Sở Xây dựng TP HCM vừa trình UBND TP kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư (TĐC) các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn TP giai đoạn 2018-2020. Kế hoạch của Sở Xây dựng TP cho thấy trong giai đoạn 2018-2020 có gần 50.000 hộ sẽ bị ảnh hưởng khi TP triển khai thực hiện 526 dự án chỉnh trang đô thị, công ích; trong đó có 329 dự án hạ tầng kỹ thuật, 123 dự án hạ tầng xã hội, công trình công cộng và 74 dự án chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch.
Xây 20.000 căn nhà ở xã hội
Theo tính toán của Sở Xây dựng, trong gần 50.000 hộ bị ảnh hưởng thì có 32.772 hộ có nhu cầu TĐC. Để giải quyết nhu cầu này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Danh cho biết TP sẽ tập trung phát triển quỹ nhà ở xã hội (NƠXH) với quy mô khoảng 20.000 căn, trong đó dành 10.000 căn để bố trí TĐC cho khoảng 10.000 trường hợp hộ gia đình được bồi thường nhưng giá trị không đủ để mua nhà ở thương mại hoặc các hộ gia đình không đủ điều kiện bồi thường nhưng không còn nơi ở nào khác, chủ yếu tập trung tại các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch thuộc chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của TP.
Những căn nhà lụp xụp ven kênh này nằm trong kế hoạch giải tỏa của TP HCM giai đoạn 2018-2020
Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài phát triển quỹ NƠXH, ông Danh còn cho hay TP sẽ thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại cho các hộ gia đình lựa chọn mua lại để TĐC; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nhà ở thương mại đang triển khai, bảo đảm cung cấp khoảng 13.000 căn hộ và nền đất để các hộ gia đình được bồi thường có khả năng tự lo nơi ở mới, mua lại để TĐC theo phương thức nhà ở thương mại.
Đặc biệt, TP sẽ cân đối, sử dụng nhà ở, đất ở đã hoàn thành thuộc sở hữu nhà nước. Hiện TP có 40.570 căn hộ và nền đất, trong đó đã bố trí sử dụng 27.549 căn hộ và nền đất. Đối với 13.021 căn hộ và nền đất chưa bố trí sử dụng, TP dành 7.758 căn hộ và nền đất để phục vụ TĐC cho 526 dự án công ích, chỉnh trang đô thị đang và sẽ triển khai trong giai đoạn 2018-2020; trong đó, sử dụng khoảng 1.000 căn hộ để các quận - huyện giải quyết tạm cư cho các trường hợp bất khả kháng như cháy nổ, sạt lở bờ sông, kênh rạch, di dời khẩn cấp người dân sống trong các chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ hoặc các trường hợp đặc biệt.
Song song đó, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ đấu giá 5.263 căn hộ và nền đất không còn nhu cầu sử dụng để thu hồi vốn, tái đầu tư xây dựng mới các dự án phát triển nhà ở bằng nguồn vốn ngân sách.
Đề xuất thống nhất đầu mối TĐC
Theo ông Danh, quan điểm thực hiện công tác TĐC là công tác này phải được xem xét giải quyết một cách toàn diện, hài hòa trên các mặt đời sống, xã hội; TĐC không chỉ là giải quyết nhà ở mà còn là giải quyết nơi ở mới, có không gian sống phù hợp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phải gắn với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau khi di dời, TĐC.
Vì vậy, Sở Xây dựng cho rằng nên thống nhất đầu mối về công tác quản lý sử dụng nhà, đất phục vụ TĐC theo hướng giao Trung tâm Giám định xây dựng và Quản lý nhà (trực thuộc Sở Xây dựng) để quản lý, sử dụng toàn bộ nguồn nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; đồng thời tăng cường trách nhiệm và tính chủ động của UBND các quận - huyện trong công tác bố trí sử dụng theo hướng nghiên cứu phân công; giao cho UBND các quận - huyện chịu trách nhiệm trong công tác cân đối, điều chuyển nguồn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được phân bổ để phục vụ TĐC cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn.
Về việc triển khai các dự án để chỉnh trang đô thị, một lãnh đạo Sở Xây dựng đánh giá đang được tiến hành gấp rút. "Hai bài toán khó khăn mà các quận - huyện lẫn sở - ngành đối mặt chính là tiền giải phóng mặt bằng và thiếu hụt các dự án TĐC. Hơn nữa, một khảo sát cho thấy nhu cầu muốn TĐC của người dân rất lớn trong khi tiền bồi thường khó mua được một căn nhà ở thương mại" - vị lãnh đạo này nói. Theo vị lãnh đạo này, để giải quyết bài toán trên, lãnh đạo TP đang đẩy mạnh kêu gọi các đơn vị tư nhân tham gia các dự án. Một phần giảm bớt gánh nặng ngân sách đồng thời có khả năng hỗ trợ được người dân mua các dự án nhà chung cư thương mại. Ngoài ra, Sở Xây dựng TP cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các căn hộ diện tích nhỏ phù hợp túi tiền người dân để có thể bố trí TĐC.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Thành, chuyên gia đô thị, nhận định TP từng một lần "vỡ trận" khi thực hiện dự án bố trí TĐC ồ ạt. Hệ quả, TĐC Vĩnh Lộc và Thủ Thiêm hiện nay rất ít người đến ở. "Mỗi dự án đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương. Khi công tác điều tra xã hội học để nắm bắt nhu cầu không chặt chẽ sẽ dẫn đến việc người dân khốn khổ về nơi ở mới, không có việc làm. Rõ nhất là rất nhiều người dời về chung cư Tân Mỹ (quận 7) cũng phải dọn ra bờ kênh Tẻ để buôn bán" - ông Thành dẫn chứng. Vì vậy, theo ông, muốn giải quyết bài toán bố trí gần 33.000 trường hợp TĐC thì chính quyền phải làm kỹ thông qua việc nắm bắt nhu cầu để tránh lãng phí, gây khó khăn cho cuộc sống người dân.
Trong gần 33.000 trường hợp có nhu cầu TĐC trên toàn TP thì quận 8 chiếm số lượng lớn nhất, cụ thể là 10.300 trường hợp. Một số dự án trên địa bàn quận 8 có nhu cầu TĐC cao như Chỉnh trang đô thị Rạch Ụ Cây giai đoạn 2 (1.137 trường hợp), dự án Rạch Du - Ông Lớn - Ông Nhỏ - kênh Xáng (1.406 trường hợp).
Một dự án NƠXH đang… mắc cạn
Đó là dự án NƠXH 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, TP HCM. Dự án này đang có nguy cơ ngưng thi công vì chủ đầu tư lẫn đơn vị liên kết than thiếu tiền. Thời gian bàn giao căn hộ cho khách hàng đã qua 1 năm nhưng đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa xác định được ngày bàn giao khiến nhiều người mua lâm vào nợ nần bởi nhà thì phải ở thuê nhưng tiền lãi ngân hàng cứ phải trả.
Phản hồi về việc chậm trễ trên, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Quỹ Phát triển nhà ở TP (chủ đầu tư), cho hay hiện phía Công ty Địa ốc Hoàng Quân (đơn vị liên kết) đang thiếu vốn. Để hoàn thành công trình còn cần huy động thêm 150 tỉ đồng. Tuy nhiên, Công ty Hoàng Quân đã linh hoạt sử dụng các dự án, căn hộ mà mình sở hữu hoán đổi cho đơn vị thi công. Vì vậy, việc khó khăn hiện nay là phải có đủ 80 tỉ đồng để tiếp tục tiến độ công trình. Còn ông Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Quân, cho biết đơn vị có tổng vốn điều lệ lên đến 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do cùng lúc thực hiện 24 dự án NƠXH, cộng thêm gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ vay vốn NƠXH ngưng khiến công ty thiếu hụt vốn trầm trọng.
Giải pháp mà ông Tuấn và ông Thạch đưa ra là kêu gọi khách hàng cho vay 80 tỉ đồng với lãi suất 1%/tháng nhằm đẩy nhanh tiến độ hoặc kiến nghị UBND TP cho phép sử dụng 80 tỉ đồng ở Quỹ Phát triển nhà ở dùng vào việc xây dựng NƠXH.
Hoàn tất cấp chủ quyền nhà, đất TĐC trước tháng 11-2018
Sở Xây dựng TP kiến nghị UBND TP giao các quận - huyện chủ động phối hợp với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đai quận - huyện, công ty dịch vụ công ích quận - huyện rà soát toàn bộ nguồn nhà, đất đã bố trí TĐC thời gian qua, tổng hợp và đề xuất việc thực hiện hoàn tất công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, hướng dẫn thực hiện trong trường hợp có vướng mắc hoặc nội dung vượt thẩm quyền. Thời gian hoàn thành trước tháng 11-2018.
Ngoài ra, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, Sở Tài chính và UBND các quận - huyện hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với các căn hộ và nền đất đã đưa vào bố trí TĐC, báo cáo UBND TP trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Bình luận (0)