xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lắm nỗi lo từ dịch sởi

Ngọc Dung - Anh Thư - Nguyễn Thạnh - Trịnh Thiệp

Dịch sởi đang bùng phát mạnh và nguyên nhân một phần do phụ huynh chủ quan, số khác tẩy chay vắc-xin

Bước khỏi Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP HCM với đứa con còn mệt lả trên tay, chị Mai T. (25 tuổi, ngụ TP HCM) cho biết con chị tái khám bệnh sởi và rất may đã khỏe. Con của chị 12 tháng tuổi, chưa được chích ngừa.

Có thể kéo dài đến tháng 6

"Đợt 9 tháng đến hạn chích thì bé hơi sụt sịt nên tôi để sau, rồi bận công việc quá mà quên luôn. Ai dè Tết cả nhà về quê, bé lại dính bệnh, vừa vào đến TP HCM đã sốt cao, khám ra sởi, tôi sợ điếng hồn. May là cháu không có biến chứng nên chỉ theo dõi tại nhà. Nay còn mấy bệnh như thủy đậu, quai bị, viêm não Nhật Bản… bé chưa chích, đợi khi nào bé khỏi bệnh tôi đưa đi chích luôn" - chị T. nói.

Lắm nỗi lo từ dịch sởi - Ảnh 1.

Bệnh nhi được khám và điều trị bệnh sởi tại TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, cho rằng dịch sởi đang ở giai đoạn "đi ngang", không tăng không giảm. Đáng chú ý là dịp Tết vừa qua vẫn có nhiều phụ huynh đưa con đi khám sởi. Thường bệnh nào mà Tết vẫn có người đến khám nghĩa là bệnh ấy vẫn còn nhiều ngoài cộng đồng. BS Khanh dự đoán dịch có thể kéo dài đến tháng 6 nếu như việc chích vắc-xin không được rà soát, đẩy mạnh hơn nữa. Hiện đa số các bé phải nhập viện vì sởi đều là trẻ không được chích vắc-xin. Thời gian qua, trung bình mỗi ngày có khoảng mười mấy đến 20 trẻ nằm điều trị trong khoa nhiễm - thần kinh của BV này, tuy nhiên còn nhiều trẻ khác được điều trị ngoại trú, bởi bệnh sởi chỉ khi nào có biến chứng mới cần nhập viện.

Đã lan ra 43 tỉnh, thành

PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - nhận xét từ đầu năm đến nay, dịch sởi bùng phát mạnh và nguyên nhân một phần do phụ huynh chủ quan, số khác tẩy chay vắc-xin. Các ca mắc sởi không chỉ là trẻ em mà cả người lớn và trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng (dưới 9 tháng tuổi). Hiện bệnh sởi đã ghi nhận ở 43 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam. Đáng nói là 90% số ca mắc sởi là chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng.

Theo PGS-TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 200 ca sởi. Chỉ trong 1 tuần qua Hà Nội đã phát hiện thêm 80 ca, trong khi 2 tháng đầu năm 2018 chỉ 22 ca. Trong số những ca mắc, có tới 89,1% chưa được tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đủ liều. Tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng thấp cũng là lý do khiến dịch lây lan.

Tin từ BV Bạch Mai cho biết đã có một ca viêm não - màng não do biến chứng của sởi là bệnh nhân Đ.H.V (28 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngày 8-2 bệnh nhân sốt cao, sau 3 ngày xuất hiện phát ban, tính chất ban dạng sởi, kèm đi ngoài phân lỏng, mắt đỏ và chảy nước mắt, nước mũi. Bệnh nhân vào BV Bạch Mai ngày 17-2 trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi chưa bay hết. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy có biến loạn với chẩn đoán viêm não - màng não do sởi. Khai thác bệnh sử dịch tễ được biết trước khi phát bệnh, bệnh nhân đang sống và làm việc tại quận Bình Thạnh, TP HCM và không nhớ đã tiêm phòng sởi trước đó hay chưa.

Theo ông Phu, tại một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn, nhiều trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi đầy đủ như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... là vùng có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi. Cuối năm 2018, Bộ Y tế đã tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella cho hơn 4,2 triệu trẻ từ 1-5 tuổi ở các vùng nguy cơ cao tại hơn 400 huyện của 57 tỉnh, thành phố.

Tốc độ lây nhiễm cao

Hiện một trong những nguy cơ lây lan dịch sởi khiến các chuyên gia lo ngại là tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế.

PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi trung ương, cho biết BV này đã thành lập hệ thống điều trị riêng cho bệnh nhi mắc sởi. Khi tiếp nhận trẻ nghi phát ban nhập viện thì sẽ được đi theo con đường riêng vào phòng khám riêng, nếu trẻ phải nằm viện thì sẽ được chuyển đến khu điều trị riêng. Tại đây, nhân viên y tế chăm sóc riêng, phòng bệnh mở 2 chiều, cửa sổ mở thông thoáng. Hệ thống trang thiết bị y tế của khu vực này cũng dùng riêng, lấy máu xét nghiệm tại đó, chụp X-quang cũng tại đó để tránh chung đụng về trang thiết bị làm phát sinh nguy cơ lây nhiễm chéo.

PGS-TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người.

Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39-40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh thường hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy...

Để phòng bệnh, các chuyên gia y tế dự phòng khuyên phụ huynh chủ động đưa con từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm phòng; không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và bảo đảm các biện pháp tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết bộ này đã đề nghị các BV phải bằng mọi biện pháp truyền thông để người bệnh, thân nhân người bệnh, nhân viên y tế... hiểu rõ đường lây truyền nguy hiểm là qua hô hấp. Đối với người bệnh sởi và nghi sởi cần mang khẩu trang khi đi khám bệnh; trẻ nhỏ (không thể mang khẩu trang) thì phụ huynh nên dùng khăn giấy che miệng trẻ khi ho, hắt hơi.

Theo ông Khuê, tại các khoa khám bệnh phải tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi. Chỉ nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi nặng theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây chéo trong BV. Các cơ sở y tế cần tổ chức tư vấn, hướng dẫn thân nhân người bệnh biết cách chăm sóc ca bệnh nhẹ tại nhà để giảm chi phí điều trị cho gia đình và xã hội, tránh được lây nhiễm chéo và quá tải BV.

Trường hợp bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên thì Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV đầu ngành hỗ trợ tuyến dưới, sẵn sàng hội chẩn, góp ý, chỉ đạo chuyên môn qua đường dây nóng. 

Thảm họa từ bài báo sai sự thật

Chống vắc-xin được cho là bắt nguồn từ một bài báo y khoa vào năm 1998, được kết luận là sai sự thật. Theo tờ Independent, tác giả chính - bác sĩ tiêu hóa Andrew Wakefield - tuyên bố tìm thấy mối liên hệ giữa chứng tự kỷ ở trẻ em và việc sử dụng vắc-xin. Bài báo được đăng trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet và trở thành vụ tai tiếng cực lớn cho tạp chí này. Bài báo nhanh chóng được gỡ bỏ nhưng đã đủ gây hậu quả lớn là giảm mạnh tỉ lệ tiêm chủng ở Anh, châu Âu, Mỹ và gây bùng phát ngay sau đó một số bệnh dịch, nhất là sởi. Bác sĩ Andrew Wakefield sau đó đã bị Hội đồng Y khoa Anh (GMC) kết tội với nhiều tội danh, bao gồm tội không trung thực và lạm dụng trẻ em. Ông ta cũng bị tước chứng chỉ y khoa và vĩnh viễn không thể hành nghề ở quốc gia này.

Sau đó, Wakefield tiếp tục sang Mỹ và vận động chống vắc-xin. Ở Mỹ, ông ta đã bị buộc tội trực tiếp về sự bùng phát dịch sởi ở bang Minnesota vào năm 2017.

Đông Nam Á dẫn đầu về số ca bệnh

Cục Y tế dự phòng cho biết ngay trong những tuần đầu năm nay, dịch sởi diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng tại nhiều nước trên thế giới. Tại Mỹ, bệnh quay lại sau 20 năm nước này công bố loại trừ bệnh sởi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi gia tăng một phần do tỉ lệ bao phủ vắc-xin sởi không đạt tại nhiều quốc gia và gia tăng sự di chuyển, giao lưu trên toàn cầu. Thống kê của WHO cho thấy hiện có ít nhất 60 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được tiêm ngừa sởi. Hầu hết cha mẹ của những trẻ này không cho con chích ngừa vì sợ tác dụng phụ của vắc-xin có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con họ. Thậm chí, nhiều người còn lên án vắc-xin và cho rằng con họ sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn so với những trẻ được chích ngừa. Điều này đã tạo tiền đề cho dịch bệnh sởi bùng phát.

Theo thống kê mới nhất của WHO trên 6 khu vực (châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, Đông Địa Trung Hải, Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á), có tới 229.068 ca sởi được ghi nhận trong năm 2018. Trong đó, số ca ở Đông Nam Á chiếm nhiều nhất: 73.133 ca. Trước đó, năm 2017, tổng số ca sởi ở 6 khu vực nói trên là 151.403 ca thì Đông Nam Á cũng chiếm đầu bảng, với 79.369 ca. Trong năm 2018, đỉnh dịch sởi toàn cầu là vào tháng 3 với 31.839 ca trên 6 khu vực này được thống kê, sau đó giảm dần đến mức thấp nhất là 7.213 ca vào tháng 12.

Bệnh sởi cũng là ví dụ khi được WHO quyết địch xếp "do dự vắc-xin", theo cách gọi nôm na phổ biến là "antivaccine" (chống vắc-xin), vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu cho sức khỏe toàn cầu năm 2019, công bố vào giữa tháng 1 vừa qua.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo