Sáng 24-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo TP phối hợp tổ chức tọa đàm "Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay" với sự tham dự của hơn 100 khách mời, trong đó phần lớn là các lãnh đạo và cán bộ chủ chốt các cơ quan báo - đài ở TP HCM cùng các cơ quan chủ quản báo chí; 64 tham luận được gửi đến hội thảo, 10 tham luận được trình bày trực tiếp...
Đạo đức - nền tảng báo chí
Đạo đức nghề nghiệp, theo ông Mã Diệu Cương - Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM - là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí. Người làm báo có thể học tập, rèn luyện, đúc kết kinh nghiệm về nghiệp vụ nhưng đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc tư chất của con người, mà nổi lên là tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc đối với công việc, tính nhân văn cao cả... Đây là những yếu tố chỉ có thể hình thành trên cơ sở tự ý thức, tự rèn luyện. Vì thế, phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc thì bao giờ cũng coi trọng, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Các đại biểu trao đổi bên lề buổi tọa đàm "Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay" sáng 24-10
Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, để trở thành nhà báo giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, mỗi nhà báo phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ tiếp cận các loại hình báo chí hiện đại, đa phương tiện, trình độ chính trị, kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực, rèn luyện đạo đức, phong cách, luôn nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Nhà báo phải làm sao cho mỗi tin, bài có thể giúp công chúng có thông tin sâu sắc, chính xác; định hướng cho suy nghĩ đúng, thái độ, hành động tích cực, xây dựng.
Muốn làm được như vậy, theo bà Thảo, nhà báo cần bám sát cuộc sống, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến; phản ánh thành tựu trong lao động sản xuất, sự năng động sáng tạo trong xây dựng bảo vệ đất nước; đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, trì trệ, yếu kém.
Bồi dưỡng đạo đức đi kèm chăm lo đời sống
Để giữ gìn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, theo ông Phan Hồng Chiến - nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, nguyên Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - cần xây dựng, quản lý cơ quan báo chí ngày càng ổn định, nền nếp, kỷ cương. Phải xác định rõ tôn chỉ, mục đích, đối tượng chủ yếu của tờ báo. Trong từng giai đoạn phát triển, phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội quy sinh hoạt cơ quan, quy chế hành nghề của phóng viên, biên tập viên.
Riêng về ban biên tập, ông Chiến cho rằng cần luôn nêu gương tích cực trong việc giữ gìn và nâng cao đạo đức nghề. Họ phải ưu tiên chăm sóc đạo đức nghề nghiệp của phóng viên, biên tập viên ở một số lĩnh vực như: kinh tế, điều tra chống tiêu cực... Thường xuyên bồi dưỡng sức đề kháng cho phóng viên, biên tập viên trước sự tấn công của các mặt tiêu cực xã hội; quan tâm chăm sóc đời sống vật chất cho phóng viên, biên tập viên. Cơ quan chủ quản luôn có vai trò tích cực trong việc giữ gìn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp phóng viên, biên tập viên của tờ báo.
Lãnh đạo báo chí và cơ quan chủ quản phải đủ năng lực
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang, đã là người làm báo thì phải hỏi mình viết cho ai xem, viết để làm gì, viết như thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc. Những người làm báo cần có lập trường vững chắc, chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì biện pháp mới đúng được.
"Nhiều nhà báo viết rất sung mãn nhưng cuộc sống hằng ngày có như bài viết của họ không, hay sống như thế nào viết như thế đó? Muốn nói được phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản phải đủ năng lực, đủ trình độ và hiểu được báo chí, hiểu được đạo đức của người làm báo, trách nhiệm xã hội của báo chí... Không chỉ nói suông và cụ thể hóa cho tờ báo của mình, trách nhiệm của lãnh đạo báo là cực kỳ lớn trong xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo" - ông Tất Thành Cang nhấn mạnh.
Giám sát chặt, chế tài nghiêm
Các tham luận được trình bày tại hội thảo đề cao vai trò chuẩn mực, gương mẫu của lãnh đạo báo chí; vai trò của bộ quy tắc nội bộ về nghề nghiệp và tinh thần tự tu dưỡng của chính người làm báo.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, bà Thân Thị Thư - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy - lưu ý: Các cơ QUAN lãnh đạo, quản lý báo chí cần tăng cường xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng nhằm kiểm soát hoạt động của cơ quan báo chí mình phụ trách. Có chế tài nghiêm minh để xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động báo chí.
"Những người lãnh đạo, quản lý và đội ngũ người làm báo luôn tự nhắc mình cần phải liên tục trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Khi đã lựa chọn nghề báo thì phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc; phải nhận thức về trách nhiệm xã hội, về sự trung thực, bảo vệ lẽ phải, tôn trọng và chấp hành pháp luật" - bà Thân Thị Thư lưu ý.
Bình luận (0)