Theo thống kê, đến cuối tháng 5, tại TP HCM có 143 vị trí rào chắn thi công trên 55 tuyến đường, tăng 6 vị trí so với tháng trước. Trong đó, quận 8 hiện nay như một "đại công trường" bởi nhiều dự án đang được triển khai. Trên nhiều tuyến đường tại khu vực này, "lô cốt" dày đặc, ngoài gây ám ảnh kẹt xe còn tiềm ẩn mối nguy vì không ít rào chắn móp méo, xiêu vẹo như chực đổ ập xuống đường, nhất là khi mưa gió. Tình trạng trên cộng với hiểm họa từ những nắp hố ga biến dạng, trồi lên lõm xuống khiến người đi đường bất an.
“Lô cốt” trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8) án ngữ nhiều tháng nay, không chỉ gây kẹt xe triền miên mà còn khiến người đi đường bất an khi mùa mưa giông đang diễn biến phức tạp
Gieo rắc nỗi lo sợ
Chiều 6-6, hàng ngàn phương tiện phải nhích từng chút trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8) do nhiều đoạn "lô cốt" chiếm hơn nửa mặt đường. Khu vực dưới gầm cầu Chánh Hưng, dòng xe ken kín nhúc nhích qua "lô cốt" nằm án ngữ. Vừa đổ mồ hôi kèn cựa từng chút khỏi đoạn này, nhiều người lại tiếp tục mắc kẹt khi di chuyển tới giao lộ Phạm Thế Hiển - Cao Lỗ bởi một đoạn "lô cốt" khác dựng tại đây. Tại vị trí rào chắn, chỉ cần một ôtô lưu thông qua là dòng xe máy phía sau bị ùn. Căng thẳng hơn, tại giao lộ Phạm Thế Hiển - Dạ Nam, từ gần 1 năm nay "lô cốt" cũng gây ám ảnh cho người đi đường mỗi khi phải lưu thông qua. Cách đó không xa, đường Cao Lỗ, "lô cốt" cũng bầy hầy gây bức xúc. "Trời nắng bụi mù mịt, còn mưa thì kẹt xe hàng giờ. Chưa kể những khi mưa gió, khi lưu thông qua "lô cốt" tôi lại phập phồng lo sợ vì có thể bị đổ ập vào người bất cứ lúc nào" - bà Nguyễn Thị Lan (56 tuổi), ngụ đường Phạm Thế Hiển, bức xúc.
Theo ghi nhận, rào chắn tại những khu vực trên thuộc công trình thi công gói thầu G - dự án Cải thiện môi trường nước (giai đoạn 2) lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi - Kênh Tẻ. Một nhân viên bảo vệ và đồng thời làm nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại vị trí rào chắn qua giao lộ Phạm Thế Hiển - Cao Lỗ cho biết đoạn này đã thi công nhiều tháng nay, không biết bao giờ mới có thể hoàn thành và dỡ bỏ "lô cốt". "Nhiều người đi đường bức xúc rồi phản ứng nhưng tôi cũng đành chịu. Vì được phân công hướng dẫn, phân làn giao thông nên tôi bị nghe mắng thường xuyên" - người đàn ông bảo vệ nói.
Cũng ám ảnh không kém về tình trạng kẹt xe, tai nạn do "lô cốt" là tại cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 và quận 7), khi gần 1 năm nay đang thực hiện công trình mở rộng. Còn tại đường Võ Văn Kiệt, "lô cốt" cũng đang mọc dày đặc phía kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.
Chưa hết, mùa mưa năm nay, người dân TP tiếp tục đối diện nỗi bất an với nắp hố ga. Từ ngoại thành đến nội đô, vô số nắp hố ga trồi lên lõm xuống, cong vênh..., chực chờ gây họa. Trên đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, chỉ đoạn ngắn từ giao lộ với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến Nguyễn Gia Trí (D2 cũ), hàng loạt nắp hố ga như những "ổ gà" giữa đường. "Nhiều nắp hố ga chỉ là những tấm sắt không còn ma sát và lại tạo gờ thấp hơn mặt đường từ 3-5 cm, cong vênh, chạy xe máy qua mà không vững tay lái là gặp họa tức thì" - ông Lê Văn Năm (ngụ phường 26, quận Bình Thạnh) nói và cho biết ông đã chứng kiến không ít người bị trượt ngã khi trời mưa. Điều đáng nói, thực tế trên dù đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn không được khắc phục.
Tại khu trung tâm, số nắp hố ga vênh hẳn so với mặt đường cũng không hiếm. Chẳng hạn, trên các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn gần giao lộ với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm; đường Tôn Đức Thắng, đoạn trước công viên Bạch Đằng (quận 1); đường Võ Văn Kiệt (chạy dọc theo hướng từ khu trung tâm về phía huyện Bình Chánh); Dương Bá Trạc (quận 8)..., nhiều nắp hố ga trồi lên hoặc võng xuống 3-5 cm so với mặt đường. Hầu hết phương tiện đều phải né dạt, trong khi không ít người thắng gấp, suýt trượt ngã khi bất ngờ chạy qua miệng hố.
Nắp hố ga trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) gần như không còn ma sát, võng xuống gần 5 cm so với mặt đường tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn
Xử nặng và truy trách nhiệm
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho hay đã có văn bản yêu cầu quy rõ trách nhiệm đối với các chủ đầu tư thi công công trình không sửa chữa, khắc phục những nắp hố ga mất an toàn. Ngoài việc yêu cầu khẩn trương khắc phục và chịu trách nhiệm nếu xảy ra tai nạn, đối với các trường hợp không phối hợp nâng cấp thì công trình sẽ không được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng yêu cầu nếu không khắc phục, các đơn vị kiểm tra có thể đề xuất không cấp phép thi công đối với các chủ đầu tư vi phạm.
Liên quan đến "lô cốt" bầy hầy, Thanh tra Sở GTVT TP thông tin chỉ thống kê trong tháng 5, đơn vị này đã phát hiện và xử lý 63 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt 293 triệu đồng. Trong đó chủ yếu là các lỗi như thi công trong phạm vi dành cho đường bộ không đúng giấy phép, không treo biển báo ở công trình, không bố trí người hướng dẫn, để vật liệu tràn khỏi công trình... Hiện đơn vị này đang triển khai các đoàn kiểm tra hiện trường đối với các công trình, dự án trọng điểm đang thi công trên địa bàn như vệ sinh môi trường, hệ thống biển báo, rào chắn, công tác tái lập...
Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP đã yêu cầu các đơn vị tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm hành chính tại các công trình có rào chắn thi công. Áp dụng hình thức xử phạt nặng để răn đe các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát thường xuyên để xảy ra sai phạm và tái phạm, từ đó kịp thời thu hồi giấy phép thi công đối với các chủ đầu tư vi phạm.
Bài học nhãn tiền
Tại TP HCM từng xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến nắp hố ga ở các công trình không bảo đảm an toàn. Điển hình nhất là vụ việc xảy ra hồi tháng 10-2016, khi hố ga ở công trình trên đường Kinh Dương Vương (đoạn Bến xe Miền Tây, quận Bình Tân) không được rào chắn, làm một người đàn ông bị vấp ngã, lọt hố, dẫn đến tử vong.
Riêng đối với "lô cốt" không bảo đảm an toàn, vào tháng 5-2017, tại một công trình thi công trên Quốc lộ 1 (quận 12), vật liệu bên trong tràn ra, làm bật 3 tấm rào chắn đè trúng 2 xe máy khiến 2 người chấn thương nặng.
Bình luận (0)