Hôm nay (11-3), liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước. Dự báo, giá mặt hàng này có thể tăng lần thứ 7 liên tiếp, chạm mốc 30.000 đồng/lít xăng.
Giảm thuế BVMT 2.000 đồng/lít xăng
Những dự báo về giá xăng dầu trong nước được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục tăng cao. Dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 8-3 tăng khoảng 20% so với kỳ tính giá gần nhất (ngày 1-3).
Đại diện Bộ Công Thương cho biết biến động trên thị trường thế giới sẽ đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11-3 có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg so với giá xăng dầu đầu năm 2022.
Trong khi đó, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều. Theo Bộ Công Thương, số dư quỹ đang ở mức thấp, hiện còn khoảng 620 tỉ đồng, số dư quỹ tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) được xem là công cụ nhằm kìm đà tăng của giá xăng dầu thời điểm này. Sau nhiều ý kiến góp ý mức giảm thuế BVMT 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít/kg với các mặt hàng dầu, mỡ nhờn là quá thấp, ngày 10-3, đại diện Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tăng mức giảm thuế.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế BVMT đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu ma dút, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Bộ này cũng đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-12.
Giá xăng dự báo tăng mạnh vào kỳ điều hành ngày 11-3
Muốn "hạ nhiệt" phải giảm thêm 2 loại thuế
Bên cạnh việc giảm thuế BVMT đang được lấy ý kiến để triển khai, trao đổi với Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (lần lượt 10% và 8% với xăng RON95 và E5RON92), thuế nhập khẩu (10%) đối với xăng dầu cần được tính tới để kìm đà tăng giá mặt hàng này trong nước, nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng cho rằng có thể giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt trong một khoảng thời gian nhất định với mặt hàng xăng dầu để giảm sức ép trong thời gian tới. Ông Lâm dẫn chứng việc giảm các loại thuế để "hạ nhiệt" giá xăng dầu cũng đã được các quốc gia trên thế giới thực hiện thời gian qua. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, Ấn Độ đã giảm 5 rupee (0,0671 USD)/lít đối với xăng và 10 rupee (0,1342 USD) mỗi lít đối với dầu diesel. Thái Lan cũng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel từ 5 baht/lít còn 3 baht/lít...
Ông Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) cũng nhấn mạnh đến giải pháp giảm thuế để hạn chế việc tăng sốc của giá xăng dầu trong nước làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung của phục hồi và phát triển kinh tế.
Vì sao chỉ giảm thuế BVMT đến hết năm 2022?
Phản hồi ý kiến kéo dài thời gian áp dụng việc giảm thuế BVMT với xăng dầu đến hết ngày 30-6-2023 thay vì 31-12-2022 như dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết chính sách giảm thuế đã tác động giảm thu ngân sách 23.954 tỉ đồng, nếu có hiệu lực từ ngày 1-4. Việc giảm thuế phải bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Theo Bộ Tài chính, trong dài hạn, diễn biến giá xăng dầu thế giới rất phức tạp và khó dự báo do phụ thuộc vào nhu cầu xăng dầu và tình hình chính trị. Vì vậy, việc áp dụng giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 là phù hợp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, số thu thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu năm 2018 đạt 46.939 tỉ đồng, tăng mạnh lên 61.570 tỉ đồng vào năm 2019. Đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số thu đạt 59.234 tỉ đồng, năm 2021 đạt 56.954 tỉ đồng. Điều đáng nói, trong tổng số thuế BVMT thu được hằng năm thì thuế BVMT đối với nhóm xăng dầu, mỡ nhờn chiếm trên 95%. Đơn cử năm 2021, tổng số thuế BVMT là 59.544 tỉ đồng, trong đó nhóm xăng dầu, mỡ nhờn đã chiếm tới 56.954 tỉ đồng.
Vì sao chỉ giảm thuế BVMT đến hết năm 2022?
Phản hồi ý kiến kéo dài thời gian áp dụng việc giảm thuế BVMT với xăng dầu đến hết ngày 30-6-2023 thay vì 31-12-2022 như dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết chính sách giảm thuế đã tác động giảm thu ngân sách 23.954 tỉ đồng, nếu có hiệu lực từ ngày 1-4. Việc giảm thuế phải bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Theo Bộ Tài chính, trong dài hạn, diễn biến giá xăng dầu thế giới rất phức tạp và khó dự báo do phụ thuộc vào nhu cầu xăng dầu và tình hình chính trị. Vì vậy, việc áp dụng giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 là phù hợp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, số thu thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng dầu năm 2018 đạt 46.939 tỉ đồng, tăng mạnh lên 61.570 tỉ đồng vào năm 2019. Đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số thu đạt 59.234 tỉ đồng, năm 2021 đạt 56.954 tỉ đồng. Điều đáng nói, trong tổng số thuế BVMT thu được hằng năm thì thuế BVMT đối với nhóm xăng dầu, mỡ nhờn chiếm trên 95%. Đơn cử năm 2021, tổng số thuế BVMT là 59.544 tỉ đồng, trong đó nhóm xăng dầu, mỡ nhờn đã chiếm tới 56.954 tỉ đồng.
Bình luận (0)