Hôm qua, 21-2, nhiều lễ hội lớn ở miền Bắc như lễ hội chùa Hương, lễ hội Gióng Sóc Sơn, hội chùa Bái Đính… đã chính thức khai hội.
Không còn phát lộc, cướp lộc
Ngay trong chiều cùng ngày, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã có công văn gửi các sở VH-TT-DL yêu cầu tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018. Theo nhận định của Bộ VH-TT-DL, công tác quản lý và tổ chức lễ hội những ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018 đã được diễn ra an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Trong làn mưa xuân lất phất, từ tờ mờ sớm, người dân ở 8 thôn của xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã chuẩn bị lễ rước dâng các vật phẩm lên đền Thượng để tưởng nhớ Thánh Gióng. Với hình thức tổ chức mới, không còn đoàn rước giò hoa tre, giò trầu cau từ đền Thượng xuống đền Mẫu và đền Hạ, lễ hội năm nay diễn ra yên ả, thanh bình đúng với bản chất của lễ hội. Toàn bộ số giò hoa tre, trầu cau sau khi được rước lên đền Thượng được đưa vào hậu cung để chia nhỏ về các thôn, phát lộc cho du khách thập phương. Những hình ảnh chen lấn xô đẩy, tranh cướp đã không diễn ra, thay vào đó là sự trật tự, nền nếp khác hẳn những năm trước.
Hàng vạn người dân đổ về chùa Hương trong ngày khai hội 21-2 Ảnh: ĐẠT LÊ
Tương tự, lễ khai hội chùa Hương cũng diễn ra trong cảnh an bình, vui tươi dù lượng du khách đến lễ chùa những ngày đầu năm rất đông. Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương 2018 cho biết công tác bảo đảm an ninh trật tự trước trong và sau lễ hội được siết chặt với quan điểm "Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch". Lễ hội năm nay đánh một dấu mốc quan trọng, vừa kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích thắng cảnh Hương Sơn vừa là dịp đón nhận bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Theo thống kê của ban tổ chức, từ mùng 3 Tết đến nay, chùa Hương đã đón hơn 170.000 lượt khách, trong đó riêng ngày khai hội đón khoảng 50.000 lượt khách. Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương 2018 - cho biết để bảo đảm an ninh trật tự tại lễ hội, lực lượng công an huyện được tăng cường, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình ép giá, các tệ nạn xã hội. Công tác hoạt động tín ngưỡng tôn giáo cũng đặc biệt được quan tâm.
Tại đền Bà Chúa Kho, Bắc Ninh, những hình cảnh không đẹp mắt như đổi tiền lẻ ngang nhiên ở sân chùa, chèo kéo viết sớ, mua vàng mã đã không còn tái diễn. Tuy vậy, dù ban tổ chức đã treo biển không nhờ người khấn thuê nhưng đội ngũ khấn thuê ở đền Bà Chúa Kho vẫn rất đông đảo. Chỉ cần bước chân vào đền là du khách được rất nhiều người mời chào khấn giúp rồi sau đó xin lộc từ 10.000-20.000 đồng.
"Nóng" chuyện chọi trâu
Một trong những vấn đề được quan tâm trong mùa lễ hội 2018 là việc tổ chức lễ hội chọi trâu ở một số địa phương như Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Trước mong muốn được tổ chức hội chọi trâu của nhiều địa phương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho rằng câu chuyện về chọi trâu đã là vấn đề "nóng" từ nhiều năm và Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu các địa phương có biện pháp tuyên truyền vận động, đồng thời có quan điểm rõ ràng không tiếp tục tổ chức các lễ hội như vậy. Theo bà Thủy, lễ hội chọi trâu ở một số nơi không gắn với bất cứ di sản văn hóa cụ thể nào. Việc tổ chức lễ hội thường được giao cho doanh nghiệp như một hình thức kinh doanh. Ở một số nơi, lễ hội chọi trâu gây phản cảm khi ngay sau sới chọi trâu là cảnh bán thịt trâu, thậm chí biến cả thư viện, trường học, trụ sở chính quyền địa phương làm nơi xẻ thịt trâu để bán. Đó là hiện tượng, hình thức phản cảm nhất mà loại hình lễ hội này thể hiện. Ngoài ra, lễ hội chọi trâu ở nhiều nơi đều có bán vé thu tiền, vi phạm quy định tổ chức lễ hội. Đó là chưa kể đến lễ hội chọi trâu cũng làm nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực, biến tướng như cá cược, gây bất ổn trên địa bàn. Chính vì thế trong mùa lễ hội năm 2018, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng yêu cầu các địa phương cần kiên quyết xử lý, không để tái diễn tình trạng này.
Ngày 21-2, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, đã có công văn gửi Sở VH-TT-DL Vĩnh Phúc đề nghị tiến hành kiểm tra, rà soát công tác tổ chức lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô bảo đảm đúng theo hồ sơ đã được phục dựng và cấp phép. Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu các hoạt động của lễ hội chọi trâu phải do ban tổ chức trực tiếp chỉ đạo, tổ chức và thực hiện theo quy định tại điều lệ (quy chế) tổ chức hội chọi trâu; không giao cho các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức chọi trâu, vận động, tuyên truyền chủ trâu không giết mổ trâu chọi để bán. Ngoài ra, ban tổ chức lễ hội chọi trâu này cũng không được bán vé, thu tiền tham dự lễ hội.
Trước đó, cục này cũng có công văn gửi Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ yêu cầu siết chặt công tác tổ chức, cấm bán vé đối với Hội Chọi trâu xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) với những nội dung tương tự.
Chen chân xin "nước thánh"
Trong khi đó, vào những ngày đầu năm mới rất nhiều người dân chen chân vãn cảnh và xin "nước thánh" tại đền Phủ Na (còn gọi là Na Sơn Động Phủ) nằm dưới chân núi Nưa thuộc xã Xuân Du (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa).
Từ lâu đền Phủ Na đã trở thành một điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều khách thập phương về đây vãn cảnh và cầu may mắn, bình an trong những ngày đầu năm mới. Na Sơn Động Phủ vốn là đỉnh núi cao nhất nằm trong dãy ngàn Nưa, dãy núi có 1 trong 3 huyệt đạo thiêng nhất nước Nam gồm núi Đá Chông (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và núi Nưa ở Thanh Hóa. Từ trên đỉnh núi cao này có một mạch nước ngầm trào tuôn trong vắt, mát rượi chảy xuống núi từ phía sau đền Thượng. Không biết từ bao giờ, nguồn nước này đã được người dân và du khách cho là "nước thánh" có thể mang may mắn, tài lộc đến cho mình nên ai đến đây cũng mong muốn xin được một ít để uống hoặc rửa mặt cầu may.
Mặc dù mấy năm gần đây, ban quản lý di tích đã xây tường ngăn, lắp đường ống và đặt một số vòi nước để du khách tới đây dễ dàng xin được "lộc". Tuy nhiên, không biết có phải tin vào việc nguồn nước mạch chảy từ trên núi là "nước thánh" thật hay không mà ai đến đây cũng kéo tới khu vực mó nước (vũng nước nhỏ) để xin bằng được một ít "nước thánh" nên cảnh tượng chen chúc, xô đẩy nhau những hôm đông khách vẫn còn xảy ra.
"Nguồn nước này mát, ngọt lịm vì chảy từ trong núi ra. Mó nước này hầu như không bao giờ cạn, dù có những năm giếng của người dân trong vùng cạn hết nước. Ba năm nay đã không còn cảnh người dân trèo lên núi, lội bì bõm dưới mó nước để lấy "nước thánh" như mấy năm trước, nhưng cảnh xô bồ, chen chúc nhau lấy nước vẫn còn diễn ra" - anh Trần Nghị, một người dân địa phương, cho hay.
Trở về giá trị thiêng liêng
TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, cho rằng rất đáng mừng khi ngày khai hội năm nay đã có nhiều thay đổi tích cực, dần trả lễ hội về đúng với nguồn gốc và giá trị thiêng liêng. Thời gian qua, nhiều lễ hội đang bị hiểu sai dẫn đến việc thực hành lệch lạc, từ đó làm nảy sinh những biến tướng tiêu cực, thương mại hóa. Bộ VH-TT-DL cần mạnh tay với những lễ hội bị biến tướng, nặng kinh doanh xa rời ý nghĩa vốn có của lễ hội.
Khai hội ngôi chùa lớn nhất Việt Nam
Ngày 21-2, tại chùa Bái Đính (thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ khai hội chùa Bái Đính năm 2018. Về dự và đánh trống khai hội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Lễ hội chùa Bái Đính được chính thức khai hội vào mùng 6 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch hằng năm, cầu cho một năm bình an, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đây là năm thứ 4, ngôi chùa lớn nhất Việt Nam tổ chức khai hội kể từ khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Bình luận (0)