Lễ khai ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định), một lễ hội cầu cho quốc thái dân an, một năm mới bình an, sẽ được tổ chức vào đúng giờ Tý đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019, tức đêm nay 18-2 và rạng sáng ngày 19-2.
An ninh tại khu vực Đền Trần - Nam Định đã được thắt chặt để đêm khai ấn Đền Trần diễn ra tốt đẹp
Theo dự báo của ban tổ chức (BTC), dù năm nay lễ khai ấn không diễn ra vào ngày cuối tuần, nhưng sẽ có hàng ngàn khách thập phương sẽ về dự lễ cầu tài, lộc. Để đêm khai ấn diễn ra tốt đẹp, BTC lễ hội Đền Trần đã huy động hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ gồm công an, quân sự, công an xã, bảo vệ dân phố, chia làm 5 vòng và 23 chốt tại nhiều điểm, các tuyến đường quanh khu vực đền Trần.
Những tổ chốt tại Đền Trần đều được tăng cường làm việc 24/24 giờ ngay trước và trong đêm khai ấn và được phân công từng nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, tăng cường kiểm tra. Các điểm buôn bán hàng hóa, điểm trông giữ xe có hành vi "chặt chém" du khách sẽ bị xử lý nghiêm.
Cũng giống như năm trước, để ngăn chặn những hình ảnh xấu xí, phản cảm như ném tiền vào kiệu ấn, "cướp" lộc, trộm cắp, ăn xin… tại lễ khai ấn năm 2019, BTC lễ hội đã duy trì lắp 16 camera an ninh, qua đó phát hiện xử lý nhiều hành vi phản cảm.
Dòng người đổ về Đền Trần để thắp hương cầu tài, lộc, bình an ngày một đông
Theo ghi nhận, trong sáng này 18-2, lực lượng an ninh đã được thắt chặt, hàng rào sắt và lưới B40 đã được người của BTC đưa tới khu vực Đền Trần ngăn một số tuyến đường để đảm bảo an ninh, hạn chế người dân vào khu vực làm lễ trong đêm khai ấn.
Thời tiết tại Nam Định trong sáng sớm nay không còn mưa, trời vẫn còn âm u, thi thoảng mới hửng nắng một chút, lượng người và phương tiện đổ về Đền Trần ngày một đông.
Bà Phạm Thị Oanh - Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng BTC Lễ hội Đền Trần - cho biết đơn vị huy động tối đa lực lượng bảo vệ lễ hội. Tuy nhiên, do lượng người đổ về đêm khai ấn rất đông nên khó tránh khỏi sai sót. "Du khách nếu bị gây khó dễ, "chặt chém" thì điện vào số điện thoại đường dây nóng đã được chúng tôi thông báo công khai hoặc tới các điểm chốt trực được bố trí ở nhiều nơi trong Đền Trần thì sẽ có người xử lý" - bà Oanh nhấn mạnh.
Lễ khai ấn Đền Trần là một tập tục của triều đại nhà Trần - triều đại phong kiến kéo dài và hùng mạnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với chiến công hiển hách 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông – đạo quân xâm lược, được mệnh danh là "bách chiến bách thắng".
Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường (nơi phát tích của nhà Trần), vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc.
Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần. Nghi lễ khai Ấn với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn Đền Trần "Tích phúc vô cương"; cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khỏe, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt.
Bình luận (0)