Ngày 5-11, UBND tỉnh Đồng Tháp và UBND TP HCM đã tổ chức Hội nghị liên kết du lịch giữa TP HCM và tỉnh Đồng Tháp trong điều kiện thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19, tại tỉnh Đồng Tháp.
Liên kết nhưng không "hòa tan"
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), nhận định Đồng Tháp là một trong những tỉnh, thành ở ĐBSCL được tập trung phát triển du lịch với quyết tâm của lãnh đạo địa phương. Trước khi có dịch Covid-19, Đồng Tháp luôn nằm trong điểm đến của những chương trình tour 1 ngày, 2 ngày 1 đêm ở nhiều tour liên tuyến tới ĐBSCL.
Sau giai đoạn giãn cách và trong lộ trình khôi phục du lịch, Đồng Tháp đã tiếp tục tập trung ứng dụng công nghệ duy trì quảng bá thông tin du lịch, các điểm đến... chi tiết cho du khách và doanh nghiệp (DN). Hiện lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch Đồng Tháp đã quyết tâm mở lại hoạt động của ngành du lịch để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế địa phương theo tiêu chí 3 xanh: điểm đến xanh - du khách xanh - sản phẩm xanh.
Ông Võ Anh Tài cho rằng cần thiết tập trung công tác truyền thông về an toàn dịch bệnh và việc sẵn sàng hoạt động trở lại của các dịch vụ, khu điểm du lịch tại Đồng Tháp.
Các đại biểu tham dự chương trình kết nối du lịch TP HCM và Đồng Tháp
"Để tăng cường hiệu quả du lịch ở Đồng Tháp, có thể tập trung theo hướng khai thác tối đa chi tiêu của du khách qua các hoạt động mua sắm, giới thiệu sản vật, ẩm thực, các món ngon từ sen, sản phẩm thủ công mỹ nghệ; tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của Đồng Tháp theo hướng du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, an toàn, sức khỏe..." - ông Võ Anh Tài góp ý.
Đánh giá cao việc kết nối, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, cho rằng liên kết để khôi phục và phát triển du lịch là cần thiết nhưng không "hòa tan" giữa các địa phương. Nếu điểm đến nào ở ĐBSCL cũng có sản phẩm tương tự nhau thì sẽ khó hấp dẫn du khách đến nhiều nơi và quay lại nhiều lần. Thay vì đưa khách đi tham quan thì các tỉnh nên tăng cường sản phẩm để trải nghiệm, cảm nhận văn hóa địa phương.
Góp ý cho ngành du lịch Đồng Tháp, nhiều DN du lịch nhìn nhận tài nguyên thiên nhiên nhiều nhưng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là sản phẩm về đêm còn thiếu.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt, chỉ rõ thời gian tới, Đồng Tháp có thể tận dụng thế mạnh của địa phương với 2 điểm nhấn là làng hoa Sa Đéc và khu vực Đồng Tháp Mười với lợi thế rất lớn là Vườn Quốc gia Tràm Chim hay sản phẩm sen đặc trưng.
"Điểm đến này đang thiếu sản phẩm để khách có thể lưu trú từ 2-3 đêm. Trong quá trình đi tư vấn đào tạo du lịch, rất nhiều DN lữ hành hỏi tôi làm sao giữ khách ở lại 2-3 đêm, đặc biệt là sản phẩm sau 17 giờ? Như bờ sông Sa Đéc rất đẹp nhưng lại không khai thác sản phẩm trên sông như du thuyền, thay vì chỉ tham quan, ngắm cảnh" - ông Phan Đình Huê gợi mở.
Ông Trương Hoàng Phương, Công ty Du lịch Exotic Việt Nam, cũng cho rằng cần thỏa mãn nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách khi tới Đồng Tháp. Cách xây dựng du lịch làm sao tạo được điểm nhấn ấn tượng giới thiệu với du khách; nghiên cứu chức năng từng khu, điểm chứ không đánh đồng cách khai thác tương tự nhau; khai thác sâu cái riêng của từng điểm đến nhằm tạo ra sự đa dạng cho cả khu vực.
Tạo thế và lực để liên kết, vươn xa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho hay Đồng Tháp vừa thông qua kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần nâng cao hình ảnh địa phương. Nhiều giải pháp được đặt ra, trong đó chú trọng giải pháp ứng phó an toàn với dịch bệnh; gắn phát triển du lịch với xây dựng nền văn hóa năng động, sáng tạo. Đặc biệt là liên kết để tạo thế và lực cho du lịch địa phương có thể học hỏi, kết nối vươn xa.
"Liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL hết sức quan trọng, thiết thực trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với đại dịch" - ông Đoàn Tấn Bửu nói.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng trao bảng tượng trưng kit xét nghiệm và khẩu trang cho lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: QUANG LIÊM
Chủ trương liên kết du lịch TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã được triển khai từ rất sớm. Việc liên kết nâng lên cấp độ vùng giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được hiện thực hóa chính thức từ Diễn đàn Liên kết phát triển du lịch 14 địa phương năm 2019.
Đến nay, trong bối cảnh mới sau giãn cách, TP HCM đề nghị Đồng Tháp tiếp tục phát huy theo hướng lấy liên kết song phương làm chủ đạo và mở rộng đến các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh khi có thể. Điều này nhằm khôi phục lại hoạt động của ngành du lịch, tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động và chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón khách quốc tế trở lại.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, để nâng cao hơn nữa hiệu quả kết nối, Diễn đàn Kết nối du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần 2 sẽ được tổ chức trong năm nay tại Đồng Tháp. Diễn đàn tập trung vào việc trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện các Bộ tiêu chí an toàn và bản đồ số du lịch an toàn; tăng cường các hoạt động liên kết giữa 2 địa phương và hoạt động liên kết vùng để tạo nên sản phẩm, chính sách chung nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp cho khách du lịch để trải nghiệm "Một hành trình - nhiều điểm đến".
Ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp sẽ đánh giá toàn diện thực trạng và đề ra các giải pháp khôi phục lại hoạt động du lịch; tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, truyền thông quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch với các sản phẩm đặc thù, hấp dẫn.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, nêu rõ quan điểm của tỉnh là các DN trong ngành du lịch tổ chức lại hoạt động đón tiếp và phục vụ khách du lịch phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch, cùng xây dựng chương trình du lịch đặc sắc, thu hút được du khách và phát huy liên kết giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Bà PHAN THỊ THẮNG, Phó Chủ tịch UBND TP HCM:
Tận dụng thế mạnh để cùng phát triển
Với những thế mạnh khác nhau, việc phát triển sản phẩm liên kết giữa TP HCM và Đồng Tháp là giải pháp quan trọng để kích thích nhu cầu đi du lịch đồng thời bảo đảm thành quả phòng chống dịch của hai địa phương, bảo đảm tiêu chí du lịch phải an toàn, an toàn trong du lịch và tận dụng lợi thế của từng địa phương nhằm phát triển kinh tế du lịch.
Để kích hoạt hoạt động du lịch liên tuyến giữa TP HCM và Đồng Tháp, UBND TP HCM sẽ chỉ đạo Sở Du lịch TP khẩn trương phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp tổ chức các chương trình tour thí điểm ngay sau hội nghị này, từ đó tổ chức chương trình du lịch cho khách theo lộ trình khôi phục hoạt động du lịch. Tổ chức thêm các chương trình du lịch kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ - TP HCM - Đồng Tháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kích thích nhu cầu đi du lịch và giải trí của du khách và chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết dương lịch, Tết nguyên đán và chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại Việt Nam.
Cần khẩn trương phối hợp thống nhất tiêu chí an toàn trong lĩnh vực du lịch để làm cơ sở tổ chức chương trình du lịch liên tỉnh, như xây dựng quy trình xử lý các ca F0 đối với khách đi du lịch, cung cấp đường dây nóng để xử lý các trường hợp khách du lịch có triệu chứng nguy cơ mắc Covid-19 và xử lý các tình huống phát sinh; cung cấp danh sách DN đủ điều kiện hoạt động bảo đảm tiêu chí an toàn; thống nhất phương thức lưu thông cho DN du lịch và khách du lịch theo hướng thuận lợi nhất.
Ông LƯƠNG HOÀI NAM, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia:
Sớm xây dựng lộ trình phục hồi du lịch quốc tế
Nhu cầu đi du lịch của khách đến với ĐBSCL rất cấp thiết vì đây là chuỗi liên kết chung giữa các tỉnh, thành. Hành trình tour tuyến các địa phương có thể liên thông để mở ra nhiều tour, tuyến; nhanh chóng tiếp cận thị trường nguồn trong bối cảnh hiện nay để tìm hiểu nhu cầu sắp tới nhằm có sự điều chỉnh phù hợp; thiết kế các tour, tuyến, sản phẩm du lịch sau khi phục hồi. Quan trọng là phải sớm xây dựng lộ trình cụ thể phục hồi lại du lịch quốc tế; thực hiện tốt việc quảng bá hình ảnh, sản phẩm, điểm đến du lịch.
Riêng TP HCM có thể ra đời Quỹ Du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thế mạnh chung, từ đó kích thích du lịch các vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL.
Bình luận (0)