Chiều 25-5, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết đã cử cán bộ xác minh làm rõ vụ việc người dân tự ý lấy san hô từ biển thuộc khu vực Hòn Chồng (vịnh Nha Trang), yêu cầu người dân không tái diễn hành động tương tự.
Trước đó, chiều 24-5, anh Phương Nhum (người dân khu vực phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang) đã ghi lại hình ảnh một số người dân đã cạy san hô sống dưới nước lên. Sau khi đăng tải lên mạng xã hội, hành vi này bị rất nhiều người dân bức xúc, chia sẻ vì cho rằng đã xâm hại môi trường biển.
Một số người dân cạy san hô ở Hòn Chồng bị lên án
Theo Ban quản lý Vịnh Nha Trang, qua kiểm tra, khảo sát đa dạng sinh học thì khu vực biển gần bờ Hòn chồng - phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang có sự phục hồi đáng kể của các tập đoàn san hô mọc trên các giá thể là rạn san hô khối đã chết. Vào thời điểm nước ròng thấp nhất trong tháng, một số người dân và du khách tự ý xuống biển dẫm đạp, thu nhặt, bẻ lấy san hô và bắt các loài thủy sản nhỏ. Theo nhiều ý kiến, những người khai thác san hô này thường mang về trang trí cho bể cá cảnh hoặc hồ cá cho nhà hàng.
San hô bị cạy lên được cho là để làm sinh vật cảnh
Rạn san hô là nơi cư trú, sinh sản của rất nhiều loài sinh vật biển. Bãi biển Hòn Chồng là số ít khu vực biển có rạn san hô gần bờ trên địa bàn TP Nha Trang. Việc khai thác, vận chuyển san hô dưới mọi hình thức dù là san hô sống hay chết đều là hành vi vi phạm pháp luật
Ban Quản lý Vịnh Nha Trang đã triển khai thêm lực lượng túc trực để đảm bảo công tác cứu hộ và bảo vệ, tuyên truyền nhắc nhở người dân tránh tình trạng tương tự xảy ra. Bên cạnh đó, phối hợp cùng lực lượng thanh niên xung kích thành phố, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Ban Quản lý vịnh Nha Trang sẽ trình UBND TP. Nha Trang cho phép cắm bảng thông báo, tuyên truyền dọc bãi biển Hòn Chồng về bảo vệ môi trường biển và các quy định, chế tài xử phạt liên quan.
Hiện nay, việc khai thác san hô, phá huỷ nơi sinh sống cư trú sinh vật biển sẽ bị phạt từ 50 đến 200 triệu đồng.
Cụ thể:
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản hoặc hệ sinh thái thủy sinh hoặc khu vực thủy sản tập trung sinh sản hoặc khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống; phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm hoặc gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của loài thủy sản.
Bình luận (0)