xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm rõ lợi ích nhóm trong quy hoạch đất đai

Văn Duẩn

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) cho rằng những điều chỉnh trong quy hoạch đất đai luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư và đặt ra vấn đề có hay không lợi ích nhóm, "sân trước sân sau" cộng sinh với các quan chức

Ngày 27-5, Quốc hội (QH) đã dành cả ngày để nghe Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết xuất phát từ sự quan tâm của cử tri đối với thực trạng phát triển nhanh chóng của các đô thị thời gian qua, QH đã thành lập đoàn giám sát về nội dung đất đai đô thị.

Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn đã làm việc với Chính phủ, 7 bộ - ngành, 12 địa phương (trong đó có những nơi "nóng" nhất về đất đai như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng), nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản lớn ở Việt Nam và khảo sát 40 dự án sử dụng đất tại đô thị.

Kết quả giám sát cho thấy nhiều vi phạm liên quan đến chậm triển khai dự án, tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng đã được phê duyệt diễn biến phức tạp. Điển hình là dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) có phần công trình cao tầng của dự án sai phạm so với giấy phép xây dựng (không xây dựng giật cấp để tăng diện tích sàn xây dựng; tự ý tăng chiều cao các tầng). Một số khu vực như Đầm Bông, Đầm Sòi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong quy hoạch xác định là đất cây xanh nhưng đang tồn tại các khu dân cư.

Nhiều dự án đô thị triển khai chậm tiến độ. Một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, trì hoãn bằng cách xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để chờ khi có điều kiện mới thực hiện hoặc chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác như: dự án xây dựng Trường Mầm non Vạn Xuân (phường Định Công, quận Hoàng Mai); dự án Khu tổ hợp dịch vụ văn phòng bán đảo Linh Đàm tại lô CC2 (mảnh A) tại Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).

Làm rõ lợi ích nhóm trong quy hoạch đất đai - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu trong buổi họp ngày 27-5 Ảnh: VĂN BÌNH

Việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra khá phổ biến. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1-6 lần. Đặc biệt, quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng.

Đáng chú ý có dự án được điều chỉnh hơn 5 lần và việc điều chỉnh theo đề xuất của nhà đầu tư đã làm thay đổi lớn so với quy hoạch ban đầu, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích người dân như một số dự án của TP Hà Nội. Điển hình là dự án tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng tại ô HH1, HH2, HH3 và HH4 lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%, tầng cao trung bình từ 20-33 tầng lên tối đa 40 tầng.

Báo cáo của Chính phủ gửi tới QH trong kỳ họp lần này cũng cho thấy theo số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố, có 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích hơn 80.400 ha. Trong đó, 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, với tổng diện tích là hơn 60.332 ha.

Nhà đầu tư hưởng lợi

Tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu hàng loạt bất cập trong việc quy hoạch, sử dụng đất đô thị. Thậm chí có những khu vực quy hoạch rồi nhưng do sự chi phối của DN, nhiều lãnh đạo địa phương làm cho quy hoạch thay đổi, gây bức xúc trong nhân dân.

Cùng quan điểm, ĐB Đinh Duy Vượt đánh giá nhiều nơi còn tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết gây ra nhiều hệ lụy. Những quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng, lợi ích của người sử dụng như tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm mật độ cây xanh. Điều đáng suy ngẫm là nhiều tỉ phú thâu tóm "đất vàng, đất kim cương" tại các khu đất đô thị cùng hàng ngàn hécta đất màu mỡ khác chờ thời. "Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, "sân trước sân sau" cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền?" - ĐB Đinh Duy Vượt nêu.

Làm rõ lợi ích nhóm trong quy hoạch đất đai - Ảnh 2.

Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM) quy hoạch treo 27 năm qua Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Điều quan trọng là sau tất cả những gì đã chỉ mặt đặt tên thì các vụ việc nêu trên bao giờ bị xử lý và xử lý thế nào để không tái diễn?" - ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt vấn đề.

Nhắc lại những vi phạm lớn điển hình như dự án 8B Lê Trực, cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam hay việc xà xẻo đất "vàng" tại các đô thị lớn, ĐB Nhân cho rằng có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn mà không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này.

"QH nghĩ gì khi mật độ xây dựng điều chỉnh nâng từ 4,6% lên 40%, tầng cao bình quân từ 20-33 lên đến 40 tầng. Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư tuân thủ quy hoạch của nhà nước thì bị bẻ cong theo đề xuất của các nhà đầu tư... Lý do gì mà các nhà quản lý không thể bảo vệ điều do chính mình thực hiện thì hẳn ai cũng có câu trả lời" - ông nói và đề nghị cần biện pháp đủ mạnh và toàn diện của nghị quyết sau giám sát để giải quyết các vấn đề tồn tại với tinh thần thượng tôn pháp luật.

ĐB Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho rằng việc giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách rất bất cập, không sát với thị trường, làm thiệt hại cho người dân, gây khiếu kiện, thất thu ngân sách. Ngoài ra, ông đề nghị Chính phủ cần rà soát lại các dự án treo, quy hoạch không thực hiện để xử lý dứt điểm, bảo đảm quyền lợi cho người dân. 

4 bộ trưởng trả lời chất vấn

Chiều 27-5, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sau khi gửi 5 nhóm vấn đề xin ý kiến ĐBQH, kết quả có 471/484 ĐB có mặt đã phản hồi.

Qua tổng hợp ý kiến, 4 bộ trưởng được chọn đăng đàn trả lời chất vấn, gồm: Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn bắt đầu từ ngày 4-6, kéo dài trong 2,5 ngày.

Đề xuất cấm đứng tên mua nhà cho người nước ngoài

Chỉ ra hàng loạt tồn tại, đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ 16 nội dung, trong đó có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể, báo cáo QH tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020); sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định có liên quan hiện còn vướng mắc, bất cập.

Đặc biệt, đoàn kiến nghị cần nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo