Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có văn bản hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị khẩn trương gửi văn bản góp ý hoàn thiện dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Đây là văn bản rất quan trọng, quyết định phạm vi "mở cửa" của từng địa phương.
Học hỏi kinh nghiệm của 40 nước
Theo dự thảo, có 5 chỉ số quan trọng để đánh giá cấp độ dịch bệnh. Dựa vào các chỉ tiêu đạt được, từ đó sẽ đối chiếu và có đánh giá cụ thể theo các mức cấp độ: nguy cơ thấp, trung bình, cao và rất cao.
Chỉ số 1: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần.
Chỉ số 2: Tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19.
Chỉ số 3: Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng; bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu tại các cơ sở y tế trực thuộc tỉnh, thành phố trên tổng số ca mắc mới theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4.
Người cao tuổi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngày 3-10, nước ta ghi nhận 5.376 ca mắc Covid-19, trong đó 2.674 ca ngoài cộng đồng; thêm 28.859 bệnh nhân khỏi bệnh. Về chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức (TP Hà Nội), đến nay đã có 32 ca mắc tại 5 tỉnh, thành.
Chỉ số 4: 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn (xã) có ôxy y tế và 100% quận, huyện, thị xã, thành phố (huyện) có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng.
Chỉ số 5: Tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin cho người từ 50 tuổi trở lên theo lộ trình (tối thiểu 80% người trên 65 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin áp dụng trong tháng 10-2021; tối thiểu 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin áp dụng từ tháng 11-2021).
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, thích ứng an toàn có nghĩa là chúng ta không theo đuổi mục tiêu không có ca mắc Covid-19 mà là chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng, song phải bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân. Tuy vậy, cần duy trì và tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn. Các trường hợp mắc trong cộng đồng vẫn cần phát hiện sớm, khoanh vùng ở phạm vi hẹp nhất có thể, cách ly, điều trị kịp thời; các trường hợp F1 vẫn cần được cách ly phù hợp để ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Cùng với đó, người dân vẫn cần tuân thủ nguyên tắc 5K.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng để đánh giá việc kiểm soát tình hình dịch, chúng ta có thể tính toán số ca mắc trên 100.000 dân/tuần dựa trên thực tế ở từng địa phương.
Để đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần bao phủ ít nhất 70% dân số tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Đặc biệt, cần ưu tiên những người dễ bị tổn thương như người già, người có bệnh nền. Khi bảo đảm được nguồn vắc-xin thì cần sớm tiêm chủng cho trẻ em.
Khó đạt chỉ số tiêm vắc-xin
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho hay Cần Thơ cũng như các tỉnh miền Tây có nhiều chỉ số đạt nhưng chỉ số tiêm vắc-xin rất khó vì chưa được phân bổ nhiều.
Tại TP Cần Thơ, tỉ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên chỉ đạt khoảng 24% và người tiêm mũi 2 gần 6%, các tỉnh khác còn thấp hơn. "Để đạt được cấp độ 1 (bình thường mới) hoặc cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) như hướng dẫn thì đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vắc-xin. Ngoài ra, để phục hồi sản xuất, Cần Thơ cũng cần thêm vắc-xin để tiêm cho tiểu thương, người làm trong siêu thị, cửa hàng tiện ích, công nhân" - ông Hiển đề xuất.
Góp ý dự thảo, UBND TP HCM đã đề nghị điều chỉnh một số nội dung. Trong đó, đối với chỉ số về 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ liều vắc-xin, cần điều chỉnh thành ít nhất 80% người trên 65 tuổi hoặc 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin. TP HCM cũng đề nghị thống kê người mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh có kháng thể và sinh miễn dịch trong vòng 6 tháng vào số lượng người được tiêm đủ vắc-xin.
Với chỉ số về ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần để phân loại vùng dịch, TP HCM nhận định chỉ số này rất phù hợp với các địa phương mà dịch chưa bùng phát nhưng khó đạt với những địa phương dịch đã thâm nhập cộng đồng. Vì vậy, TP HCM đề xuất thay thế chỉ tiêu này bằng số trường hợp nặng và tử vong/100.000 dân/tuần.
Về chỉ số tỉ lệ tiêm vắc-xin, UBND TP HCM kiến nghị 2 phương án. Phương án 1: Bổ sung mốc 95% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin. Địa phương đạt tỉ lệ này có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp nới lỏng hoạt động kinh tế - xã hội ở 1 cấp thấp hơn. Nếu địa phương không đạt 80% người trên 50 tuổi tiêm đủ mũi vắc-xin thì phải nâng 1 cấp độ dịch trong trường hợp Bộ Y tế cấp đủ vắc-xin nhưng địa phương không bảo đảm tiến độ tiêm. Phương án 2: Giữ tỉ lệ tiêm chủng như dự thảo của Bộ Y tế nhưng chỉ số bắt buộc áp dụng cho ít nhất 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ vắc-xin, nếu chỉ số này không đạt thì phải nâng lên 1 cấp độ dịch khi Bộ Y tế cấp đủ vắc-xin nhưng địa phương không bảo đảm tiến độ.
Ngoài ra, TP HCM còn đề nghị định nghĩa ca mắc mới là ca phát hiện qua xét nghiệm PCR, được tính hằng tuần bằng số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân (không tính trong cơ sở cách ly tập trung); lấy tỉ lệ trung bình của 2 tuần liên tiếp để quyết định chuyển mức độ nguy cơ...
Kiểm tra hiệu quả tiêm chủng
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, không được chủ quan mà phải tầm soát diện rộng để kiểm tra lại hiệu quả việc tiêm chủng vắc-xin. Bộ Y tế đề nghị nếu đã tiêm 2 mũi vắc-xin thì không cần kiểm tra lại, nhà máy, xí nghiệp chỉ kiểm tra 5% là quá ít.
"Chúng tôi đề nghị phải thường xuyên tầm soát theo hướng đã tiêm 2 mũi vắc-xin thì 10 ngày/lần, 1 mũi thì 5 ngày/lần, chưa tiêm mũi nào thì 7 ngày/2 lần. Khánh Hòa cơ bản đã phủ vắc-xin nhưng vẫn chủ trương phải kiểm soát chặt ở nhà máy, xí nghiệp. Nếu cho học sinh đi học trở lại cũng phải kiểm tra Covid-19, sau đó tầm soát 5%/lớp" - ông Tuân nói.
Bình luận (0)