Tuy chưa được trồng phổ biến nhưng không có nghĩa giống nhân sâm Hàn Quốc không thể trồng tại nước ta. Thực tế đã chứng minh điều đó qua thành công của nhiều mô hình trồng cây nhân sâm Hàn Quốc tại một số địa phương trong những năm gần đây.
Trồng khá đơn giản
Nhân sâm Hàn Quốc có thể trồng luống, chậu tại nhà khá đơn giản. Nhân sâm là thực vật âm tính, ưa khí hậu ôn hòa, mát mẻ, sợ ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ cao. Nhiệt độ thích hợp để nhân sâm sinh trưởng là 20 - 30 độ C. Do đó, với các địa phương có khí hậu mát mẻ thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ… có thể phát triển mô hình trồng nhân sâm ngoài trời. Ở Việt Nam hiện nay, nhân sâm Hàn Quốc đang được trồng tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Lâm Đồng (tập trung ở huyện Lạc Dương)... Các tỉnh có khí hậu nóng có thể trồng nhân sâm trong phòng kín bằng công nghệ chiếu sáng và điều khiển nhiệt độ bằng các thiết bị điều hòa.
Anh Chính, một người dân đang phát triển mô hình trồng nhân sâm tại tỉnh Nghệ An, đúc kết nhân sâm Hàn Quốc là loại dễ trồng, không kén đất, trồng được trên mọi địa hình và không tốn diện tích. Cây từ 2 năm tuổi, rễ bắt đầu phân nhánh và phình to. Cây 4 - 5 năm tuổi có củ phình to và phát triển mạnh. Cây 6 năm tuổi là giai đoạn thu hoạch củ tốt nhất vì có nhiều dưỡng chất.
Anh Tạ Công Luận - 33 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Sâm mầm Hàn Quốc (tỉnh Lâm Đồng) - cho hay từ lứa đầu tiên đến nay, công ty đã nhập giống với số lượng trên 140.000 cây, xuất bán ra thị trường trên 100.000 cây mầm nhân sâm. Để mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, công ty đã xây dựng một nhà kính diện tích 150 m2, mỗi lứa trồng 10.000 cây.
Sâm mầm là một trong 3 loài nhân sâm quý của Hàn Quốc, được trồng lần đầu tiên ở Việt Nam trong nhà kính thuộc nông trại Trường Đại học Đà Lạt với điều kiện trồng trọt nghiêm ngặt: không sâu bệnh, không thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, thổ nhưỡng phù hợp để cây phát triển.
Anh Luận cho biết mỗi củ sâm giống 2 năm tuổi nhập về có giá 12.000 - 15.000 đồng, được ươm trồng và chăm sóc tại vườn từ 30 - 40 ngày sẽ phát triển thành cây sâm đủ thân, rễ, lá và đưa vào sử dụng với giá bán 30.000 đồng/cây. Trừ chi phí sản xuất, mỗi cây anh thu lời khoảng 10.000 đồng.
Theo anh Luận, người Hàn Quốc đã quen sử dụng và biết rõ công dụng của sâm mầm nên họ rất hoan nghênh sản phẩm vừa tươi, sạch vừa bổ dưỡng này. Hơn nữa, cây sâm mầm còn có một hợp chất quan trọng có tác dụng bảo vệ gan, giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa ung thư, giảm kết dính tiểu cầu, trong khi nhân sâm củ cùng độ tuổi không có hoạt chất này. Do đó, các công ty ở Hàn Quốc đặt hàng công ty anh với số lượng rất lớn.
Một số hình ảnh trồng và thu hoạch nhân sâm tại nông trại thông minh trồng nhân sâm Hàn Quốc của Công ty Capital Seaweed Consumer. Ảnh: LÊ HIỂU
Xây dựng thủ phủ nhân sâm của Việt Nam
Nhân sâm trồng khoảng 2 năm là có thể thu hoạch, cây càng lâu năm giá trị dược liệu càng cao và giá bán cũng càng cao. Đối với sâm củ, giá bán dao động từ 4 - 7 triệu đồng/kg tươi, tùy kích thước và số năm tuổi.
Vì khả năng thích nghi với vùng trồng của nhân sâm Hàn Quốc và hiệu quả trong phát triển kinh tế của giống cây này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã phối hợp cùng Hiệp hội Nghệ nhân nhân sâm Hàn Quốc, Công ty CP Tập đoàn MHGroup Việt Nam - Hàn Quốc ký kết khởi động chương trình chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng, chế biến nhằm đưa cây nhân sâm phát triển theo hướng công nghiệp, sớm đưa Điện Biên trở thành thủ phủ nhân sâm của Việt Nam, giúp nâng cao đời sống người dân.
Tại TP HCM, Công ty Capital Seaweed Consumer đang tập trung đầu tư và phát triển nhân rộng giống sâm tươi Hàn Quốc. Theo ông Nguyễn Phước Vinh, chủ doanh nghiệp này, nhân sâm Hàn Quốc được trồng trong những nông trại thông minh, giá trị dinh dưỡng cao nhưng giá bán bình dân, nhiều người dùng có thể tiếp cận. Việc đầu tư cho mô hình nông trại thông minh cũng không quá tốn kém, hiệu quả lại cao, ít bị biến động do ảnh hưởng của nhiệt độ và thời tiết khi trồng. "Hiện nay sản phẩm của công ty đang được mở rộng thị trường và được nhiều người biết đến" - ông Vinh tự tin.
Từ nguyên liệu sâm, nhiều sản phẩm được chế biến như sâm tẩm mật ong, cao sâm, bột sâm, trà sâm, viên sâm, nước uống tăng lực, mỹ phẩm chứa sâm, dầu gội đầu chứa sâm… Những sản phẩm từ sâm đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng rộng rãi, làm tăng giá trị tăng thêm của nhân sâm, mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho người trồng.
Sâm là vị thuốc đứng đầu các vị thuốc quý của y học cổ truyền "sâm, nhung, quế, phụ". Sâm đã được sử dụng hàng ngàn năm nay trong điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe. Từ vị thuốc cổ truyền của một số nước ở châu Á, sâm hiện nay được sử dụng trên toàn thế giới.
Thị trường sâm thế giới tăng trưởng hằng năm, với giá trị hàng tỉ USD mỗi năm, mang lại nguồn kinh tế đáng kể cho các quốc gia trồng sâm. Không những thế, tại một số quốc gia sử dụng sâm lâu đời như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, việc dùng sâm còn trở nên nét văn hóa truyền thống độc đáo và lâu đời.
Nhân sâm Hàn Quốc còn được gọi là nhân sâm Cao Ly, có tên khoa học là Panax Ginseng C.A.Mey, thuộc họ nhân sâm (Aranliaceae), có nguồn gốc từ bán đảoTriều Tiên. Dù ở Trung Quốc và Nhật Bản đều có nhân sâm nhưng giống nhân sâm Hàn Quốc được đánh giá cao hơn về mặt dưỡng chất.
Ở Việt Nam, nhân sâm được xem là món quà quý mà ai cũng muốn có, nên việc trồng và phát triển nhân sâm là hướng mà nhiều người nghĩ đến nhưng chưa dám làm. Nhưng gần đây, một số mô hình khởi nghiệp trồng nhân sâm Hàn Quốc đã thành công, cho thấy hiệu quả của việc trồng và thương mại hóa sản phẩm nhân sâm này.
Bình luận (0)