Ngày 4-10, liên quan đến triển khai 2 đoạn cao tốc Liên Khương - Bảo Lộc (19.500 tỉ đồng), Bảo Lộc - Tân Phú (17.200 tỉ đồng), cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ về các khó khăn khiến 2 dự án này chậm mốc khởi công như từng dự kiến vào tháng 9-2023.
Hai dự án đường cao tốc khi hoàn thành sẽ là trục giao thông xương sống kết nối tỉnh Lâm Đồng với vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Đình Thi.
Theo ông Trần Văn Hiệp, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng (Ban QLDAGT), khối lượng công việc khá lớn, đây cũng là lần đầu tiên Ban vừa nghiên cứu vừa làm dự án cao tốc nên gặp nhiều khó khăn. Để đủ điều kiện khởi công thì đầu tiên phải phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Tiến độ triển khai báo cáo nghiên cứu khả thi đang ở mức hoàn thiện cuối kỳ theo ý kiến của các sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan. Dự kiến tháng 10 này sẽ hoàn thiện báo cáo cuối kì để trình cơ quan chuyên môn thẩm định phê duyệt.
Đối với đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ trình cho Hội đồng thẩm định của Trung ương và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương sẽ trình Hội đồng thẩm định của tỉnh.
Về chuyển đổi mục đích rừng, ông Hiệp cho biết đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để điều chỉnh vì đoạn Tân Phú - Bảo Lộc có điều chỉnh cục bộ vài vị trí. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và khung chính sách của đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Ban QLDAGT đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã thành lập hội đồng, sắp tới sẽ đi thực tế thẩm định. Riêng đoạn Bảo Lộc - Liên Khương thì đang hoàn thiện ĐTM và dự kiến sẽ trình sớm.
"Dự kiến cuối tháng 12-2023 sẽ xong phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Có thể trong tháng 1 hoặc tháng 2-2024 khởi công đoạn cao tốc"- ông Hiệp nói.
Ông Tôn Thiện San, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, cho hay có 2 lý do khiến việc khởi công 2 đoạn cao tốc này không thể khởi công theo như tiến độ dự kiến. Thứ nhất, diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích thay đổi nên phải điều chỉnh hồ sơ và trình lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. "Diện tích rừng được điều chỉnh tuy giảm xuống so với hồ sơ ban đầu nhưng vẫn phải điều chỉnh lại hồ sơ cho đúng" - ông San thông tin.
Lý do thứ 2 là dự án nằm trên 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng nên thẩm quyền giải phóng mặt bằng thuộc cơ quan cấp bộ. Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng sẽ thường xuyên làm việc và có ý kiến để đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng không thể để 2 dự án chậm trễ, kéo dài hơn. "Chúng ta đã chậm trễ, bằng mọi giá để khởi công trong quý 4-2023. Trong 3 tháng cuối năm phải quyết tâm thực hiện, không để kéo dài, để qua quý 1-2024 sẽ kéo theo nhiều việc khác nữa" - ông S nhấn mạnh.
Bình luận (0)