Từ thực tế khá nhiều lần điều chỉnh vừa qua, có thể thấy khung nội dung chương trình giáo dục hiện tại đã không có giải pháp dự phòng nào cho những tình huống bất định để có thể linh động về phương thức, bảo đảm cho quá trình dạy học, truyền trao tri thức được diễn ra liên tục, trong khả năng kiểm soát cao nhất.
Trên thực tế, ngay từ sau Tết, khi Việt Nam mới có 16 ca nhiễm SARS-CoV-2, các trường học phải đóng cửa phòng dịch, lập tức các giải pháp về dạy trực tuyến được đưa ra rồi sau đó có vẻ như phạm vi áp dụng chỉ có một số trường tư, trong điều kiện người học có một số đồng nhất về điều kiện, phương tiện... và nhất là đã từng được trang bị kỹ năng học trực tuyến từ trước đó.
Giải pháp giáo dục thay thế này được đánh giá là khó áp dụng trong môi trường giáo dục công lập, trên phạm vi rộng lớn, bởi những đòi hỏi công nghệ, điều kiện tiếp nhận trên phạm vi toàn xã hội có sự phân hóa lớn. Nhưng một kịch bản nội dung dạy học rút gọn có tính đồng bộ là điều trước hết có thể tính tới khi quỹ thời gian học của niên khóa này ngày càng thu hẹp bởi diễn biến phức tạp của tình hình dịch tễ. Đây cũng là giải pháp khả dĩ, khi nội dung chương trình giáo dục bình thường đang được xem là nặng nề, cồng kềnh.
Tinh gọn nội dung, chú trọng vào những kiến thức chính yếu, phù hợp với kế hoạch dạy học tập trung ngắn hạn là việc có thể làm ngay. Theo đó, ở những cấp học cao, cần đẩy mạnh triển khai phương pháp giáo dục lấy người học làm trung tâm, khuyến khích khả năng chủ động tự học, tự nghiên cứu của người học; ở cấp học cơ sở, có thể huy động sự tham gia của gia đình, nhóm người học. Công nghệ thông tin lúc bấy giờ đóng vai trò kết nối để người học với người dạy, nhà trường với gia đình kết nối, liên đới trong trách nhiệm dạy học một cách nhịp nhàng. Một quy chế khảo thí cũng cần được chuẩn bị theo một kịch bản, tiêu chuẩn mềm để bảo đảm việc tính cởi mở, chấp nhận những điều kiện giảng dạy khác nhau, chú trọng trực tiếp vào chất lượng sản phẩm giáo dục.
Cần có sự chủ động, quyết liệt về nội dung và phương thức giáo dục thay thế, tùy cơ ứng biến nhằm tránh tạo ra sự rối ren với các quyết định thay đổi thời gian mở trường bất nhất giữa các địa phương, tránh những cuộc thăm dò thoạt tưởng là tôn trọng ý kiến số đông nhưng gây ra tâm lý lo lắng trong xã hội và tránh hiện tượng chuyền quả bóng trách nhiệm giữa trung ương với địa phương, ngành này với ngành khác...
Tóm lại, đại dịch Covid-19 tạo ra thách thức với một hệ hình giáo dục ổn định, buộc xã hội phải tạo ra một cơ chế giáo dục có tính thích nghi cao hơn trước những thay đổi cực đoan của bối cảnh. Bộ khung đóng kín đã không còn phù hợp với bối cảnh tương lai bất định. Một thiết chế quản trị khẩn cấp, chủ động và sáng tạo để duy trì đời sống giáo dục trong an toàn đã đến lúc cần được triển khai kịp thời.
Bình luận (0)