xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lên kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 trong trường học

YẾN ANH - ĐẶNG TRINH - ANH THƯ - HẢI YẾN

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho học sinh học trực tiếp trong bối cảnh nhiều trường học phải quay lại dạy trực tuyến do có học sinh mắc Covid-19

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Vinh (tỉnh Nghệ An), chỉ trong 3 ngày đầu đi học trở lại, số học sinh (HS) mắc Covid-19 đã tăng lên 255 em. Toàn thành phố có 20 giáo viên là F0. Số giáo viên và HS trở thành F1 là 497 người. Phòng GD-ĐT đã đề xuất UBND TP Vinh cho phép HS bậc tiểu học và lớp 6 đang học trực tiếp chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Tạo thuận lợi cho học sinh học bán trú

Tại Hà Nội, nhiều HS vừa hào hứng đến trường đã phải trở lại học trực tuyến vì có học sinh mắc Covid-19. Một số phụ huynh gặp không ít khó khăn khi phải về nhà đón con buổi trưa vì nhà trường không tổ chức học bán trú.

"Sắp xếp thời gian đưa đón con là một vấn đề nan giải. Rõ ràng học nửa buổi không có nghĩa là nguy cơ dịch bệnh giảm đi hay là ăn bán trú ở trường thì bớt nguy hơn ở ngoài hàng quán. Thực tế ăn hàng quán mới là nguy hiểm vì bữa cơm bán trú còn kiểm soát được" - anh Nguyễn Anh Tuấn, một phụ huynh sống tại quận Ba Đình, cho hay.

Trong khi đó, nhiều trường mầm non, tiểu học tại TP HCM đang tiến hành tập huấn việc phòng chống dịch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trước khi chính thức đón trẻ từ mầm non đến lớp 6 trở lại trường vào ngày 14-2.

Lên kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 trong trường học - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiểm tra các điều kiện để dạy học trực tiếp tại Hải Phòng. Ảnh: MINH THU

Ông Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 4), cho hay nhà trường đã tập huấn công tác phòng chống dịch cho giáo viên, nhân viên trong ngày 8-2. Cụ thể là công tác phân luồng, đưa đón HS, cách test nhanh khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm, hướng dẫn phụ huynh khai báo y tế cho HS tại nhà trước khi đến trường, chuẩn bị phòng cách ly, khẩu trang dự phòng, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn...

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, HS mầm non, tiểu học, lớp 6 chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nên khi HS quay trở lại trường, việc tổ chức dạy học phải được hết sức kỹ càng. Khi tất cả các khối lớp trở lại trường thì vẫn phải có phòng dự phòng, phòng cách ly, không bố trí HS học tại các phòng đó.

Ngày 9-2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các thứ trưởng đã dẫn đầu đoàn công tác của bộ kiểm tra điều kiện để dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại nhiều địa phương. Khảo sát tại Trường Tiểu học Minh Tân (TP Hải Phòng), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế khi cho rằng việc HS đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều.

"Chúng ta nên thực hiện đầy đủ, làm sao vừa bảo đảm việc dạy học của các cháu vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh, tạo điều kiện cho cha mẹ HS yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Làm việc với UBND TP Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị TP Hải Phòng thống nhất trong việc bố trí HS, với những trường có điều kiện nên tổ chức cho HS học bán trú. Bộ trưởng lưu ý nếu phát sinh các trường hợp nhiễm bệnh cần cố gắng sàng lọc, xử lý trong phạm vi hẹp nhất có thể. Những nội dung này đã được làm rõ trong cuốn "Sổ tay bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học" do Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế phát hành tới các nhà trường.

Làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý mỗi trường phải có phương án, kịch bản riêng thể hiện được các tình huống nếu không may có HS, giáo viên mắc Covid-19. Trong đó cần phân rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cá nhân để khi cần có thể xử lý tình huống một cách nhanh nhất.

Sẵn sàng phương án nếu số học sinh mắc Covid-19 tăng

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết ngoài 3 bệnh viện (BV) nhi điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, TP còn có BV dã chiến 1.000 giường trước đó do BV Nhi Đồng Thành phố quản lý.

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, Khoa Covid-19 với 150 giường của BV chỉ còn 34 bệnh nhân vào sáng 9-2, trong đó chỉ có 17 trẻ em, 17 người còn lại là phụ huynh đi kèm. Không có bệnh nhân nào phải điều trị tại khu vực hồi sức.

BV Nhi Đồng 1 đã chuẩn bị kế hoạch, nhân sự để tham gia tập huấn cho các đơn vị có nhu cầu, đồng thời sẽ tổ chức các buổi tư vấn trực tuyến trên website, Facebook để cung cấp kiến thức cho cộng đồng.

BS Nguyễn Thanh Hùng cho rằng Bộ Y tế, UBND TP HCM đã có những hướng dẫn về việc HS đi học lại. Điều quan trọng là nhà trường, giáo viên được tập huấn, hiểu về căn bệnh, có kịch bản ứng phó khi phát hiện trẻ mắc Covid-19...; phụ huynh cũng hiểu để ứng phó khi con mình bị bệnh, hướng dẫn trẻ phòng bệnh ra sao tương tự các căn bệnh khác. Một khâu quan trọng khác trong điều trị Covid-19 ở trẻ em là khâu sàng lọc, bệnh nhi nào có thể điều trị tại nhà thì cho về nhà, vừa thoải mái cho các bé và phụ huynh vừa không làm quá tải không cần thiết các BV, tập trung lo cho các cháu có nguy cơ. Cộng với chiến dịch vắc-xin tiếp tục được triển khai tốt như vừa qua, thói quen 5K đã hình thành trong cộng đồng, việc cho trẻ quay trở lại trường học sẽ an toàn.

"Phải cho các cháu đến trường, những chuyện như học tập, sinh hoạt, đời sống kinh tế... đều cần trở lại bình thường. Nếu cho trẻ nghỉ lâu quá thì chắc chắn ảnh hưởng đến chuyện học tập, việc học trực tuyến không thể thay thế được. Hơn nữa còn là vấn đề phát triển tâm sinh lý của trẻ. Trẻ cần được giao tiếp xã hội, cần ra ngoài để khỏe khoắn" - PGS Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh.

BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố, cho hay lượng bệnh nhi nhập viện vì Covid-19 liên tục giảm dù TP HCM mở cửa trở lại, có thể vì 2 nguyên nhân chính. Một là, nhiều trẻ em trong cộng đồng, bao gồm cả những trẻ chưa chích ngừa, đã có miễn dịch tự nhiên do bị nhiễm cùng với gia đình trong đợt dịch vừa qua. Hai là, Covid-19 ở trẻ em thường nhẹ, nhiều trẻ chỉ mắc thoáng qua, phụ huynh cũng không biết nên không đưa con đi. Thời gian qua, một số phụ huynh đã đến thử kháng thể cho con, khi thử thì thấy trong người cháu có kháng thể dù chưa chích ngừa, tức cháu đã từng mắc Covid-19 nhưng cha mẹ không hay.

Theo ThS-BS Nguyễn Thành Đạt, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2, Khoa Covid-19 tại đơn vị có công suất 120 giường, đang điều trị 18 bệnh nhân Covid-19. Nhận định về tình hình dịch bệnh sau khi trẻ quay lại trường học trực tiếp, BS Nguyễn Thành Đạt cho rằng có thể số trẻ mắc bệnh sẽ tăng. Thời điểm sắp tới còn có dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết nên BV cũng đã lên phương án chuẩn bị nhân sự, khoa phòng, thuốc để dự phòng nếu trẻ nhập viện tăng. Đặc biệt, về công tác phòng chống dịch vẫn được thực hiện nghiêm từ trước dịch đến nay, thực hiện khai báo y tế 24/24 và test nhanh cho các trường hợp có triệu chứng trước khi vào khám. 

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát hướng dẫn bảo đảm an toàn cho HS khi đến trường, phản ứng của y tế học đường, y tế cơ sở khi có ca mắc Covid-19.

Hiện Bộ Y tế đang cập nhật phác đồ điều trị cho HS mắc Covid-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình huống số HS mắc Covid-19 tăng đột biến, gây quá tải.

N.Dung

Quy trình xử lý khi có F0

TP HCM đã ra quy trình xử lý khi phát hiện F0 trong trường học. Khi dạy học trực tiếp, nếu phát hiện HS mắc Covid-19, trường tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh, khử khuẩn lớp học; xét nghiệm, kiểm tra cho toàn bộ HS, giáo viên. Các lớp học khác hoạt động bình thường.

Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau, tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau: với 2 lớp cùng tầng: xét nghiệm kiểm tra cho HS, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng; 2 lớp khác tầng, cùng khối nhà: xét nghiệm kiểm tra cho HS, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà; 2 lớp khác khối nhà: nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ HS, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì xử lý theo lớp học.

Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: nếu có 1 ca dương tính thì cho toàn bộ HS trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo