xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Linh Giang - danh phận đời sông

QUÝ LÂM

Với người dân quê tôi, Linh Giang - sông Gianh không chỉ là danh xưng một dòng sông mà cao hơn, đó là một vị thần

Minh Lệ quê tôi nằm ở hạ lưu tả ngạn Nguồn Nan - một chi lưu dòng Linh Giang lịch sử (nay là sông Gianh; thuộc xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Là một làng thuần nông, vào vụ, từ già đến trẻ dắt díu ra đồng còn nông nhàn thì qua sông lên rừng gỗ lạt, củi đuốc. Mưu sinh kiểu gì cũng gắn với sông.

Vị thần của nhân dân

Cũng như số đông bạn bè cùng trang lứa, 15 tuổi tôi đã dầm mình giữa dòng sông lạnh vơ mền (vớt rêu dùng làm phân trồng khoai lang) hay không ít lần vùng vẫy giữa sông sâu vớt củi. Những chuyện nhọc nhằn, nan nguy vậy nhưng tôi cứ nhớ nhớ quên quên, mà đau đáu dòng sông quê hương bởi chỉ mấy câu ca dân làng thường ngâm ngợi: "Linh Giang nước chảy hai dòng/ Đèn thắp hai ngọn em trông ngọn nào".

Thuở nhỏ, tôi chưa đủ tâm thế để hiểu phận sông, phận người, chưa cảm được những mất mát, đau thương mà dòng sông cũng như người dân quê tôi chịu đựng.

Không hiểu sao câu ca mong manh đó cứ theo tôi đến giảng đường, đeo đẳng theo tôi suốt những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và hôm nay, khi trọn bổn phận công dân, rửa tay gác kiếm.

Linh Giang nằm phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Nhìn trên bản đồ, nó như chiếc quạt nan mà lưu vực ôm gọn cả Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Linh Giang có 3 nguồn: Rào Nậy, Rào Nan và Rào Son, hợp lưu tại ngã ba La Hà chảy ra biển.

Đầu nguồn Linh Giang (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) là dòng khe mang tên rất ấn tượng: khe Nước Rụng. Theo các cụ cao niên, gọi là Nước Rụng vì từ đỉnh Cô Pi, những giọt nước từ trên cao rụng xuống liên tục mà tạo thành khe. Theo truyền thuyết, đây là nơi trời - đất giao hòa, nơi cư ngụ của các vị thần tiên.

Ở hạ du, danh xưng Linh Giang gắn bó với dân quê từ bao đời. Trên hai cột nanh đình làng Minh Lệ quê tôi có câu đối: "Tiền hướng Linh Giang thông đại hải/Hậu liên Ngùi Lĩnh tiếp cao sơn". Dù được xây dựng lại vào năm 1927, khi tên sông được đổi thành sông Gianh được hơn nửa thế kỷ nhưng làng tôi vẫn giữ lại danh xưng Linh Giang như là sự tôn trọng di sản mà tiền nhân để lại.

Một ngôi đình làng khác nằm tả ngạn Rào Nậy là đình làng Lũ Phong (xã Quảng Phong, thị xã Ba Đồn) được xây dựng năm 1542. Ngoài thờ Thành hoàng làng, khuôn viên đình này còn có miếu thờ thần Linh Giang. Trên trụ cổng đình có khắc 8 chữ: "Hướng tốn Linh Giang/Tọa càn lãnh thổ".

Còn nhiều truyền thuyết khác mang màu sắc thần thánh liên quan đến Linh Giang như sự tích "Hòn đá đứng", chuyện giặc Lồi mọc lại đầu... Linh Giang không chỉ là danh xưng một dòng sông mà cao hơn, đó là một vị thần trong tâm thức dân làng.

Linh Giang - danh phận đời sông - Ảnh 1.

Khe Nước Rụng - nơi đầu nguồn sông Gianh

Linh Giang - danh phận đời sông - Ảnh 2.

Vùng hạ lưu sông GianhẢnh: Báo Quảng Bình

Những dấu ấn lịch sử

Cùng các tư liệu điền dã, nhiều cổ thư ghi chép danh xưng Linh Giang khá rõ. Qua đó phản ánh những dấu ấn thăng trầm của lịch sử.

Sách "Đại Nam nhất thống chí" chép: "Núi cao thì có núi Đâu Mâu và núi Thần Đinh; sông lớn thì có sông Linh Giang (Gianh) và sông Nhật Lệ...". Năm Minh Mạng 19 đúc Cửu Đỉnh, lấy hình tượng sông này đúc vào Chương Đỉnh, năm Thiệu Trị thứ 4 dựng bia đá ở bờ Nam; đầu năm Tự Đức chép vào điển thờ.

Khi nói đến Linh Giang không thể không nhắc đến dấu ấn của vua Lê Thánh Tông. Năm 1471, khi dẫn đại binh chinh phạt Chiêm Thành qua cửa Linh Giang, nhà vua để lại bài thơ "Linh Giang hải tấn":

"Núi bọc xung quanh biển mịt mờ.

Bố Chính ngày trước vẫn hoang sơ.

Trời Nam đã rưới cơn mưa móc.

Chẳng phải xa xôi bỏ cõi bờ".

Cũng cần nói thêm, năm Quang Thuận thứ 7 (1467), vua Lê Thánh Tông đã chuẩn thuận đề xuất của Tham nghị Thừa tuyên sứ ty Hóa Châu cho phép chiêu mộ dân đến khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính. Gần như các làng ở hai bên bờ Linh Giang đều được lập trong khoảng thời gian này. Dấu ấn vua Lê Thánh Tông ở hai bên bờ Linh Giang sâu đậm là vậy!

Đến năm 1558, trước nguy cơ bị chúa Trịnh bức tử, theo chỉ hướng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàng theo đó mà xin được vào trấn giữ vùng Thuận Quảng. Đây có lẽ là mốc lịch sử đáng nhớ, mở đầu một thời kỳ chia cắt, phân tranh giữa 2 tập đoàn phong kiến.

Nhiều sử sách chép rằng Hoành Sơn (đèo Ngang) là phân giới nhưng thực tế Linh Giang là dòng sông giới tuyến 2 miền Nam - Bắc. Có lẽ bởi Linh Giang là sông, là mẹ. Mẹ mới có đủ can đảm, sức chịu đựng để nhận về mình những mất mát, đau thương!

Linh Giang - dòng sông uất hận, có tác giả đã buông hai từ đó khi viết về dòng sông quê tôi suốt hơn 200 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, cát cứ. Đặc biệt từ năm 1627-1672, chiến tranh mù mịt, xương chất thành đồi, gò, máu chảy thành sông. Đến nay, chưa có nguồn sử liệu nào cho biết thương vong trong các cuộc giao tranh Trịnh - Nguyễn nhưng bao giờ cũng thế, động binh đao đi liền với chết chóc, đau thương.

Tang thương của Linh Giang dồn nén đến mức 200 năm sau khi dứt nạn binh đao, ở đó vẫn là nỗi ám ảnh bởi những oan hồn. Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến qua đây cũng phải sởn da, bạc tóc trong bài "Quá Linh Giang: "Ba lần ta đã tới/ Râu tóc trắng như bông". Trong khi đó, đại thi hào Nguyễn Du thì: "Lũy cũ 3 quân cây lá rụng/Bãi hoang trăm trận thịt xương sa" (Độ Linh Giang).

Trong tâm thức người Việt, dòng sông nào cũng linh thiêng. Dòng sông quê tôi không dừng lại ở sự tôn kính tín ngưỡng mà còn là sự định danh, là tên riêng mà dòng sông sở hữu.

Sau một thời gian dài đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn quyền lực chính trị, Nguyễn Ánh thống nhất được giang sơn. Nhưng lòng dân còn bất an. Nỗi ám ảnh của một thời đất nước chia cắt, thù hận cứ đeo đẳng dân hai bờ giới tuyến. Đòi hỏi thiêng liêng nhất sau họa phiên trấn, cát cứ là hòa giải, hòa hợp để xây dựng đất nước. Cũng vì lẽ đó mà Linh Giang được đổi thành sông Gianh chăng?

Mong mỏi của người dân quê tôi rồi cũng đến. Nước sông Gianh đã chảy một dòng! Lòng người hai bên bờ một lòng thủy chung, son sắt như con một nhà, như cây một cội. Mùa hè, nắng Quảng Bình như muốn vắt kiệt sông hồ nhưng trời, đất, núi, rừng chắt chiu từng giọt nước để nuôi dòng. Mùa lũ lụt, trước sự cuồng nộ của thủy thần, dòng sông níu lại từng hạt phù sa để vun, để bồi cho những doi đất, những cồn bãi. Sông núi hun đúc nên con người thuần hậu, thủy chung.

"Linh Giang - dòng sông thần thánh", "Dòng sông phân giới", "Dòng sông uất hận", "Dòng sông huyền thoại"... Rất nhiều tác giả đã gọi dòng sông quê tôi như thế. Riêng tôi, tôi muốn gọi dòng sông quê như danh phận đời sông: "Sông Gianh - dòng sông di sản". 

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Linh Giang - danh phận đời sông - Ảnh 3.
Linh Giang - danh phận đời sông - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo