Ngày 11-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến vào báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.
Thao túng thị trường, đẩy giá đất lên cao
Đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết UBKT cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được năm 2021; sau khi đánh giá bổ sung có một số thay đổi đáng ghi nhận. Quý I/2022, GDP ước tăng 5,03% so với cùng kỳ, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định...
Đáng chú ý, UBKT cho rằng thị trường chứng khoán xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm. Đồng thời, cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho ngân sách nhà nước...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kiến nghị: "Bên cạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp, đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán trong việc để xảy ra tình trạng này". Về thị trường trái phiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp kiến nghị cần đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Trong đó, cần làm rõ những rủi ro do các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và cần có những giải pháp phù hợp. Cũng theo bà Lê Thị Nga, thị trường quyền sử dụng đất có dấu hiệu bất ổn. Những sai phạm trong đấu giá đất, hiện tượng môi giới bất động sản liên kết với nhau đẩy giá đất lên cao, gây sốt đất và làm bất ổn thị trường, cần phải có giải pháp để giải quyết tình trạng này.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá đất nền vùng ven tại một số nơi tăng nóng lên gấp 2 - 3 lần, thậm chí tới 5 lần trong vòng 1 năm. Nhiều ý kiến cho rằng chủ yếu là hoạt động đầu cơ. Việc thị trường bất động sản phát triển nóng có tính chất đầu cơ sẽ dẫn đến khuyến khích người dân, doanh nghiệp dùng đòn bẩy tài chính để đầu cơ rủi ro, nợ xấu cho ngân hàng thương mại sẽ gia tăng khi thị trường có biến động. Theo bà Nguyễn Thị Thanh, qua số liệu cho thấy lượng vốn lớn đổ vào kinh doanh chứng khoán và bất động sản lớn nhất từ trước đến nay về quy mô và tỉ trọng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản lên tới 17,14%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của toàn hệ thống. Dư nợ tín dụng đổ vào bất động sản chiếm tới 20,11% dư nợ toàn hệ thống.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN
Cần giải pháp để ổn định thị trường
Liên quan vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, kiểm soát lạm phát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải làm rõ ưu, nhược điểm, đặc biệt năm 2022, tình hình diễn biến rất bất thường về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. "Sáng hôm qua giảm đến 54 điểm, chiều lại đảo chiều trở lại tăng lên dương. Ngày hôm kia giảm đến gần 60 điểm. Một phiên mà giảm đến hơn 4,4%. Tôi ngày nào cũng xem chứng khoán, không biết các đồng chí điều hành vĩ mô có xem không. Bất thường như thế các đồng chí thấy có yên tâm không?" - ông Vương Đình Huệ nói thẳng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải đánh giá kỹ vấn đề này và đánh giá tác động của trái phiếu doanh nghiệp vì năm 2021 đã để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển quá nóng. Phải dẫn số liệu ra để đại biểu Quốc hội biết. Năm ngoái, tổng số phát hành trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu, trái phiếu doanh nghiệp cho bất động sản là bao nhiêu, nợ đến hạn là bao nhiêu? Nợ đến hạn không có khả năng thanh toán là bao nhiêu? "Luật Chứng khoán mới sửa, nghị định vừa ban hành, nói là luật không chặt chẽ, sơ hở thì ai chịu trách nhiệm chỗ này. Đừng đổ thừa cho khách quan, cơ quan nào và đối tượng nào, ai chịu trách nhiệm, chứ không thể nói chung chung" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Giải trình các ý kiến chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thị trường vốn có cổ phiếu và trái phiếu, trong đó có trái phiếu Chính phủ, thị trường tiền tệ liên quan tới ngân hàng, còn thị trường bất động sản liên quan tới đất đai. "3 lĩnh vực này thông với nhau, đặc biệt hiện nay thị trường bất động sản chưa tiếp cận đến cầu thực sự và cung cầu hiện nay không thực tế, do đó việc đầu cơ, mua bán, găm giữ còn chưa phản ánh thật, mà vốn chảy vào đây cũng còn nhiều vấn đề, kể cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Do đó, đây là một bất cập rất lớn" - Phó Thủ tướng nói.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết UBTVQH thống nhất cho rằng thị trường chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro. Vì vậy, cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, cùng với việc có giải pháp để ổn định thị trường, niềm tin của nhà đầu tư.
Báo cáo "vắng bóng" vấn đề đất đai
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4. Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết có 3.393 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền và đến nay 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn băn khoăn còn "vắng bóng" vấn đề đất đai, giải tỏa đền bù, dù đây là vấn đề nhân dân có nhiều ý kiến, thậm chí thống kê cho thấy 70% số đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực này.
Bình luận (0)