Công trình thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy (thủy điện Xe-Namnoy), tỉnh Attapeu, miền Đông Nam Lào được xây dựng trên sông Xe-Namnoy, nhánh của sông Sekong. Sekong là dòng nhánh xuyên biên giới quan trọng của sông Mekong chảy qua lãnh thổ 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam. Hiện tại, trên sông Sekong có 3 đập thủy điện đã vận hành, 5 đập sắp được xây và 16 đập đang được xem xét.
Giao thông tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu bị chia cắt sau khi vỡ đập thủy điện Ảnh: LÊ PHONG
Đây là một trong những công trình thủy điện lớn trên sông Sekong, có công suất lắp máy 410 MW. Hồ chứa có dung tích đến 1,034 tỉ m3, đập cao 73 m, chiều dài đập 1.600 m. Hệ thống hồ chứa của thủy điện này khá phức tạp, tập trung nước từ nhiều nhánh sông để dồn nước cho hồ chính. Nước được chuyển vào đường ống áp lực đưa vào nhà máy ở cao độ thấp hơn cao độ hồ chứa chính trên 300 m để chạy tuốc-bin phát điện.
Hồ chứa thủy điện này đang trong quá trình tích nước để khánh thành và phát điện thì ngày 23-7, khi gặp đợt mưa lớn và kéo dài, nước tràn qua một đập phụ và gây vỡ đập. Lượng nước khổng lồ hơn 500 triệu m3 đã tràn xuống hạ lưu gây nên thảm họa kinh hoàng đối người dân vùng hạ lưu sau đập và dòng nước do vỡ đập tạo nên đợt lũ nhân tạo trên dòng chính sông Mekong (đoạn sau hợp lưu của Sekong và dòng chính Mekong). Theo Lao News Agency, ít nhất 6 bản thuộc huyện Sanamxay bị nhấn chìm, làm nhiều người chết, hàng trăm người mất tích, khoảng 6.600 người mất nhà cửa.
Tuy con số thống kê thiệt hại cuối cùng chưa được công bố nhưng chắc chắn sẽ rất lớn và thảm khốc, đặc biệt đối với sinh mạng, của cải của người dân Lào ở vùng lũ nhân tạo quét qua.
Cho dù tác động của vụ vỡ đập đối với các khu vực hạ lưu sông Mekong ở Campuchia và ĐBSCL của chúng ta không lớn nhưng vụ vỡ đập kinh hoàng lần đầu tiên xảy ra trong lưu vực sông Mekong cho thấy mức độ nguy hiểm như thế nào của các công trình hồ chứa khi bị sự cố vỡ đập đối với con người, nền kinh tế và thiên nhiên. Có thể nói tất cả các hồ chứa, ở quy mô khác nhau, nếu xảy ra sự cố vỡ đập đều có thể gây nên tổn thất nặng nề đến tính mạng, tài sản của con người và xã hội.
Đối với Việt Nam, chúng ta có số lượng hồ chứa khá lớn với gần 7.000 hồ chứa thủy lợi và thủy điện, quy mô từ hàng ngàn đến nhiều tỉ mét khối nước. Chúng ta đang trong mùa mưa lũ, các hồ chứa đang được vận hành để phục vụ cho các mục tiêu khác nhau.
Việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa ở Việt Nam đã được các cơ quan quản lý của Việt Nam rất quan tâm, việc các hồ chứa phần lớn khi xây dựng đều có quy trình vận hành hoặc các quy trình vận hành liên hồ được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm hồ được vận hành an toàn. Tuy nhiên, kịch bản đề ra cho các quy trình (đơn hồ/liên hồ) cũng chỉ là kịch bản giả định cho các tình huống có thể xảy ra. Thực tế diễn biến của thời tiết là không thể lường hết và những yếu tố chủ quan khác như chất lượng công trình, hư hỏng, sự cố của các thiết bị vận hành… luôn là mối lo lắng có thể gây thảm họa. Sự cố vỡ đập Xe-Namnoy cho thấy phải có cơ chế giám sát, theo dõi để đưa ra kịp thời giải pháp xử lý và có thể cả cảnh báo sớm nhất để tránh được thảm họa.
Nước ta là nước cuối nguồn của 2 dòng sông lớn, sông Hồng và Mekong. Sự phát triển kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các quốc gia trong khu vực: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia; yêu cầu đối với nguồn nước cho sinh hoạt con người, sản xuất lương thực, phát điện và tạo sự hưng thịnh cho các quốc gia ngày càng lớn. Các hồ chứa lớn nhỏ đã và đang tiếp tục được xây dựng ngày càng nhiều để trữ, điều hòa nguồn nước cung cấp… Việc cần phải có cơ chế hợp tác với các quốc gia thượng lưu trong khu vực để đưa ra những giải pháp, cơ chế và cả hiệp định hợp tác bảo đảm an toàn hồ chứa cho hạ lưu của chính quốc gia có công trình và các quốc gia bị tác động là ngày càng cấp thiết.
Bình luận (0)