"Không có tiền mổ, má con chắc phải chịu tàn tật tới chết!". Câu nói của cậu con trai chị Phan Thị Niết cứ ám ảnh tôi những ngày sau Tết Kỷ Hợi 2019. Tôi biết chị từ năm 1993, khi thực hiện một bộ phim tài liệu về nữ tù chính trị và tù binh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Tuổi thơ côi cút
Mẹ chị Niết là bà Phan Thị Chạy. Tên tuổi bà gắn với những trang sử Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Cai Lậy, Mỹ Tho bắt đầu vào một ngày mùa đông năm 1940.
Buổi sáng 23-11-1940, bà Chạy tham gia cuộc biểu tình. Lúc thay người ngã xuống cầm lá cờ, bà đã có thai 3 tháng. Bà bị bắt xuống tàu, đưa về khám Mỹ Tho đánh đập, khai thác rồi đưa về khám Phú Mỹ - Sài Gòn.
Bà Chạy bị tra tấn dã man, nếm đủ mọi ngón đòn tàn bạo của kẻ thù. Bất chấp xích xiềng tù ngục, cái thai trong bụng bà mỗi ngày mỗi lớn. Bị kết án tù chung thân khổ sai, bà sinh con trong những ngày tù ngục. Chị Niết chính là cô con gái trong bụng người mẹ anh hùng ấy.
Tên chị Niết lúc đầu được bà Chạy đặt là Tiết. Trong ý nghĩ của bà lúc ấy, Tiết có nghĩa là tiết hạnh, giữ gìn khí tiết. Sau này khai sinh, tên chị được đặt lại là Niết.
Bà con xung quanh đôi khi còn gọi chị Niết là Miết. Tiết, Niết hay Miết gì thì đời chị cũng mải miết với khổ đau, đói nghèo. Chị khổ từ trong bụng mẹ. Để rún ép những bà mẹ trong một cuộc đấu tranh, địch đem những đứa trẻ bỏ vào ổ kiến lửa, bỏ đói. Một bà sơ tốt bụng đã mang Niết về nuôi.
Một người lính tập gác cửa khám không dằn được nỗi thương tâm đã tìm cách báo cho ông Phan Văn Chót, chồng bà Chạy, biết được tình cảnh của đứa con côi cút. Ông Chót đã tìm gặp bà sơ xin lại đứa bé.
Những năm tháng tuổi thơ của Niết thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Bà Chạy lại bị đày ra Côn Đảo. Bên người cha, chị lớn lên bằng nước cơm khuấy với đường tán, những bữa bú thép, những đêm khóc đến mòn hơi vì thiếu sữa. Ông Chót vừa phải làm lụng nuôi con vừa tham gia kháng chiến chống Pháp. Cô bé Niết côi cút, nghèo khổ lớn lên được đã là điều may mắn, nói gì đến chuyện được dạy dỗ, học hành.
Theo chị Niết, bà Chạy vượt ngục Côn Đảo trở về, tham gia Cách mạng Tháng Tám. Khi giặc Pháp quay lại, bà tiếp tục tham gia kháng chiến. Năm 1954, trước mấy tháng ký Hiệp định Genève, bà Chạy hy sinh trong một trận ném bom của Pháp lúc đang dự một cuộc họp. Năm ấy, Niết mới 13 tuổi. Người cha phải đi đánh giặc, cô gái nhỏ đành về sống với bà ngoại…
Sau ngày ký Hiệp định Genève, ông Chót lại tham gia chống Mỹ. Trong một trận địch phục kích, ông hy sinh cùng 7 đồng đội. Người anh của chị Niết tham gia chống Mỹ cũng hy sinh ở Mỹ Tho. Người em út của chị được gửi ra miền Bắc học lúc lên 8 tuổi nhưng bị mất tích trên đường đi. Chiến tranh một lần nữa cướp đi người thân cuối cùng của chị.
Chị Niết vậy là hoàn toàn cô độc. Năm 18 tuổi, chị lấy chồng. Người con gái côi cút ấy dành tất cả tình thương cho chồng con, nỗ lực xây dựng một mái ấm. Song, chồng chị đi tìm một hạnh phúc khác, để lại người vợ với đàn con 5 đứa nheo nhóc. Cắn chặt răng nuốt lại bất hạnh, chị một mình tần tảo nuôi con. Ngôi nhà cha mẹ để lại bị cháy. Chị dắt díu đàn con ra dốc cầu Mỹ Quý (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) dựng tạm túp lều sinh sống...
Tác giả (bìa phải) cùng Ban Nhà văn nữ TP HCM về Cai Lậy trao 40 triệu đồng từ sự kết nối những tấm lòng giúp đỡ chị Phan Thị Niết (giữa) mổ xương chậu và điều trị
Chị Phan Thị Niết trước căn nhà rách nát của mình năm 1993
Bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng treo ngược
Cuối năm 2000, tôi trở lại Mỹ Tho để thực hiện bộ phim tài liệu "Những người phụ nữ trong Khởi nghĩa Nam Kỳ". Đương nhiên, tôi tìm đến chị Niết. Khung cảnh đã có nhiều đổi thay sau hơn 7 năm nhưng căn nhà lá cũ kỹ, rách nát của chị vẫn còn đó, nằm lọt thỏm xung quanh dãy phố bên chân cầu.
Đoàn làm phim lại tiếp tục công việc của mình. Những người hàng xóm không còn xa lạ trước cảnh quay phim nữa. Lòng tin về chiếc "camera huyền nhiệm" từ 7 năm trước đã không còn. Họ vây quanh chúng tôi, phàn nàn: "Quay chi quay hoài, mất công quá, đời chị ấy cũng không khá gì thêm. Sao không giúp xây lại cái nhà cho chị ấy đỡ khổ?".
Chị Niết không nói gì về nỗi khổ của mình. Tôi nhìn theo tay chị, không khỏi nghe đau thắt ở ngực trước chiếc bàn thờ bằng gỗ mộc đã xiêu vẹo. Trên đó là tấm bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy treo ngược - vì chị không biết chữ. Chị Niết thật thà: "Tôi thấy có cái mộc đỏ chót, nghĩ cái mộc thì phải để ở trên, ai dè như vậy là ngược".
Nụ cười của chị Niết một lần nữa làm tim tôi nhói đau. Hơn 7 năm qua, dáng tần tảo, lam lũ của chị vẫn không có gì thay đổi. Chỉ khác là giờ đây, trước ống kính quay phim, chị có phần mỏi mệt hơn bởi đói nghèo, tuổi tác, bất hạnh thêm chồng chất.
Cũng qua những người hàng xóm, chúng tôi mới biết thêm nhiều chi tiết đau lòng về cuộc sống quá bi đát của chị Niết. Chị vừa mất cậu con trai 18 tuổi khi đi làm lơ xe đò, chẳng may mâm xe nổ. Chưa hết, vừa cưới vợ cho đứa con trai út chưa kịp mừng thì cô dâu đã bỏ đi vì nhà chị quá nghèo.
Nỗi đau khổ triền miên khiến gương mặt chị Niết trở nên đờ đẫn, vô hồn, pha lẫn nỗi cam chịu. Cũng hơn 7 năm qua, từ dạo bị té gãy chân, chị Niết không còn làm nghề gánh nước mướn nữa.
"Từ hồi tôi biết chị Niết tới giờ, có 5 đoàn quay phim tới đây rồi. Làm phim tốn tiền nhà nước làm gì, lấy tiền đó giúp chị ấy xây cái nhà tình nghĩa thì bà con ở đây hoan nghênh lắm" - một chị hàng xóm bày tỏ. Lời chị như mũi tên phản tỉnh cắm vào ngực tôi.
Thực hiện xong những cảnh quay, chúng tôi lên xe ra đi, bỏ lại chị Niết đứng tựa cửa trông theo với đôi mắt buồn bã, vô vọng. Dòng xe cộ trên quốc lộ vun vút lướt qua nhưng gương mặt chất phác, cam chịu của chị cứ mãi đi theo tôi với nỗi day dứt khôn nguôi.
Sau chuyến công tác, tôi gửi bài viết về hoàn cảnh khó khăn của chị Niết cho anh Hồ Duy Hùng, năm đó là Giám đốc Công ty Du lịch Phú Thọ. Anh đọc qua rồi nói: "Chúng tôi xem rồi sẽ quyết định".
Chưa đầy một tuần sau, anh Hùng gọi điện thoại cho tôi: "Chúng tôi đang ở nhà chị Tiết ở Cai Lậy đây. Bà con xung quanh gọi chị là Niết. Báo hại tôi đi tìm "chị Tiết" muốn hụt hơi!". Sau chuyến đi "thị sát" ấy, Công ty Du Lịch Phú Thọ quyết định xây tặng con gái Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Chạy một ngôi nhà tình nghĩa.
"Ngó lại đồng bào"
Tôi bị thôi thúc viết quyển truyện ký về Khởi nghĩa Nam Kỳ, lấy tên sách từ câu thơ của chí sĩ Phan Ngọc Hiển trước khi ra pháp trường gửi lại người yêu: "Có nhớ anh hãy ngó lại đồng bào".
Ngày 27 Tết Kỷ Hợi 2019, tôi lại xuống Cai Lậy thăm gia đình chị Niết nhưng chị đi vắng. Tôi về TP HCM vài hôm thì nghe tin chị bị té gãy xương chậu, phải nhập viện. Để mổ, chị phải đóng viện phí 40 triệu đồng. Con trai chị khóc nghẹn trong điện thoại: "Số tiền đó quá lớn với gia đình con...".
Tôi vô cùng bối rối vì mới gom sạch tiền đóng học phí cho con. Đêm ấy, tôi viết lá thư gửi Ban Liên lạc nữ tù chính trị và tù binh, kể về hoàn cảnh của chị Niết và chị được hỗ trợ 10 triệu đồng.
Tôi lại quyết định ra mắt tập thơ "Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà", bán sách, kêu gọi những tấm lòng giúp đỡ chị Niết. Thật cảm động, từ mạng xã hội, một nhà giáo về hưu gửi 20 triệu đồng hỗ trợ chị. Nhiều anh chị ở TP HCM, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bến Tre... cũng mua sách ủng hộ. Nhà thơ Lâm Xuân Thi, chủ doanh nghiệp xe đạp Martin, mua tập thơ với giá 10 triệu đồng "chỉ là góp chút xíu".
Tôi ứa nước mắt vì cái "chút xíu" của anh Lâm Xuân Thi, càng thấm thía câu nói của mẹ Teresa - một nữ tu được trao Giải Nobel hòa bình vì những hoạt động thiện nguyện - rằng không phải tất cả chúng ta đều có thể làm được những điều vĩ đại nhưng chúng ta có thể làm được những điều nhỏ nhặt bằng trái tim vĩ đại.
Bình luận (0)