là thuốc chữa ghẻ, màu vàng là thuốc chữa sốt rét. Khuôn in làm từ bột nếp, được mấy người làm bếp mà tù chính trị móc nối giấu dưới thùng thức ăn hay do người thân khi đưa sữa bột vào thì lót bột nếp dưới hộp.
Ông Kiều Xuân Long kể về việc quyết định đưa tờ "Phá ngục" về trao tặng cho Bến Tre
Các bài viết được nộp về, ban biên tập chọn những người viết chữ đẹp, vẽ đẹp sẽ viết, vẽ lại thành từng trang. Trang báo viết tay được úp lên khuôn bột nếp, người lo khâu in lấy giấy trắng úp lên bản bột nếp thì ra trang báo in bốn màu đàng hoàng. Một khuôn nếp in được khoảng 40 bản nhưng phải mấy tối mới in xong vì cai ngục lùng sục gắt gao. In xong, báo được giấu ở chỗ đi vệ sinh, trong vách nhà tù... để các phòng lấy chuyền nhau đọc.
Tết năm 1954, Liên đoàn Tù nhân Chí Hòa tổ chức số "Phá ngục" Xuân Giáp Ngọ. Báo viết tay trên tập giấy manh trắng khổ vở học sinh. Đã hơn 60 năm, từng nằm trong ba-lô chiến sĩ cách mạng Kiều Xuân Cư qua biết bao chặng đường nên đã sờn gáy, ngả vàng nhưng dòng kẻ vẫn còn; đôi trang bị rách hoặc vài chỗ lem màu mất chữ nhưng vẫn đọc được. Bìa trước là cảnh mùa xuân với cành mai vàng, hình đôi nam, nữ gương mặt rạng rỡ với tư thế bước tới, tay choàng lên hai con ngựa cũng song hành về trước biểu hiện tinh thần lạc quan tiến lên. Dưới tên tờ báo có hàng chữ "Tiếng nói của Liên đoàn Tù nhân Chí Hòa". Bìa sau vẽ bản đồ Đông Dương có hình bồ câu trắng sải cánh, nói lên khát vọng hòa bình.
Hành trình hơn 60 năm
Thực hiện cách đây hơn 60 năm nhưng thật không ngờ cách trình bày "Phá ngục" Xuân Giáp Ngọ 1954 trông khá hiện đại, hình minh họa sống động, giờ vẫn rõ màu sắc. Người chiến sĩ trong lao tù rất tài hoa, chữ viết bằng bút lá tre rõ nét, từng cột chữ ngay hàng thẳng lối.
"Phá ngục" Xuân Giáp Ngọ 1954 gồm 36 trang với gần 50 tác phẩm: văn xuôi, thiệp chúc Tết, sớ Táo quân, trò chơi, thơ xuân, tranh vui, câu đối, bài hát… Trong đó có những bài đặc sắc như "Bức thơ xuân" do bác sĩ Cư (bút danh Văn Lang) viết về hạnh phúc khi kết nối lại niềm tin yêu cho vợ chồng người đồng chí trong tù; "Thư Côn Đảo" của những chiến sĩ vượt ngục ở nhà tù Côn Đảo vào đất liền nhưng bị bắt lại, giam giữ ở Chí Hòa; "Tết công binh xưởng", "Tết khu giải phóng" viết về kỷ niệm những lần vừa ăn Tết vừa sẵn sàng chiến đấu...
Tháng 5-1954, Liên đoàn Tù nhân Chí Hòa còn thực hiện một đặc san về Bác Hồ để mừng sinh nhật Bác khi nghe tin quân ta chiến thắng liên tiếp và quân Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết. Tháng 9-1954, cùng hơn 3.000 tù chính trị khám Chí Hòa, ông Cư được trao trả. Theo quy định, mọi tài liệu từng lưu hành trong tù đều phải đốt bỏ, không được mang theo.
Trước ngày trao trả, nhiều đoàn của các giới trí thức, văn nghệ sĩ, thương gia, tôn giáo đến khám Chí Hòa thăm tù chính trị và hỏi xem có ai cần gì không. Trong đoàn có nữ nghệ sĩ Phùng Há.
Nhìn những ấn phẩm mà tù chính trị kỳ công thực hiện trong lao tù, ông Cư thấy xót, muốn giữ lại. Trong hồi ký, bác sĩ Cư kể: "Tôi nói với cô Phùng Há tôi là y tá nên cần một cái giỏ tròn, trong có bọc vải lót bông gòn để đựng bình nước nóng cho người bệnh. Hai ngày sau, cô Phùng Há vào thăm mang theo nhiều giỏ cần xé đựng trái cây, thức ăn, quần áo… Cô đưa tận tay tôi chiếc giỏ tròn có lót bông gòn và bình đựng nước. Tối đó, tôi gỡ chỉ phần lót bông gòn, xếp tờ "Phá ngục" và mấy tập tư liệu đặc san về Bác Hồ ngày 19-5-1954 ở Chí Hòa, cùng tài liệu học tập trong tù rồi may lại như cũ".
Một trang trong tờ "Phá ngục" Xuân Giáp Ngọ 1954
Thế là tối 19-9-1954, ông Cư mang được những kỷ vật quý giá trên cùng các tù chính trị khám Chí Hòa tới trại giam tù binh Hạnh Thông Tây rồi từ đây lên tàu Gascogue ra Thanh Hóa để được trao trả vào ngày 21-9-1954. Dự lễ kỷ niệm Nam Bộ kháng chiến vào ngày 23-9-1954 xong, ông Cư được đón về Trung đoàn 55 thuộc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1955, ông Cư lên Tây Bắc bởi Trung đoàn 55 được phân công đi tu sửa bảo dưỡng đường. Dù điều kiện công tác vất vả, ngủ lán trại giữa cung đường đèo dốc, mưa gió bất kỳ nhưng ông vẫn giữ kỹ lưỡng những kỷ vật từ khám Chí Hòa. Năm 1957, được điều về Hà Nội làm y tá trưởng một đơn vị thuộc Bộ Công nghiệp, rồi đi học ở Trường Cán bộ Y tế trung ương và tốt nghiệp y sĩ, ông Cư được phân công về Bệnh viện tỉnh Hòa Bình, sau đó đi học đại học rồi ở lại Hà Nội làm việc sau khi tốt nghiệp bác sĩ.
Năm 1975, bác sĩ Cư xin trở về quê ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trong hành trang về quê vẫn có tờ "Phá ngục" Xuân Giáp Ngọ và tập đặc san về Bác Hồ.
Tờ báo được cất giữ trong gia đình ông Cư thêm gần 40 năm, mỗi lần nhớ các đồng chí đã cùng trong lao tù, ông lại giở ra xem. Khi ông qua đời (tháng 4-2014), ông Long mang những kỷ vật này về TP HCM và cuối tháng 9-2017, được sự thống nhất của gia đình, ông trao tặng cho Bảo tàng Bến Tre.
Rất khó khăn
Ông Kiều Xuân Long giải thích mô hình trưng bày "Phá ngục" số Xuân Giáp Ngọ tại Bảo tàng Bến Tre hiện nay: Khung hình bát giác màu xám là mô phỏng khám Chí Hòa xây dựng với 8 cạnh đều nhau, vòng kẽm gai chung quanh là biểu trưng hình ảnh lao tù. "Phá ngục" được đặt trong khung bát giác với ý nghĩa trong chế độ kiểm soát gắt gao của nhà tù, thực hiện báo viết tay rất khó khăn nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn thực hiện được tờ báo mang danh một tổ chức để thông tin, tuyên truyền, động viên tinh thần chiến đấu.
Tuy nhiều lần báo bị phát hiện và tịch thu nhưng nhà lao vẫn không ngăn cản được việc thực hiện tờ "Phá ngục". Báo ra được khoảng 50 số, như một vũ khí đoàn kết chiến đấu của những người yêu nước.
Bình luận (0)