Vậy mà khi nghe đến việc chính quyền muốn hạn chế xe cá nhân thì không ít người bày tỏ thái độ không đồng tình. Trước hết phải kể đến những lỗi "chủ quan" cũng như các phát ngôn gây bức xúc của ngành chức năng. Năm nào ngành chức năng cũng đưa ra mục tiêu rất lớn trong việc xóa các điểm ùn tắc, để rồi khi tiền vạn tỉ được chi ra, ùn vẫn cứ ùn. Nói phát ngôn gây bức xúc cũng không quá khi cách đây không lâu một lãnh đạo ngành giao thông vận tải TP bao biện rằng "xe còn nhúc nhích thì không thể gọi là kẹt" (!).
Không kẹt thì giải làm gì? Đã đến lúc ngành giao thông TP phải thừa nhận TP đang đối diện thực trạng kẹt xe (không phải là ùn tắc - NV) với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trong khi các giải pháp công trình gần như đã bế tắc thì giải pháp tiên quyết phải làm đó là thay đổi chính sách giao thông. Chính sách giao thông mới của TP HCM ở đây là vận tải hành khách công cộng (VTHKCC - chủ yếu là xe buýt, đường sắt đô thị) phải có vai trò quan trọng trong vận tải đô thị và sự gia tăng xe cá nhân phải được kìm hãm.
Nói đến phát triển VTHKCC, hạn chế xe cá nhân thì cũng cần phải nhắc lại đây là giải pháp không mới, bởi từ chục năm trước, chính quyền TP đã bàn và đưa ra nhưng liên tục bị người dân phản đối. Người dân cho rằng xe buýt cũ, chạy ẩu, chất lượng phục vụ chưa tốt, hướng tuyến chưa thuận lợi nên không thể dùng xe buýt thay xe máy... Phản ứng của người dân là có lý và ngành giao thông cũng không thể cãi được khi mà thời điểm này, vấn đề trên mới là ý tưởng, chưa được chuẩn bị đủ các bước cụ thể mà đã vội vàng thông tin trên phương tiện truyền thông theo hướng gần như sắp triển khai nên người dân không bức xúc mới lạ.
Thế nhưng, vào thời điểm hiện tại, giải pháp trên hoàn toàn khả thi với chất lượng xe buýt đang được cải thiện và hơn cả là ngành giao thông đã trình UBND TP đề án phát triển xe buýt đến năm 2020 với mục tiêu phủ kín xe buýt, ưu tiên xe buýt song song trên đường. Kế đến, TP đã cam đoan đến năm 2020, tuyến metro số 1 (tuyến metro xương sống của hệ thống metro TP) sẽ đưa vào hoạt động thử nghiệm... Với những gì đang có, TP hoàn toàn có thể thực hiện thành công "Đề án tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân", trong đó có mục tiêu đến năm 2030 cấm xe máy vào khu trung tâm.
Không riêng gì ở TP HCM, chuyện "va chạm" giữa chính sách về giao thông và người đi đường là điều luôn xảy ra trong các giai đoạn phát triển giao thông đô thị của các TP lớn trên thế giới. Vấn đề ở đây là khi chúng ta đã có hẳn một đề án với các giải pháp, lộ trình cụ thể thì cứ mạnh dạn làm và trong quá trình thực hiện hãy cố gắng tiếp thu thật nhiều những ý kiến thuyết phục, sâu sát thực tiễn để điều chỉnh sao cho có lợi nhất, ít xung đột nhất. Về việc này, chỉ cần nhìn hình ảnh khu trung tâm giảm hẳn ùn tắc khi TP tiến hành thu phí ôtô đậu dưới lòng đường theo giờ là thấy rõ, dù ban đầu chính sách này vừa đưa ra lấy ý kiến đã bị không ít người phản đối gay gắt.
Bình luận (0)