Ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh này đã thu hồi hơn 9.200 m2 đất và công trình xây dựng trên đất là 5 căn biệt thự di tích lầu Bảo Đại để giao cho Trung tâm Quản lý di tích của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) quản lý.
Gần 10 năm để lãng phí
Danh lam thắng cảnh biệt điện Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang), thường gọi lầu Bảo Đại, gồm khuôn viên, hạ tầng và 5 biệt thự cổ tọa lạc ở đồi Cảnh Long - vị trí đắc địa nhìn ra vịnh Nha Trang. 5 biệt thự gồm: Nghinh Phong, Vọng Nguyệt, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng, do người Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm. Đáng chú ý có biệt thự Nghinh Phong và Vọng Nguyệt được xây dựng rất đẹp. Từ năm 1940-1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cùng gia đình thường xuyên tới đây nghỉ ngơi nên nơi này vẫn còn lưu nhiều kỷ vật liên quan.
Năm 2011, theo chủ trương của UBND tỉnh Khánh Hòa, Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) liên kết với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà (gọi tắt là Công ty Khánh Hà) thực hiện Dự án khu biệt thự cao cấp Bảo Đại. Năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty Khánh Hà được sử dụng trên 8,9 ha đất và 4,7 ha mặt nước ở khu vực đồi Cảnh Long để xây dựng mới 45 biệt thự và khách sạn 5 sao 108 phòng.
Khu di tích biệt điện Bảo Đại ngừng cho du khách tham quan đã 10 năm nay
Đến nay, 10 năm tròn nhưng 5 biệt thự này vẫn trơ trọi nằm quanh khu vực dự án ngổn ngang. UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thu hồi 5 biệt thự này nhưng khi chúng tôi đến khu vực lầu Bảo Đại thì bị bảo vệ của dự án cản lại và phải trình giấy tờ trình báo chủ đầu tư mới được vào. Hiện trạng bên trong cùng những kỷ vật ở 5 biệt thự này ra sao sau 10 năm bỏ hoang phí đang là bí ẩn với công chúng.
Theo Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa, có 42 hiện vật tại di tích lầu Bảo Đại đang lưu giữ tại các biệt thự chia làm 4 nhóm. Nhóm 1 có 3 di ảnh có niên đại đầu thế kỷ XX; nhóm 2 có 10 hiện vật, xác định niên đại nửa đầu thế kỷ XX; nhóm 3 có 16 hiện vật, có niên đại nửa cuối thế kỷ XX và nhóm 4 có 13 hiện vật, có niên đại cuối thế kỷ XX. Trong đó có những hiện vật có giá trị về mặt thời gian, lịch sử và văn hóa.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa cho rằng sau 10 năm không sử dụng thì việc xuống cấp là điều không thể tránh khỏi. Việc phục hồi, tôn tạo sẽ mất rất nhiều thời gian.
Chưa biết khi nào mở cửa lại!
Theo ông Nguyễn Thanh Hà, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản giao Sở VH-TT xây dựng phương án sửa chữa 5 căn biệt thự trên. Bên cạnh đó, sở lập hồ sơ xếp hạng để công nhận di tích đối với danh lam thắng cảnh biệt điện Cầu Đá. UBND tỉnh cũng giao sở này xây dựng phương án quản lý, khai thác sử dụng khu di tích trên sau khi hoàn thành công tác tu bổ.
Theo Quyết định 1125/QĐ-UBND về việc thu hồi 5 căn biệt thự tại Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại, UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND TP Nha Trang chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND phường Vĩnh Nguyên và các đơn vị có liên quan xác định cụ thể mốc giới lô đất thu hồi và bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa quản lý theo quy định. Giao Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hòa thu hồi và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, đến ngày 2-8, lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa (cơ quan chủ quản của Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa) cho biết đơn vị này vẫn chưa nhận bàn giao 5 khu biệt thự nói trên để quản lý. Việc các biệt thự cổ này đã xuống cấp như thế nào, phải có kế hoạch khảo sát, đánh giá hiện trạng để tôn tạo lại. Do đó, để trả lời câu hỏi khi nào mở cửa cho công chúng, du khách tham quan thì chưa thể xác định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Công ty Khánh Hà cho biết việc chuyển giao quyền quản lý 5 biệt thự nói trên sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Giá trị 5 căn biệt thự hiện hữu khi trả lại cho tỉnh Khánh Hòa là gần 4 tỉ đồng. Giá trị này sẽ được hạch toán vào chi phí sản xuất của công ty sau khi chuyển giao. "Phía doanh nghiệp đầu tư rất nhiều kinh phí vào dự án nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện vì nhiều vướng mắc trong quy hoạch, thẩm định... Mong muốn lớn nhất được tỉnh xem xét, sớm phê duyệt phương án điều chỉnh quy hoạch xây dựng dự án Bảo Đại resort Nha Trang để chủ đầu tư tiếp tục thi công, xây dựng hoàn thiện dự án" - đại diện Công ty Khánh Hà cho biết.
Lý do chưa xếp hạng di tích quốc gia
Năm 1995, lầu Bảo Đại đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đưa vào danh sách di tích cấp tỉnh với tên gọi là Danh lam thắng cảnh biệt điện Cầu Đá. Trong khi đó, ở các tỉnh có biệt thự của vua Bảo Đại đều đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa cho biết sở dĩ di tích này chưa được xếp hạng cấp quốc gia do thiếu đơn đề nghị của đơn vị quản lý, di tích chưa được lập hồ sơ, thất lạc bản vẽ thiết kế 5 biệt thự nói trên. Sở vẫn đang rà soát lại công trình này để lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Bình luận (0)