xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Liên kết ĐBSCL với TP HCM

PHAN ANH

Khẳng định không có liên kết vùng nào rõ nét hơn, hiệu quả hơn, tốt hơn bằng liên kết vùng ĐBSCL với TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao TP HCM làm "nhạc trưởng" điều phối cơ chế liên kết vùng này

Chiều 18-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Kiến nghị lập hội đồng điều phối vùng

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng ĐBSCL có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế vùng ĐBSCL với TP HCM. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối mặt với nguy cơ, thách thức lớn từ nước biển dâng, khai thác sử dụng tài nguyên thiếu hợp lý trong nước và thượng nguồn sông Mê Kông.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng Nghị quyết 120 đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy phát triển bền vững ĐBSCL nhưng sau 2 năm triển khai, ngoài những kết quả đạt được, cần chỉ rõ những hạn chế và điểm nghẽn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL đạt mức ấn tượng, với 7,8% vào năm 2018 - cao nhất trong 4 năm trở lại đây (cao hơn mức tăng trưởng bình quân 7,08% của cả nước). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỉ USD. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ rõ việc thực hiện Nghị quyết 120 còn những hạn chế cần khắc phục, như sụt lún, sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp; hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa kết nối Đông - Tây với TP HCM để tận dụng được các ưu thế của từng địa phương và của cả vùng. Từ đó, ông Hà kiến nghị khẩn trương hoàn thiện cơ chế điều phối vùng ĐBSCL, thành lập ủy ban điều phối vùng ĐBSCL; tăng cường kết nối giữa vùng ĐBSCL với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ.

Đồng tình với các giải pháp trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất thành lập hội đồng điều phối vùng. "Hội đồng này không phải một cấp hành chính, không tạo ra gánh nặng ngân sách cho nhà nước" - ông Dũng khẳng định.

Liên kết ĐBSCL với TP HCM - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghịẢnh: HOÀNG TRIỀu

Không để giao thông là điểm nghẽn

Ở góc độ địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận những yếu kém về hạ tầng giao thông thời gian qua là sự cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở TP HCM và các vùng lân cận.

Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, đầu tư hạ tầng giao thông tại ĐBSCL và TP HCM thời gian qua chưa tương xứng với mức đóng góp về kinh tế. Do đó, cần có sự thay đổi tỉ trọng đầu tư này theo mức đóng góp kinh tế. Ngoài ra, cần xác định một nguồn vốn có mục tiêu cho việc đầu tư hạ tầng giao thông. Nguồn vốn này lấy từ nguồn ngân sách TP nộp hằng năm cho trung ương. Cụ thể là dành riêng 20% từ nguồn nộp về trung ương để đầu tư cho giao thông. Ngoài ra, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu; huy động thêm các nguồn vốn xã hội hóa.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng đồng tình về việc cần tập trung đầu tư 9 dự án trọng điểm kết nối TP HCM và ĐBSCL.

Đại diện các địa phương vùng ĐBSCL, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ: "Tôi đến đây và mang theo sứ mệnh gửi gắm của các địa phương trong vùng". Theo ông Hoan, các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 120 ngày càng rõ, kể cả danh mục đầu tư, dự án trọng điểm, nguồn vốn nhưng chỉ có cái thiếu là cam kết về thời gian. "Chúng tôi mong muốn Chính phủ cam kết rõ ràng hơn về tiến độ thực hiện các dự án để người dân ĐBSCL bớt đi sự chờ đợi, nôn nóng" - ông Hoan bày tỏ.

Vị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho rằng cùng kết nối về hạ tầng, lãnh đạo 13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL phải "bước" cùng nhau để kết nối 13 địa phương trong vùng. Có như thế mới tạo ra được những thương hiệu chung của vùng ĐBSCL.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói thời gian qua, ngân sách trung ương đã quan tâm nhiều hơn cho vùng này nhưng chưa đủ. ĐBSCL hiện còn thiếu hạ tầng, giao thông, chưa có cảng nước sâu, đường sắt, hệ thống đường thủy chưa phát triển đồng bộ. Bộ trưởng Dũng đề xuất phân bổ 45.000 tỉ đồng (tương đương 2 tỉ USD) cho khu vực này trong 5 năm tới, nhằm đẩy nhanh các dự án cấp bách.

TP HCM phát huy vai trò "nhạc trưởng"

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 đã đạt được kết quả quan trọng. Dù vậy, khối lượng công việc còn nhiều, phải làm tốt hơn nữa, huy động thêm trí tuệ của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của người dân. Thủ tướng nhấn mạnh phải có chương trình, nguồn lực để ứng phó với BĐKH một cách chủ động. Các địa phương dành một khoản ngân sách để ứng phó với BĐKH, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ theo công trình cụ thể.

Đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về bổ sung 45.000 tỉ đồng cho vùng ĐBSCL, Thủ tướng giao các bộ, ngành và tỉnh, thành nghiên cứu cơ chế huy động vốn, thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính, tạo lập các nguồn vốn đầu tư phát triển vùng này. Các địa phương cần liên kết vùng mạnh mẽ hơn để ứng phó với BĐKH.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò ĐBSCL với nền kinh tế cả nước, có sự tương hỗ với TP HCM. TP HCM đầu tư cho ĐBSCL cũng là đầu tư cho chính mình. Không hợp tác vùng thì các chính sách sẽ không thành công. Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao TP HCM làm "nhạc trưởng" điều phối hiệu quả cơ chế liên kết vùng, chủ trì cùng các địa phương trong vùng xây dựng cơ chế liên kết trình Chính phủ xem xét. "Không có liên kết vùng nào rõ nét hơn, hiệu quả hơn, tốt hơn bằng liên kết vùng ĐBSCL với TP HCM" - Thủ tướng đúc kết. 

Các tổ chức nước ngoài cam kết hỗ trợ vốn

Tại hội nghị, nhiều đại biểu, tổ chức nước ngoài cam kết tiếp tục hỗ trợ vốn để ĐBSCL phát triển. Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 120, công nhận việc xây dựng một đồng bằng thích ứng với BĐKH, thịnh vượng và bền vững không phải là một lựa chọn mà là điều bắt buộc. "Là các đối tác phát triển của Việt Nam, chúng tôi cũng cam kết hỗ trợ ĐBSCL và việc thực hiện Nghị quyết 120" - Ông Ousmane Dione nêu rõ.

Ông Ousmane Dione cho biết từ năm 2015 tới nay, WB tại Việt Nam đã huy động khoảng 1,6 tỉ USD cho các hoạt động tại ĐBSCL, phần lớn gắn với Nghị quyết 120. Thời gian tới, WB tại Việt Nam đặt mục tiêu huy động thêm ít nhất 880 triệu USD để thực hiện Nghị quyết 120. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cấp chính quyền ở trung ương và địa phương cũng như các bên liên quan khác nắm bắt các cơ hội từ BĐKH, thay đổi nhân khẩu học, các thị trường mới nổi, tiến bộ công nghệ và địa chính trị khu vực.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo