Nhận được thông báo của người dân bức xúc về tình trạng phá nát rừng thông, phóng viên Báo Người Lao Động đã về hiện trường ghi nhận vụ việc.
Hàng trăm cây thông ba lá bị cưa hạ ngổn ngang
Tại hiện trường, trên 2 quả đồi thuộc tiểu khu 216, (thôn Đồng Tâm, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông) với diện tích hơn 1 ha. Tại đây, hàng trăm cây thông có đường kính 20 đến 60 cm, cao hàng chục mét, bị cưa hạ ngổn ngang. Ngay dưới những gốc thông bị cưa hạ được các đối tượng trồng cây nông nghiệp như: mắc ca và cà phê. Cạnh đó, một con đường đá cấp phối được mở ra. Tại khu vực này được các đối tượng gắn bảng kèm số điện thoại rao bán. Những bảng rao bán này, các đối tượng gắn ngay trên những cây thông bị cưa hạ.
Theo người dân địa phương, dù khu rừng bị tàn phá trong thời gian dài nằm ngay cạnh Quốc lộ 27 và gần khu dân cư nhưng vẫn chưa thấy bị xử lý.
Thông ngã xuống trơ gốc
Trước tình trạng rừng bị tàn phá ngổn ngang, chúng tôi liên hệ với UBND xã Phi Liêng, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Ban lâm nghiệp xã... để nắm rõ thêm thông tin. Tuy nhiên, tại đây hầy hết không tiếp cận được.
Ông Trần Đình Sơn - Chủ tịch UBND xã Phi Liêng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), cho biết khu vực này thuộc tiểu khu 216, là điểm nóng phá rừng diễn ra từ năm 2016 đến nay của 1 hộ gia đình. "Trước đó lực lượng chức năng cũng đã nắm tình hình, tuy nhiên không hiểu sao người vi phạm chưa bị xử lý. Tôi mới về nắm địa bàn hơn 1 tháng nên chưa thể bao quát hết được" - ông Sơn thông tin.
Một số hình ảnh Báo Người Lao Động ghi nhận tại hiện trường:
Xen dưới những cây thông bị cưa hạ là cà phê mọc lên.
Những cây thông hàng chục năm tuổi bị cưa hạ, cắt thành từng đoạn
Rao bán cả đất rừng ngay trên những cây thông bị cưa rất phản cảm, thách thức pháp luật.
Trên nhiều địa điểm khác ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, hàng loạt cánh rừng thông bị bức tử.
Bình luận (0)