Chiều 6-7, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức họp báo định kỳ, thông tin các vấn đề nổi cộm trong thời gian qua. Trong đó, tỉnh Gia Lai xác định việc các dự án điện gió được thi công một phần trên diện tích đất lâm nghiệp là sai nhưng lỗi này là do lịch sử để lại.
Thi công trước, làm thủ tục sau
Tại họp báo, phóng viên Báo Người Lao Động đặt câu hỏi tỉnh Gia Lai căn cứ vào các quy định nào để cho phép một số dự án điện gió đã thi công nhưng chưa hoàn tất các thủ tục, thi công dự án trên đất lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết hiện nay toàn tỉnh có 16/17 dự án điện gió đã triển khai thi công. Các công trình này đều là công trình cấp 1, thuộc sự quản lý của Bộ Công Thương. Trong quá trình các đơn vị khởi công thì không bắt buộc thông tin về Sở Công Thương mà chỉ thông tin về cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong tháng 5 và tháng 6, sở đi kiểm tra thì một số dự án đã thi công nhưng chưa bảo đảm các quy định của pháp luật.
Dự án điện gió ở huyện Kông Chro chưa hoàn thành các thủ tục nhưng đã triển khai thi công
Chỉ riêng tại huyện Kông Chro có 3 dự án nhà máy điện gió (Yang Trung, Chơ Long và Hưng Hải Gia Lai). Qua kiểm tra của các sở, ngành thì cả 3 nhà máy này đều đã thi công nhưng chưa hoàn tất thủ tục về việc xin giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai. Đến thời điểm kiểm tra, các cơ quan có thẩm quyền đang thẩm định thiết kế kỹ thuật, các dự án còn thiếu một số hồ sơ pháp lý liên quan nhưng đã tổ chức thi công móng trụ turbine, mở đường giao thông…
Bên cạnh đó, Nhà máy Điện gió Yang Trung có 10/29 trụ móng và Nhà máy Điện gió Chơ Long có 16/35 trụ móng nằm trên quy hoạch đất lâm nghiệp.
Trong khi đó, trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho các dự án này (do ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ký) đã nêu rõ: "Diện tích sử dụng đất của dự án sẽ chuẩn xác trong giai đoạn thiết kế và các bước thủ tục tiếp theo; bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không ảnh hưởng đến đất rừng, đất quốc phòng - an ninh".
Có sai sót
Chủ trì cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, nói khi rà soát, quy hoạch vào năm 2017 có nhiều sai sót. Nhiều diện tích thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp nhưng thực tế người dân đang canh tác, sinh sống và là "rừng trên giấy". Khi phát hiện quá nhiều sai sót, cơ quan chức năng đã rà soát lại quy hoạch cho chính xác để rừng đúng thật là rừng. Hiện nay, kết quả này đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt.
Đối với các dự án điện gió, khi triển khai thi công có một số trụ móng nằm trên quy hoạch đất lâm nghiệp, theo ông Lộc đa số đất này đang là đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Khi doanh nghiệp ở xa tới không nắm rõ, đã chủ quan khi chỉ báo cáo với chính quyền địa phương, thống nhất họp dân để bồi thường rồi triển khai thi công. Chính quyền địa phương cũng sai sót khi chưa cấp đầy đủ các thủ tục nhưng để doanh nghiệp triển khai thi công.
Theo ông Lộc, hiện nay, UBND tỉnh Gia Lai đang giao các ngành chức năng phối hợp chính quyền địa phương và chủ đầu tư xem sai ở khâu nào để điều chỉnh kịp thời. Tỉnh cũng không có cơ chế, ưu ái nào riêng cho doanh nghiệp, mọi việc đều theo quy định của nhà nước.
Liên quan việc lao động người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) tại các dự án điện gió, ông Lê Minh Lộc, Chánh văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Gia Lai, cho biết đã phát hiện nhiều người "lao động chui" và đã mời những doanh nghiệp liên quan lên xử lý hành chính các trường hợp thuộc thẩm quyền, các trường hợp vượt thẩm quyền thì trình UBND tỉnh xử lý. Tuy nhiên, cụ thể thì ông chưa được quyền phát ngôn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lộc cho biết khi những người này vào lao động ở các công trình điện gió thì chủ đầu tư làm các thủ tục để trình cơ quan thẩm quyền cấp phép. Việc vừa qua có nhiều lao động không phép, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu hoàn tất các thủ tục. Nếu không đáp ứng được thì phải trục xuất trước ngày 25-6. Tuy nhiên, vì đang củng cố hồ sơ nên Công an tỉnh và Sở LĐ-TB-XH xin gia hạn để xử lý.
Bình luận (0)