Sáng 20-11, tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội thảo tham vấn về "Định hướng phát triển vùng ĐBSCL" với sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL và nhiều nhà khoa học.
Định hướng lại nông nghiệp, thủy sản
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong kế hoạch này Chính phủ giao Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng "Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Hiện nay, quy hoạch này đã hình thành với dự thảo là "Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" (gọi tắt là Quy hoạch tích hợp). Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn quả của cả nước, góp phần quan trọng cho an toàn, an ninh lương thực quốc gia và đóng góp to lớn vào xuất khẩu nông sản, thủy sản. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ĐBSCL càng có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đứng trước các thách thức, như tác động tiêu cực của BĐKH, nước biển dâng và các thảm họa thiên tai… ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống người dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch ĐBSCL cần chú trọng phát triển hạ tầng giao thông. Trong ảnh: Cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL
Ông Ian Hamilton, quyền Trưởng nhóm tư vấn Quy hoạch tích hợp, nhận định: "Quy hoạch tích hợp định hướng lại nền nông nghiệp và thủy sản trên cơ sở phân vùng sinh thái nông nghiệp và các động lực tự nhiên nhằm sản xuất ra sản phẩm có giá trị cao hơn, đa dạng hơn. Bên cạnh đó, quy hoạch sẽ giúp bảo tồn sinh khối biển, tăng khả năng giữ nước ở vùng thượng đồng bằng, giảm tốc độ xói lở bờ sông và khai thác nước ngầm".
Theo Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV&GIZ, trong phương hướng phát triển hệ thống thủy lợi sẽ chia ĐBSCL thành 3 tiểu vùng: vùng nước ngọt (lùi vùng ngọt vào khu vực an toàn tự nhiên, không can thiệp), vùng chuyển tiếp (chấp nhận ngọt - mặn theo mùa, chỉ điều tiết, không ngăn mặn) và vùng mặn (tuần hoàn nước biển, phát triển thủy sản và phục hồi sinh thái). Theo kế hoạch này, vùng nước ngọt (thuộc khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên) sẽ phục hồi không gian chứa lũ và sức khỏe đất, tăng diện tích thủy sản nước ngọt bằng giải pháp giảm lúa vụ 3, xả lũ vào ruộng. Đối với vùng nước ngọt (khu vực nước ngọt giữa sông Tiền và sông Hậu) cần chuyển đổi diện tích lúa, phát triển cây ăn trái, hoa màu và nuôi trồng thủy sản, phát triển khu dân cư, đô thị. Vùng chuyển tiếp duy trì mô hình canh tác thuận theo mùa (mô hình lúa tôm).
Bổ sung nhiều dự án giao thông
Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành ĐBSCL kiến nghị bổ sung nhiều dự án giao thông vào Quy hoạch tích hợp. Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, phân tích: "Quy hoạch tích hợp nêu ra 5 quan điểm định hướng phát triển nhưng vấn đề cần thiết ưu tiên hiện nay đối với ĐBSCL là quan điểm thứ 5: tập trung vào phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông".
Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cũng đề nghị bổ sung tuyến giao thông ven biển ĐBSCL từ TP HCM - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; tuyến đường tỉnh 864 nối dài bắt đầu từ Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè) và kết thúc tại huyện Gò Công Đông, nối kết với tuyến đường đê biển và đường ven biển ĐBSCL với chiều dài toàn tuyến 111 km vào Quy hoạch tích hợp.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đề xuất bổ sung cảng biển nước sâu tại Trần Đề vào Quy hoạch tích hợp nhằm định hướng phát triển kinh tế. Đồng thời cũng cần bổ sung dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh ven biển Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để phòng chống thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cũng nêu ý kiến về việc đơn vị tư vấn rà soát với Bộ Giao thông Vận tải về tiến độ và nguồn vốn đối với 2 dự án hiện nay đã xác lập là đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và Mỹ An - Cao Lãnh; cập nhật sơ đồ tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh vào dự thảo báo cáo chính Quy hoạch tích hợp.
"Quy hoạch tích hợp đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, dự kiến báo cáo trình hội đồng thẩm định quy hoạch vùng trong tháng 12-2020 và trình Thủ tướng phê duyệt vào cuối năm nay" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Giải quyết sức ép thiếu nước ngọt
Các chuyên gia đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tích hợp chỉ ra rằng, với các định hướng về phân vùng nước ngọt sẽ giảm rõ rệt nhu cầu sử dụng nước ngọt do giảm diện tích trồng lúa (diện tích chuyên canh lúa từ 1,6 triệu ha giảm còn hơn 1,4 triệu ha), cây ăn trái lâu năm là 350.000 ha, rau màu 330.000 ha thì nhu cầu sử dụng nước ngọt tối thiểu là 839,15 m3/s. Đây là một trong ưu điểm lớn nhất của Quy hoạch tích hợp, góp phần giải quyết sức ép do thiếu nước ngọt cho canh tác, từ đó góp phần hạn chế khai thác nước ngầm, giảm sụt lún đất.
PGS-TS LÊ ANH TUẤN, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ:
Nền tảng phát triển của các địa phương
Các tỉnh sẽ căn cứ vào Quy hoạch tích hợp để làm quy hoạch cho địa phương mình. Đây là nền tảng cho các địa phương phát triển kế hoạch của mình mà không phải tạo ra xung đột liên quan tới ngành hoặc liên ngành, hoặc giữa các địa phương với nhau. Quy hoạch tích hợp sẽ rà soát lại toàn bộ thử thách và nguy cơ của ĐBSCL hiện nay và trong tương lai. Cụ thể như nguồn nước tại ĐBSCL ngày càng ít dần đi, nước biển dâng, khô hạn, phát triển thủy điện ở thượng nguồn, BĐKH, những thử thách trong nội tại của vùng. Quy hoạch tìm ra những giải pháp thích hợp như giảm dần diện tích canh tác lúa và đẩy mạnh sản xuất cây ăn trái, hoa màu, nuôi trồng thủy sản…
ThS NGUYỄN HỮU THIỆN, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL:
Quy hoạch mang tính lịch sử
Đây là lần đầu tiên ĐBSCL có quy hoạch đa ngành ở cấp khu vực. Quy hoạch lần này thực hiện theo các định hướng chiến lược của Nghị quyết 120 nên sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nội tại của ĐBSCL.
Các vấn đề nội tại của ĐBSCL tựu trung bắt nguồn từ nền nông nghiệp thâm canh chạy theo số lượng trong một thời gian dài. Với Quy hoạch tích hợp, cải cách nông nghiệp theo hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng, giảm đê bao khép kín ở vùng lũ, chuyển đổi hệ thống canh tác ở vùng ven biển, thích ứng theo mùa mặn - ngọt, gia tăng chế biến, xây dựng chuỗi giá trị, đầu tư vào logistics, cải thiện giao thông, cải thiện thị trường là giải quyết đúng trọng tâm của phức hợp vấn đề.
Sẽ có những vấn đề mà bản thân Quy hoạch tích hợp không giải quyết được, như việc thiếu hụt phù sa, thiếu cát do ảnh hưởng thủy điện ở thượng nguồn, gây sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL. Tuy nhiên, giải quyết được những vấn đề nội tại của đồng bằng sẽ làm cho đồng bằng "khỏe mạnh" hơn, tăng "sức đề kháng" đối với các yếu tố biến động từ bên ngoài.
ThS - Kiến trúc sư NGUYỄN THANH HẢI, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng):
Tạo mạng lưới đô thị quanh Cần Thơ
Quy hoạch tích hợp xác định định hướng phát triển tập trung vào một chuỗi đô thị. Có thể thấy hiện nay TP Cần Thơ giữ vai trò quan trọng cho cả vùng ĐBSCL nhưng thực chất đô thị Cần Thơ đang thiếu nhiều chức năng mà phải dùng đến chức năng của TP HCM. Để hỗ trợ cho đô thị TP Cần Thơ với dư địa còn hạn chế thì bản thân đô thị Cần Thơ gánh vác cho cả vùng là không được.
Do vậy, nên phát triển mỗi tiểu vùng có đô thị nhỏ hơn, tạo thành mạng lưới và mỗi tiểu vùng đó theo phân vùng kinh tế sẽ giúp hỗ trợ đô thị Cần Thơ. ĐBSCL có 3 vùng sinh thái khác nhau với hình thái nông nghiệp khác nhau, các đô thị này cần gắn bó với các trung tâm tiểu vùng.
Bình luận (0)