Một sự việc gây chú ý dư luận vừa qua liên quan bà Nguyễn Phương Hằng. Theo đó, thêm 3 người đã bị khởi tố, bắt giam. Đáng nói, các bị can này ở 2 "phe" đối đầu nhau trong "trận chiến" trên không gian mạng và đều bị bắt về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Nói nôm na, họ sử dụng lợi thế lan tỏa của mạng xã hội để công kích nhau. Từ sự công kích qua lại này, bên nào cũng thấy bị tổn thương, bên nào cũng thấy quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng để rồi bên nào cũng bị sự hiếu thắng lấn át lý trí.
Họ đều là những người có kiến thức, nếu không muốn nói là rất sâu, về luật. Tuy nhiên, do cái tôi quá lớn hoặc vì động cơ nào đó mà họ đã vượt qua lằn ranh luật pháp đã ấn định. Nhìn rộng ra, những vụ bêu xấu, clip bạo lực, dọa đăng ảnh nóng tống tiền... cũng có nguyên nhân từ việc sử dụng con dao hai lưỡi mang tên "mạng xã hội" một cách sai lầm, phản tiến bộ.
Đây là điều đáng tiếc với những nạn nhân bị ảnh hưởng nói riêng, với niềm tin của xã hội về cách hành xử nghiêm túc, chững chạc, tôn trọng quy định nói chung. Để hạn chế thấp nhất những điều đáng tiếc ấy, bên cạnh việc xử lý nghiêm, ngành chức năng cần soi từ gốc của vấn đề.
Đó là làm sao để công tác truyền thông về luật pháp dù đã tốt nhưng cần tốt hơn nữa. Phải khiến việc tuân thủ chuẩn mực của mỗi người như một phản xạ thường trực, giống như ra đường trời nắng nhớ đội nón, đau bệnh nghĩ tới thuốc…
Để tư duy về luật pháp là kim chỉ nam quan trọng dẫn dắt hành xử của cá nhân, cá nhân ấy phải được thẩm thấu sâu sắc lằn ranh pháp luật thông qua việc được truyền thông hiệu quả.
Bình luận (0)