Trước đó, ngày 16-1, hội đồng kỷ luật của bộ đã họp và đề xuất kỷ luật cảnh cáo 1 cán bộ, khiển trách 1 cán bộ và phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc 1 cán bộ. Trong đó, cán bộ bị đề nghị cảnh cáo là vụ phó.
Đây là việc làm đáng hoan nghênh của Bộ GD-ĐT, đã giữ đúng cam kết sau khi thông tin về vụ việc được đưa rộng rãi, dư luận xã hội phản ứng với quy định xa rời thực tế của cán bộ tham mưu. Và những ngày qua, dư luận lại chú ý đến Thông tư 06/2017 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) có quy định: Từ 1-1-2019, người phụ trách kinh doanh các công ty lữ hành nội địa, quốc tế như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc... phải có bằng cấp cao đẳng (CĐ) chuyên ngành lữ hành để được tiếp tục hoạt động theo Luật Du lịch 2017. Trong trường hợp không có bằng CĐ chuyên ngành lữ hành trở lên thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế hoặc nội địa.
Điều này cũng đồng nghĩa hàng ngàn lãnh đạo công ty du lịch phải đi học lại để bổ sung bằng cấp. Quy định này lập tức gây phản ứng mạnh từ các công ty du lịch. Điển hình là một vị cho biết trên Báo Pháp Luật TP HCM bằng tốt nghiệp đại học của ông ghi là "quản trị kinh doanh - du lịch", trong khi Thông tư 06 quy định bằng phải ghi chính xác là "quản lý và kinh doanh du lịch", tức trên bằng chỉ khác chữ "lý" và chữ "trị". Nghĩa là bằng đại học của ông không được chấp nhận, phải đi học lại.
Theo phân tích của các chuyên gia, có thể đây là sơ suất của Bộ VH-TT-DL khi ban hành Thông tư 06, không tính đến yếu tố lịch sử trong cách ghi nội dung bằng cấp song lại cứng nhắc yêu cầu trên văn bằng phải ghi đúng từng chữ một mới chấp nhận, thay vì cầu thị để sửa sai.
Rõ ràng, tư duy và năng lực làm luật của quan chức, chuyên viên một số bộ, ngành, địa phương chưa xứng tầm yêu cầu công vụ; nhiều người còn cố tình làm luật theo hướng tạo thuận lợi về cơ quan nhà nước còn nghĩa vụ chấp hành thuộc về người dân. Mặt khác, các quy định mập mờ vận vào thực tế đã gây rối rắm, điển hình như vụ vận dụng Nghị định 96/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng qua vụ mua bán 100 USD tại TP Cần Thơ trong năm 2018 vừa qua, gây xôn xao dư luận.
Còn nhiều vụ làm luật khác không có tính khả thi như quy định ngực lép không được phép lái xe; viếng tang không quá 7 vòng hoa; bán thịt chỉ trong 8 giờ; cấm hút thuốc lá nơi công cộng, xử phạt hành chính đối với cá nhân, hộ gia đình đổ rác không đúng nơi quy định, UBND các cấp có nhiệm vụ bắt giữ chó mèo chạy rông, không sử dụng điện thoại nơi cây xăng...
Đưa ra dự thảo không phù hợp, bị dư luận phản ứng, là không tròn nhiệm vụ, làm ảnh hưởng uy tín của ngành, bị kỷ luật là đúng. Ghi nhận cách sửa sai nghiêm túc của Bộ GD-ĐT, dư luận xã hội mong muốn Bộ VH-TT-DL xem lại Thông tư 06 và có sự cầu thị hơn để doanh nghiệp không bị làm khó dễ. Đừng nghĩ rằng không sai và nếu có sai thì không thể sửa, xem thường dư luận.
Bình luận (0)