Nghệ An có gần 1.000 loài cây dược liệu, trong đó có nhiều cây thuốc quý hiếm được bảo tồn. Tại huyện Quỳnh Lưu, những năm gần đây, kinh tế của nhiều hộ dân ở các xã: Quỳnh Văn, Quỳnh Thắng… khá giả hẳn lên khi trồng các loài cây dược liệu như: bạc hà, sachi, hương bài, cà gai leo…
Thu nhập ổn định
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã đưa giống cây cà gai leo (cây thảo dược) về trồng tại vùng đất mà trồng lúa không mấy hiệu quả. Nhờ cây cà gai leo phát triển tốt, cho năng xuất cao, giá đầu ra cao nên đời sống của hàng trăm hộ dân trồng loài cây này khá hẳn lên, có của ăn của để.
Ông Đậu Đức Thế - xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu - cho biết: "Nhà trồng 4 sào cây cà gai leo, mỗi năm thu hoạch 3 lứa, mỗi lứa thu về khoảng 40 triệu đồng. Tính ra trồng cây cà gai leo có thu nhập cao hơn trồng lúa nhiều. Nhờ trồng cây dược liệu này mà kinh tế của gia đình tôi ổn định trong những năm gần đây".
Được biết, khi cây cà gai leo ở xã Quỳnh Văn thu hoạch, các cơ sở sản xuất đến tận nơi mua với giá cao. Vì thế người dân không còn lo lắng khi sản xuất ra không có nơi tiêu thụ sản phẩm.
"Cây cà gai leo ở đây, sau khi thu hoạch, đều được cơ sở sản xuất chúng tôi thu mua với giá cao. Hiện tại, sản phẩm cà gai leo Quỳnh Văn của chúng tôi sản xuất đã được công nhận sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng trên cả nước tin tưởng sử dụng" - ông Hồ Văn Thiện, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm cà gai leo Quỳnh Văn, tự tin.
Ông Hồ Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu - khẳng định: Cây cà gai leo trồng một lần có thể cho thu hoạch ổn định nhiều năm. Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chuyển từ trồng lúa sang trồng cây này trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, nhấn mạnh đây là một trong những hướng mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình của địa phương thời gian qua và sắp tới.
Tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, mấy năm gần đây, nhiều diện tích các loài cây dược liệu như cà gai leo, thìa canh, kim ngân… được trồng tại 6 xã, trên 23 ha. Do thu nhập bình quân từ cây dược liệu đạt 220 triệu đồng/ha/năm (gấp 3-4 lần trồng mía) nên đời sống của gần 200 hộ dân ở huyện miền núi nghèo này khá hẳn.
Ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê, huyện Con Cuông - chia sẻ cây dược liệu đã giúp đời sống nhiều hộ dân ở các bản trong xã thoát nghèo; một số hộ có thu nhập tốt xây nhà, đầu tư cho con ăn học đầy đủ" - ông Thương phấn khởi.
Trồng và thu hoạch cây dược liệu của người dân xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
Sản phẩm OCOP cà gai leo Quỳnh Văn
Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng
Tại huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, trong những năm gần đây, các loài cây dược liệu trồng dưới tán rừng bước đầu mang lại hiệu quả tích cực; qua đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Cụ thể, dưới chân núi Puxailaileng thuộc địa phận xã Na Ngoi, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4) đang thực hiện mô hình phục hồi, nhân giống cây dược liệu gồm: đẳng sâm, đương quy, atisô, đặc biệt là sâm Puxailaileng. Ngoài ra, cũng tại xã Na Ngoi, Tập đoàn TH và người dân cũng tiến hành trồng nhiều hecta các loài cây dược liệu dưới các tán rừng. Ông Xồng Bá Dềnh - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn - tin tưởng việc phát triển những loài cây dược liệu sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao đời sống. Vì vậy, địa phương này sẽ mở rộng diện tích trồng cây dược liệu trong thời gian tới.
Đối với huyện miền núi nghèo Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, việc phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần bảo tồn những nguồn gien quý mà còn giúp người dân thay đổi tư duy, tập tục sản xuất cũ, có hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo. Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho rằng Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới, có điều kiện tự nhiên đặc thù. Nhiều xã như Na Ngoi, Mường Lống, Tây Sơn… có khí hậu quanh năm mát mẻ, rất phù hợp cho một số loài cây dược liệu phát triển. Thực tế, người dân nhiều địa phương đã tự trồng các loài cây dược liệu như: giảo cổ lam, sâm thất diệp nhất chi hoa, sâm Puxailaileng, tam thất, đẳng sâm… cho kết quả tích cực. "Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn tránh được tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy. Đây là một trong những mô hình phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới" - ông Rê khẳng định.
Nghệ An sẽ trồng 18.000 ha cây dược liệu
Nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ổn định gần 18.000 ha cây dược liệu. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Nghệ An cần có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa, đặc biệt là phải đẩy mạnh liên kết 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông). Trong đó, doanh nghiệp phải giữ vai trò then chốt trong hình thành chuỗi khép kín từ khâu chăm sóc, bảo quản, chế biến.
Ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, cho rằng Nghệ An là tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển các loài cây dược liệu nhưng để hiệu quả cần quy hoạch hợp lý, tránh trồng tràn lan. Việc trồng phải gắn với chế biến, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận (0)