Hà Nội hiện có hơn 27.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, giáp ranh với 8 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Sau gần 2 năm (từ tháng 11-2019) ngành kiểm lâm Hà Nội phối hợp, liên kết bảo vệ rừng và quản lý lâm sản khu vực giáp ranh đã mang lại những hiệu quả thiết thực.
Liên kết, phối hợp chặt chẽ
Rừng của 9 tỉnh, thành khu vực giáp ranh có hệ động vật quý hiếm và hệ thực vật rừng phong phú, đa dạng, là lá phổi xanh điều hòa khí hậu của thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản của mỗi địa phương có những khó khăn nhất định, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tác động. Khắc phục kẽ hở, bất cập, ngành nông nghiệp Hà Nội và các tỉnh đã ký Quy chế phối hợp thực hiện quản lý, bảo vệ phát triển rừng khu vực giáp ranh.
Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, cho biết thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh, đơn vị căn cứ vào vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, tầm quan trọng của từng loại rừng ở các địa phương giáp ranh để xây dựng phương án phối hợp đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ nắm bắt thông tin kịp thời, nhiều vụ việc liên quan đến nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện khá hiệu quả.
Năm 2020, Hạt Kiểm lâm Chương Mỹ (Hà Nội) phối hợp với Hạt Kiểm lâm Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 460 lượt người sinh sống gần rừng và chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng, không xâm canh, xâm cư trái phép, vi phạm quy hoạch lâm nghiệp; không khai thác, chặt phá rừng, săn bắt, bẫy bắt động vật rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại vùng giáp ranh… Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn phối hợp với Hạt Kiểm lâm Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và Hạt Kiểm lâm Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) thông báo cho nhau trên 100 lượt bằng điện thoại việc khai thác, vận chuyển lâm sản vùng giáp ranh, thời gian, địa điểm người dân đốt dọn rừng để cùng nhau chuẩn bị lực lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời, phối hợp tuần tra, kiểm tra tình hình tại những khu vực giáp ranh để nắm bắt thông tin, phát hiện các nguy cơ xâm hại đến tài nguyên rừng...
Nhờ nắm bắt thông tin, nhiều năm qua, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng của Hà Nội và các tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin để nâng cao hiệu quả công tác, kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng khu vực giáp ranh; phối hợp truy quét, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp kịp thời, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Từ đầu năm 2021 đến nay, tại các khu vực rừng giáp ranh chưa xảy ra tình trạng cháy rừng và khai thác rừng trái phép.
Ông Đinh Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn), cho rằng sự liên kết quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng ở khu vực giáp ranh thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Người dân được tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, tập huấn về phòng chống cháy rừng… nên ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, giảm số vụ cháy rừng và phá rừng trên địa bàn giáp ranh.
Huyện Sóc Sơn là “điểm nóng” về xâm phạm rừng ở TP Hà Nội
Cần thêm nhiều giải pháp
Dù đã đạt được kết quả bước đầu nhưng công tác quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản ở khu vực vùng giáp ranh giữa TP Hà Nội và các tỉnh còn một số bất cập cần tiếp tục khắc phục. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được thường xuyên, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Việc phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm chưa được duy trì đều đặn; công tác xác minh, phân loại đối tượng có thủ đoạn phá hại rừng còn hạn chế; tình trạng vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để. Mặt khác, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh chưa được các địa phương quan tâm đúng mức...
Ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, cho biết tỉnh có hơn 160.000 ha rừng, phần giáp ranh với Hà Nội thì rất ít. Thời gian qua ngành nông nghiệp và kiểm lâm các tỉnh, thành có rừng giáp ranh đã có những liên kết, phối hợp làm việc và đạt được nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian tới các địa phương có rừng giáp ranh cần thêm nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để bảo vệ và phát triển rừng.
Theo ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản ở khu vực giáp ranh giữa huyện Sóc Sơn và các địa phương lân cận đã đạt được những kết quả tích cực, nhờ vậy, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng đã được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng giáp ranh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản để không ngừng nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, đề nghị các cơ quan chức năng ở khu vực có rừng giáp ranh phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm. Trường hợp phát sinh những tình huống phức tạp, lực lượng kiểm lâm thông tin kịp thời chính quyền địa phương để chỉ đạo, huy động các lực lượng chức năng và chủ rừng hỗ trợ kiểm tra, truy quét...
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND TP chỉ đạo các huyện, thị xã có rừng rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt xác định rõ ranh giới 3 loại rừng cả trên bản đồ và ngoài thực địa để thuận lợi cho phát triển kinh tế lâm nghiệp. Các ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành nông nghiệp để nâng cao hiệu quả trong quản lý rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là các khu vực dễ xảy ra trình trạng xâm lấn rừng và đất lâm nghiệp.
Nâng cấp quy chế phối hợp
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết đã giao Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh xây dựng phương án, kế hoạch, giải pháp cụ thể, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, thiết lập đường dây "nóng", duy trì chế độ giao ban, xử lý kịp thời các vụ cháy rừng, phá rừng để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại đến tài nguyên rừng... Cùng với đó, tiến tới nâng cấp, hoàn thiện các quy chế phối hợp giữa cấp huyện, cấp xã, chủ rừng của mỗi địa phương để tiếp tục nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác này.
Bình luận (0)