Dời đi dời lại nhiều lần, cuối cùng chúng tôi cũng chốt được cuộc gặp với các bác sĩ quân y đang làm việc tại Trạm Y tế lưu động số 13 (số 489A/2 Huỳnh Văn Bánh, phường 13, quận Phú Nhuận, TP HCM) vào lúc 5 giờ ngày 6-9. Bởi sau 5 giờ, các bác sĩ nơi đây mới có thể gọi là được tạm thư giãn trong khoảng 50 phút để vệ sinh cá nhân.
Những câu chuyện ngắt quãng
Để không lãng phí thời gian, 4 giờ 50 phút, chúng tôi đã có mặt ở Trạm Y tế lưu động số 13. Chưa kịp trao đổi, chuông điện thoại của bác sĩ Vũ Văn Lượng (Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng) đã reo vang. Đầu dây bên kia là tiếng khóc của một phụ nữ khi người thân là F0 có triệu chứng khó thở, lên cơn sốt.
Bên trong Trạm Y tế lưu động số 13, quận Phú Nhuận, TP HCM lúc 5 giờ ngày 6-9, các bác sĩ quân y lên tục trao đổi với gia đình người bệnh
Quân y đến nhà thăm khám, hỗ trợ thuốc cho gia đình có F0
Động thái đầu tiên, bác sĩ Lượng trấn an tâm lý với mỗi câu hỏi luôn kèm theo nhiều lời động viên. Sau khi nghe bác sĩ Lượng tư vấn, người phụ nữ bình tĩnh đi đo lượng ôxy trong máu và cặp nhiệt độ cho người thân. Kết quả là các chỉ số tương đối ổn. "Có thân nhân mắc bệnh ai mà không lo. Vì vậy, nhiều người dù khá am hiểu nhưng vì quá lo lắng nên cứ nghe người thân là F0 nói khó thở, sờ đầu hơi ấm là vội vàng gọi đến. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là trấn an và hướng dẫn người nhà một cách cặn kẽ để biết đích xác các chỉ số của bệnh nhân" - bác sĩ Lượng mở đầu câu chuyện.
Đưa đôi mắt thâm quầng hướng về phía chúng tôi, bác sĩ Lượng chia sẻ 2 tuần qua, đêm nào anh cũng phải nhắn tin phản hồi và gọi trực tiếp cho bệnh nhân đến gần sáng. Bởi hiện tại, anh phải quản lý và trao đổi theo từng khung giờ cố định đối với khoảng 30 F0 cách ly tại nhà có biểu hiện nóng, sốt. Tiếng điện thoại cắt ngang câu chuyện. Lúc này, đôi mắt thâm quầng của bác sĩ Lượng ánh lên niềm vui. Anh nói 2 bác sĩ cùng đơn vị là anh Ngô Việt Thắng và anh Ngô Thế Mạnh vừa gọi điện báo tình hình một F0 ngụ hẻm 137 Lê Văn Sỹ đã ổn định. "Bệnh nhân trên trở nặng trong đêm nên anh em lập tức có mặt để cấp cứu tại chỗ và theo dõi tình hình đến khi ổn định mới về" - bác sĩ Lượng nói và cho hay đây là tình huống diễn ra hằng đêm kể từ khi anh nhận nhiệm vụ tổ trưởng tổ bác sĩ quân y ở Trạm Y tế lưu động số 13.
Tương tự, cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với các nhân viên hỗ trợ y tế tại Trạm Y tế lưu động phường 3, quận Tân Bình (TP HCM) cũng liên tục phải dời thời gian, từ buổi sáng đến hơn 19 giờ mới có thể gặp nhau. Nơi gặp, căn phòng làm việc với một "núi" giấy tờ liên quan đến bệnh nhân F0, hồ sơ lấy mẫu cộng đồng. Thấy đợi lâu, chị Phạm Nguyễn Hoàng Vân, Phó trưởng Trạm Y tế, ái ngại: "Tôi xin lỗi, sáng giờ tôi bận đi lấy mẫu và cùng quân y thăm khám sức khỏe các ca F0 điều trị tại nhà. Ngay lúc này, các quân y và lực lượng tăng cường hỗ trợ đang chia nhau mang thuốc đến từng nhà".
Cuộc trò chuyện với chị Vân liên tục bị đứt quãng vì chuông điện thoại reo liên tục. "Em ơi, em chạy qua đường Nguyễn Bặc cấp cứu nhanh nha. Em ơi, bệnh nhân T. trở nặng" - giọng chị Vân liên tục gấp gáp. Chỉ tay về góc bàn làm việc vẫn còn 3 hộp cơm, chi Vân nói từ chiều đến giờ, chị và các quân y chưa ai kịp lót dạ vì liên tục mặc đồ bảo hộ, ôm bình ôxy phóng lên xe máy đến nhà các ca F0 khó thở.
Chạy đua từng phút, từng giây
Gần 22 giờ, điện thoại của chị Vân lại sáng đèn. Lúc này, chị lập tức tạo nhóm liên lạc qua Zalo để quân y trò chuyện, hướng dẫn hỗ trợ người nhà F0. Màn hình điện thoại chia 3 phần với 3 khuôn mặt. Phía bên kia người nhà đang cho chị Vân xem kết quả đo nồng độ ôxy trong máu, còn màn hình còn lại quân y Trần Đình Khâm (Học viện Quân y) đang mặc kín bảo hộ ngồi trên xe máy dõi theo. "Người nhà yên tâm, các chiến sĩ cách nhà hơn 500 m, chừng 1 phút có mặt. Bây giờ người nhà ra mở cửa, chỉ nơi ở của bệnh nhân" - chị Vân hướng dẫn. Người nhà bắt đầu bình tĩnh trở lại khi thấy bóng dáng người mặc đồ bảo hộ trên tay có bình ôxy và lao nhanh vào nhà. Bên trong, người đàn ông 60 tuổi nằm trên giường với khuôn mặt đỏ ngầu. Sau khi được thăm khám và bơm ôxy kịp thời thì bệnh nhân ổn định dần và không cần đưa đi bệnh viện.
Cuộc gọi video kết thúc cũng là lúc chị Vân hoàn thành một phần việc. Gần như những lúc cấp cứu mọi thứ diễn ra tốc hành. "Nhờ có lực lượng quân y tăng cường nên y tế phường đã bớt đi nhiều áp lực. Hàng chục ca F0 trở nặng đã kịp cứu sống nhờ phản ứng nhanh" - chị Vân bày tỏ. Trong khi đó, chiến sĩ quân y Trần Đình Khâm thì cho hay 2 tuần qua, mỗi khi có cuộc gọi cấp cứu là anh tranh thủ từng giây, từng phút để lao đến với bệnh nhân. "Làm sao mình có thể ngồi ăn cơm khi người nhà bệnh nhân đang chờ đợi. Mỗi ca bệnh dần khỏe lại cũng là lúc mình cảm thấy khỏe hơn" - chiến sĩ quân y Trần Đình Khâm nói. Trước khi rời đi, anh Khâm còn tặng thêm túi thuốc điều trị F0 cho bệnh nhân kèm theo lời động viên: "Có trở nặng gọi giờ nào tụi em cũng nghe máy". Qua điện thoại, Khâm báo cáo lại trạm y tế phường: "Trường hợp cụ bà 76 tuổi được thông báo lúc 17 giờ đã cấp cứu kịp thời. Người này có bệnh lý nặng nên cần chú ý hỏi thăm, kiểm tra 1 ngày 3 lần".
Trở lại câu chuyện ở Trạm Y tế lưu động số 13, vừa về đến trạm, tháo bỏ bộ đồ bảo hộ ra thì cả tấm áo thun bên trong của bác sĩ Mạnh và bác sĩ Thắng ướt đẫm, lộ ra hai bàn chân nứt nẻ vì mồ hôi từ trên người chảy xuống tụ lại phía dưới. Bác sĩ Mạnh nói từ đêm hôm trước, nhận được điện thoại báo có ca F0 chuyển nặng thì anh và bác sĩ Thắng tức tốc lên đường.
Trường hợp tiếp cận đầu tiên là một người đàn ông hơn 45 tuổi mắc Covid-19 trên 8 ngày, có dấu hiệu sốt trên 39 độ C, khó thở. Sau khi khám trực tiếp hướng dẫn sử dụng thuốc, máy đo nồng độ ôxy và cách giữ an toàn cho những người trong nhà không bị lây nhiễm chéo thì bác sĩ Mạnh và bác sĩ Thắng tiếp tục nhận thêm thông tin một F0 cách đó hơn 500 m đang rơi vào trạng thái bất tỉnh, ngưng tim. Lần này, là một cụ ông 75 tuổi trong người có nhiều bệnh nền. Khi có mặt, 2 bác sĩ thay phiên nhau thực hiện thao tác hồi sinh tim phổi bằng cách nhấn ép tim ngoài lồng ngực để giữ cho máu có ôxy đến được não và các cơ quan trọng yếu khác. Sau hơn 3 giờ cố gắng, bệnh nhân dần tỉnh táo trở lại.
Nghĩ về giây phút giành lại sự sống cho cụ ông vừa cấp cứu, bác sĩ Mạnh kể câu chuyện trước đó 5 ngày. Thời điểm ấy, sau khi tiếp nhận cuộc điện thoại của người thân chỉ trong vòng 5 phút, bác sĩ Mạnh và đồng đội cùng bình ôxy được chở đến tận nhà bệnh nhân. Do người bệnh quá yếu nên khi nhóm đến thì bệnh nhân đã tử vong. "Nhìn cảnh người thân gào khóc, mọi người suy sụp theo. Sau lần đó, "bộ 3" quân y chúng tôi luôn bảo nhau phải cứu cho bằng được các trường hợp khác. Khi thấy chuông điện thoại reo là phải nhấc máy liền, đánh giá tình hình và ngay lập tức lao đi" - bác sĩ Mạnh bày tỏ. Vì vậy, để đáp ứng nhanh và kịp thời đối với bệnh nhân, ngoài số đường dây nóng của Trạm Y tế lưu động số 13, "bộ 3" gồm bác sĩ Lượng, Thắng, Mạnh còn cho thêm số điện thoại cá nhân. Hễ ai rảnh, lập tức thay phiên nhau tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho F0 và người nhà.
"Bộ 3" đi xuyên điểm nóng
Theo bác sĩ Ngô Thế Mạnh, khi tâm dịch tại tỉnh Bắc Giang bùng phát, cả anh và bác sĩ Lượng, bác sĩ Thắng xung phong tham gia hỗ trợ lực lượng y tế địa phương. Vừa trở về Học viện Quân y để cách ly thì lập tức nhận được tin TP HCM cần chi viện nên "bộ 3" cùng xung phong đi lần nữa. "Khi lên máy bay, 3 chúng tôi vẫn còn băn khoăn liệu có nên thông báo cho người nhà biết tin hay không. Mãi 2 ngày sau khi nhận nhiệm vụ mới dám gọi điện thoại về" - bác sĩ Mạnh kể.
Bác sĩ Vũ Văn Lượng tâm sự lúc mới vào, khó khăn lớn nhất mà anh và đồng đội gặp phải là địa lý phức tạp, số lượng người dân cần chăm sóc y tế rất lớn. "Tuy nhiên, trên cương vị tổ trưởng, tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình động viên anh em trong tổ cố gắng trong lúc người dân hoang mang cũng là lúc nhân viên y tế phải kề cận bám sát tuyệt đối không bỏ sót người bệnh. Dẫu biết rằng công tác phòng chống dịch còn kéo dài nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh" - bác sĩ Lượng quyết tâm.
Bình luận (0)