Tỉnh Kon Tum được biết đến là xứ sở của loài sâm Ngọc Linh quý giá. Tuy nhiên, nơi đây không chỉ có sâm Ngọc Linh mà còn có loài hồng đẳng sâm bổ dưỡng, thường gọi dân dã là sâm dây, cũng là một trong những loài cây góp phần làm nên tên tuổi của vùng đất dược liệu này.
Ngày trước, người dân địa phương thường lấy củ sâm dây về nấu nước hoặc ngâm rượu uống, riêng phần thân lá thường vứt bỏ. Trải qua thời gian, loài sâm này được nhiều người biết đến, nhu cầu sử dụng cũng tăng khiến cho sâm tự nhiên ngày càng khan hiếm. Chính vì vậy, nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum đã tìm cách nhân giống, trồng loài sâm này để bán.
Sâm dây được trồng thành từng luống, làm giàn cho dây bám nên phát triển rất nhanh, diện tích trồng cũng tăng dần. Cùng với sâm Ngọc Linh, sâm dây trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều ngôi làng ở tỉnh Kon Tum.
Ngoài phần củ thường được phơi khô hoặc bán tươi thì lá của loài sâm này cũng được tận dụng, không còn bị vứt bỏ mà được bán để chế biến làm trà uống, làm rau cho bữa ăn hằng ngày.
Lẩu gà lá sâm Ảnh: ĐÌNH HUY
Một trong những món ngon, nổi tiếng nhất khi đến Kon Tum là lẩu gà lá sâm. Để có món ăn này, gà nguyên liệu thường được chọn là gà mái tơ làm sạch, chặt nhỏ và ướp với các loại gia vị như muối, bột nêm, tiêu… rồi cho vào nồi hầm cùng táo đỏ, củ sâm dây rửa sạch, thái lát. Sau khoảng 30 phút nấu, thịt gà đã chín kỹ thì dọn lên bàn ăn. Trên bàn cũng dọn sẵn rổ lá sâm dây cùng một số loại nấm như kim chi, mộc nhĩ, nấm hương. Nồi lẩu gà đang sôi sùng sục, chỉ cần nhúng lá sâm dây vào cho chín rồi múc ra thưởng thức.
Mùi thơm từ nồi lẩu gà quyện với hương thơm đặc trưng của lá sâm dây theo khói bốc lên nghi ngút, tỏa khắp nơi. Người sành điệu khi thưởng thức món này thường không ăn vội mà múc chén lẩu gà lá sâm, từ từ đưa lên mũi để hương thơm của món ngon bổ dưỡng này vào tận từng nang phổi.
Khi ăn, đưa miếng lẩu lên miệng, người thưởng thức sẽ cảm nhận được ngay vị ngọt của thịt gà, vị thơm đặc trưng của lá sâm dây, vị ngót pha chút chan chát rất riêng của loài sâm này tạo nên hương vị đặc trưng mà không món ăn nào có được. Món lẩu gà lá sâm không chỉ được xem là đại bổ, dùng để bồi bổ cho những người suy kiệt mà còn được xem là món "giải độc" trong những ngày Tết khi bạn dùng nhiều món "nóng trong người".
Những ngày giáp Tết Nguyên đán này, nhiều người dân tỉnh Kon Tum tìm đến các cánh rừng nguyên sinh để thu hoạch sâm dây bán lại cho nhà hàng với giá cao. Hiện sâm dây tự nhiên còn rất ít nên lá sâm dùng để chế biến ở các nhà hàng chủ yếu là sâm trồng. Tuy nhiên, đừng thấy vậy mà xin thêm lá sâm khi ăn lẩu gà vì giá của nó cũng được nhà hàng tính vào thực đơn không rẻ chút nào.
Bình luận (0)