Trong kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu gần đây nhất vào chiều 21-2 vừa qua, giá xăng RON95 đã vượt ngưỡng 26.000 đồng/lít, lên mức 26.287 đồng/lít. Với mức tăng này, giá xăng RON95 trong nước đã vượt đỉnh lịch sử vào năm 2014 và xác lập kỷ lục mới về giá bán lẻ tại nước ta. Tương tự, giá xăng E5RON92, dầu hỏa, dầu diesel và dầu ma-dút cũng tăng rất cao.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước lên mức cao chưa từng thấy được lý giải là do giá mặt hàng nhiên liệu ngày càng tăng cao trên thị trường thế giới bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Đúng là giá dầu thế giới đang lên mức rất cao, song nếu nhìn vào cơ cấu giá thành bán lẻ xăng dầu trong nước lúc này vẫn thấy có những dư địa để điều hành giá mặt hàng nhiên liệu đầu vào thiết yếu với cả đời sống và sản xuất - kinh doanh này. Hiện, xăng dầu bán lẻ phải chịu thuế bảo vệ môi trường với xăng RON95 là 4.000 đồng/lít, E5RON92 là 3.800 đồng/lít, dầu diesel là 2.000 đồng/lít. Mỗi lít xăng còn "cõng" các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt 8%-10% tùy loại; thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức tùy loại xăng dầu.
Tính ra, bình quân mỗi lít xăng, thuế hiện chiếm khoảng 42%-43% giá bán lẻ, còn dầu là 21%-27%. Nói cách khác, nếu mua 100.000 đồng tiền xăng, tiền thuế khoảng 42.000-43.000 đồng và dầu là 21.000-27.000 đồng.
Trong bối cảnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh đang cần hồi phục và đời sống người dân cần cải thiện khi ảnh hưởng của dịch bệnh còn phức tạp thì giá xăng dầu ở mức quá cao là một nỗi lo lắng, trở ngại cần giải quyết. Chúng ta không can thiệp được giá xăng dầu nhập khẩu do phụ thuộc giá chung trên thế giới nhưng vẫn có công cụ thuế trong tay để điều tiết.
Tất nhiên, thuế xăng dầu là một bài toán không dễ bởi đây là một nguồn thu ngân sách quan trọng. Giảm thuế có thể ảnh hưởng tới thu ngân sách và tác động tới các khoản chi. Thế nhưng, bên cạnh việc nhập khẩu xăng dầu, chúng ta cũng là nước xuất khẩu dầu thô.
Việc giá xăng dầu tăng liên tục thời gian qua đang tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Ước tính, nếu giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%, tăng 10% làm CPI tăng 0,36%. Ngoài ra, xăng dầu còn tác động trực tiếp đến nhóm giao thông vận tải như đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi... và vận chuyển hàng hóa; làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất như đánh bắt thủy hải sản, từ đó kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ khác tính CPI tăng theo.
Để kiểm soát lạm phát từ sớm, từ xa, góp phần hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân khi đã chịu nhiều khó khăn do dịch Covid-19 gây ra cũng như sự phục hồi của sản xuất - kinh doanh, rất cần điều hành linh hoạt giá căng dầu, kìm hãm sự tăng giá liên tục và quá cao của xăng dầu. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Đây là điều cần làm ngay vào lúc này.
Bình luận (0)