Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 35/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, ngày 30-7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 117 về kế hoạch thực hiện việc sắp xếp này.
Trên 1.300 đơn vị cấp huyện, xã phải sắp xếp
Theo Nghị quyết 117, các địa phương xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.
Khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn địa phương để giảm về số lượng, tăng về quy mô của từng đơn vị hành chính; giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính; tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ, cho biết kết quả rà soát ban đầu cho thấy có trên 30 đơn vị cấp huyện và trên 1.000 cấp xã trong diện sáp nhập. Con số chính thức và các phương án sắp xếp cụ thể còn chờ các địa phương xây dựng và gửi về Bộ Nội vụ cũng như các bộ, ngành liên quan để tổng hợp, xem xét theo quy định.
"Đối với những đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn trước thì sang giai đoạn này không sắp xếp nữa, trừ trường hợp địa phương thấy cần thiết thì sẽ sắp xếp theo diện khuyến khích" - ông Thành thông tin.
Theo Văn bản hợp nhất số 19/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính như sau:
Quận có quy mô dân từ 150.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên; số phường trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên; phường thuộc quận có từ 15.000 người trở lên.
Phường thuộc thành phố mà thành phố này trực thuộc trung ương (ví dụ TP Thủ Đức) có quy mô dân số từ 7.000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên.
Xã (không thuộc miền núi, vùng cao) dân số từ 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2 trở lên.
Thị trấn có quy mô dân số từ 8.000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 14 km2 trở lên.
Sẽ tìm cách giữ nguyên quận Hoàn Kiếm
Căn cứ theo quy định này thì Hoàn Kiếm là quận duy nhất của TP Hà Nội thuộc diện phải sắp xếp (sáp nhập) giai đoạn 2023-2025. Dù là quận nhỏ nhất của Hà Nội nhưng Hoàn Kiếm là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của thủ đô với hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa… Vì vậy, thông tin quận này thuộc diện phải sáp nhập gây xôn xao dư luận.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, về quy trình thực hiện, TP Hà Nội sẽ xây dựng phương án tổng thể về việc sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định. Trên cơ sở đó sẽ gửi về Bộ Nội vụ và các bộ liên quan cho ý kiến.
Trong phương án tổng thể này, TP Hà Nội cũng như các địa phương khác sẽ phải phân tích, đưa ra các lý do, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể của các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp. Do vậy, chủ trương về việc sắp xếp đơn vị hành chính nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng ra sao sẽ phụ thuộc vào phương án tổng thể của Hà Nội, sau đó mới triển khai đề án cụ thể, còn hiện mới chỉ là kết quả rà soát ban đầu.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Thành lưu ý việc sáp nhập đơn vị hành chính còn phải tính đến yếu tố đặc thù, truyền thống lịch sử…
"Hiện nay do chưa có phương án tổng thể thì chưa thể kết luận được ngay là quận Hoàn Kiếm có phải sắp xếp hay không. Thậm chí, việc này còn phải có ý kiến đồng thuận của đa số cử tri và nhân dân" - ông Thành nhấn mạnh.
Vấn đề sáp nhập quận Hoàn Kiếm cũng được đề cập tại buổi đối thoại với Mặt trận Tổ quốc các cấp TP Hà Nội diễn ra vào ngày 9-8 do Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì.
Tại buổi đối thoại, ông Phạm Chi Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), nêu câu hỏi về chủ trương, quan điểm của thành phố trong việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết Hà Nội thực hiện nghiêm quy định của trung ương. Tuy nhiên, việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm. Hà Nội sẽ rà soát, thống kê theo tiêu chí cứng là diện tích và dân số, bên cạnh đó có một tiêu chí rất quan trọng là văn hóa, lịch sử.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quận Hoàn Kiếm rất đặc thù, thành phố sẽ tìm cách thuyết phục; tinh thần là bảo vệ giữ nguyên, ổn định quận.
TP HCM có 6 quận thuộc diện phải sắp xếp. Ảnh: QUỐC ANH
TP HCM: 6 quận thuộc diện sắp xếp
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên - Sở Nội vụ TP HCM, cho hay qua rà soát, thành phố có 6 đơn vị cấp huyện (các quận: 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận) và 142 đơn vị cấp xã chưa đủ tiêu chí về dân số và diện tích theo quy định nên thuộc diện phải sắp xếp.
Theo ông Hiếu, Nghị quyết 35/2023 nêu 4 trường hợp đặc thù không thuộc diện sắp xếp. "Sở Nội vụ đang phối hợp với các địa phương để rà soát từng xã, phường, thị trấn xem xét yếu tố đặc thù để báo báo cấp thẩm quyền" - ông Hiếu thông tin.
Về triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan giao Sở Nội vụ tham mưu, trình Chủ tịch UBND TP HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính; tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức, đơn vị và giải quyết dôi dư đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp.
UBND TP HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung. Trong đó, đến năm 2025, thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định của Văn bản số 19/2022; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Đến năm 2030, thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Việc lập và thực hiện quy hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở TP HCM giai đoạn 2023-2030, ngoài tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số cần tính đến kết quả sắp xếp giai đoạn trước, đơn vị hành chính ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được định hướng quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị. Cụ thể, 5 huyện: Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè đã được định hướng quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
. ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Cần tính đến yếu tố đặc thù
Căn cứ theo quy định tại Nghị quyết 35, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) thuộc diện sáp nhập. Tuy nhiên, đây chưa phải là quyết định cuối cùng mà mới chỉ là sự rà soát ban đầu. Việc rà soát ban đầu là cần thiết để xác định những đơn vị hành chính nào thuộc diện sắp xếp (sáp nhập) do không đáp ứng đủ tiêu chí về dân số và diện tích, đơn vị nào không thuộc diện phải xem xét.
Không phải trường hợp nào không đáp ứng đủ tiêu chí là phải sáp nhập, bởi Nghị quyết 35 cũng nói đến 4 trường hợp đặc thù. Tôi tin rằng UBND TP Hà Nội trong quá trình rà soát sẽ cân nhắc các yếu tố về lịch sử, văn hóa, tính ổn định lâu dài, qua nhiều thời kỳ của quận Hoàn Kiếm để không cứng nhắc trong việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính.
Cần nhấn mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương rất đúng đắn, cần thiết để hướng tới một bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao nhất. Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 với nhiều kết quả khả quan càng củng cố, tạo cơ sở quan trọng cho việc sắp xếp giai đoạn tới theo Nghị quyết 35. Từ kinh nghiệm giai đoạn vừa qua, việc sắp xếp đơn vị hành chính cần được triển khai minh bạch, công khai, bảo đảm tốt nhất việc bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức bị ảnh hưởng khi sắp xếp.
. TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TPHCM:
Sắp xếp rồi, đời sống người dân có khá hơn?
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn này theo tôi sẽ khó khăn rất nhiều, thậm chí có thể làm đảo lộn tình hình kinh tế - xã hội. Nếu có điều chỉnh thì điều chỉnh dần dần chứ không nên ồ ạt một lúc. Trong quá trình phát triển, những điều bất hợp lý thì điều chỉnh, còn khi đã hợp lý rồi thì để yên chứ không nên tạo ra sự cào bằng rồi chia lại về dân số, diện tích.
Việc sắp xếp này theo tôi chưa làm rõ được mục đích kinh tế - xã hội; liệu có nâng cao chất lượng sống cho người dân sau khi sáp nhập không hay chỉ đạt tiêu chí mang tính hình thức và tính định lượng (dân số, diện tích)? Nếu chỉ lấy 2 tiêu chí diện tích, dân số thì không nhất thiết phải sáp nhập và cũng không ý nghĩa.
Minh Chiến - Quốc Anh ghi
4 trường hợp đặc thù không bắt buộc sắp xếp
Theo Nghị quyết 35, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.
Thứ nhất, có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề.
Thứ hai, có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào.
Thứ ba, có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ tư, đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Q.Anh
Bình luận (0)