Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu, phê chuẩn được tiến hành theo Nghị quyết số 96/2023/QH15, bao gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH, Tổng Thư ký QH; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
Năm trường hợp sẽ không phải lấy phiếu tín nhiệm do mới được QH bầu, phê chuẩn trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN
Như vậy, tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XV, danh sách lấy phiếu tín nhiệm gồm 44 người do QH bầu hoặc phê chuẩn. Theo ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), bản thân ông cũng như các ĐB mong muốn lá phiếu đánh giá phải khách quan, "không thể vì áp lực nào đó hay vì cá nhân mà đánh giá không tốt, như thế là không nên". Bởi lẽ, ĐBQH được cử tri, nhân dân gửi gắm, tín nhiệm bầu tham gia nghị trường nên phải thể hiện sự công tâm.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết thời điểm lấy phiếu tín nhiệm là cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ nên các ĐB sẽ có những căn cứ, cơ sở đánh giá sát thực hơn mức độ hoàn thành trọng trách với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, từ đó, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện.
Còn ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng việc đánh giá đối với các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm không phải là chỉ tại kỳ họp thứ 6 mà là cả một quá trình từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến nay. Do đó, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 bảo đảm tính khách quan, không ảnh hưởng đến lá phiếu của các ĐBQH. Việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.
ĐB Bùi Hoài Sơn (đoàn TP Hà Nội) nhận định việc lấy phiếu tín nhiệm là một kênh giám sát quan trọng của QH. Kết quả tín nhiệm là cơ sở để cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của những người được giao trọng trách.
Bình luận (0)