Đứng trên lưng chừng núi Huỳnh Mai, tự nhiên nhớ câu hát lẫy lừng trong tuồng "Hộ sanh đàn" của ông: "Lao xao sóng vỗ ngọn tùng/ Gian nan là nợ anh hùng phải vay...", sao mà đẫm màu thế sự du du vậy!
Khoảng hơn năm bảy chục năm về trước, trên núi này là một rừng mai tự nhiên. Vì vậy, người dân mới đặt tên núi là Huỳnh Mai, còn tôi muốn gọi là núi Mai Vàng.
Núi Mai Vàng không to lớn kỳ vĩ, chỉ là một ngọn núi địa phương, trải dài khoảng hơn 7 km, trên địa bàn các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hiệp thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Núi chỉ cao khoảng vài trăm mét, dù vậy địa thế phong thủy của dãy núi này rất đáng chú ý, khi nhiều vị trí của nó có hướng nhìn thẳng ra cửa biển Thị Nại lịch sử và lộng gió biển Đông.
Những vị bô lão ở dưới chân núi Huỳnh Mai cho biết trước đây, cứ đến mùa Xuân, hoa mai trên núi Huỳnh Mai nở rực, cả một vùng quê ngát hương mai. Cứ mỗi khi Tết đến, người dân quê tôi lên núi tỉa những nhành mai đẹp đem về chơi Tết.
Sau này, mai trên núi Mai Vàng không còn nhiều nữa nhưng cái tên "núi Huỳnh Mai" vẫn còn đọng lại trong lòng dân quê tôi như những hoài niệm văn hóa khó phai. Hiện trên núi cao vẫn còn lác đác đâu đó những cụm mai vàng cô độc, đến mùa khô vẫn tự rụng lá, tự bung những nụ hoa kiêu hãnh đón Xuân.
Hôm tháng 10 âm lịch năm rồi, lên thăm mộ ông bà, rất may mắn tôi phát hiện một cụm mai núi gần mộ ông ngoại. Đó là một cụm mai núi chứa đầy ký ức và sức nặng thời gian.
Bất chợt, tôi muốn Tết này tự mình sẽ lên núi Huỳnh Mai lặt lá cho cụm mai ký ức ấy để làm sống dậy chiều sâu văn hóa của núi Mai Vàng mà thi sĩ Đào Tấn từng rất mến yêu.
Đào Tấn là người mê hoa mai, ông làm thơ và lấy bút hiệu là Mộng Mai (có tập thơ "Mộng Mai ngâm thảo"), khi chết được táng trên núi Mai Vàng, ở vị trí lộng gió, ngát hương đồng nội, thoang thoảng hương hoa mai mỗi độ Xuân về.
Đào Tấn, 19 tuổi, lúc còn đang đi học đã soạn tuồng "Tân Dã Đồn" nổi tiếng; 23 tuổi, ông đậu cử nhân (1868). Là quan đại thần triều Nguyễn, trải qua 3 triều Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái.
Trên hết và những gì còn đến bây giờ, ông là một nghệ sĩ lớn. Đào Tấn là một nghệ sĩ tuồng tài năng, sáng tác, nhuận sắc nhiều vở tuồng hát bội rất tên tuổi.
Về thơ, Đào Tấn là thi sĩ tài hoa, đặc biệt thơ chữ Hán. Ông có nhiều bài thơ Xuân chữ Hán đọc lạnh người.
Nhớ người nghệ sĩ lớn Đào Tấn, nhớ 2 câu đối ông viết ở Học Bộ Đình - nơi ông dạy hát bộ cho học trò ở Vinh Thạnh (làng quê của Đào Tấn, thuộc xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) - thể hiện quan niệm về kịch nghệ của ông: "Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ/ Sự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân" (tạm dịch: Trời chẳng cho nhàn vào bận rộn này tìm chút rảnh/ Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân).
Những hình ảnh trên sân khấu, dù có cách điệu sao đi nữa vẫn là hình ảnh của cuộc sống. Lý luận kịch nghệ này của Đào Tấn đâu có khác gì so với sân khấu hiện đại hay sân khấu gián cách ở thế kỷ XX, XXI?
Yêu hoa mai, ông có 2 câu thơ rất thơ mộng: "Mai sơn tha nhật tàng mai cốt/ Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn"(tạm dịch: Núi Mai rồi gửi xương mai nhé/ Ước nguyện hoa mai hóa mộng hồn).
Ngẫm ra, nghệ sĩ Đào Tấn là người hạnh phúc nhất khi mất rồi vẫn như nằm nghỉ trong hương hoa mai, ngắm biển Đông quê hương lồng lộng gió…
Bình luận (0)