Qua thực tế, phóng viên ghi nhận đoạn kênh dài khoảng 2 km chảy từ Quốc lộ 1 đi qua địa phận thôn An Dưỡng về thôn An Thái (xã Bình An) có đến hàng chục xác heo thối. Xác những con heo to nhỏ đủ loại từ vài cân đến gần cả tạ trôi nổi khắp nơi. Xác heo đã phân hủy còn trơ bộ xương, ruồi nhặng bu đầy, mùi hôi thối lan cả vùng.
Gặp người dân địa phương đi làm đồng, ai cũng biết vị trí có xác heo thối và nói rằng tình trạng xác heo trôi nổi đầy kênh xảy ra gần nửa tháng qua. Theo quan sát của phóng viên, nơi gần nhất có xác heo thối cách trụ sở UBND xã Bình An khoảng 500 m, vị trí xa nhất tầm 2 km. Tuy vậy, trong sáng 15-7, phóng viên gọi vào số điện thoại của ông Lê Hồng Thiết, Chủ tịch UBND xã Bình An, thì ông Thiết nói rằng chưa hề nghe ai phản ánh.
Trong sáng 15-7, ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, cho biết đang đi chỉ đạo dập dịch ở các xã vùng Đông của huyện. Hiện các xã vùng Đông trong huyện heo chết rất nhiều, trong sáng cùng ngày, huyện đang tổ chức chôn mấy tấn heo chết ở các xã Bình Hải và Bình Đào. Ông Hương cho hay đến thời điểm này có đến 21/22 xã trên địa bàn huyện có dịch tả heo châu Phi. Sau khi nghe phóng viên phản ánh tình trạng ở xã Bình An, ông Hương cho biết sẽ đến kiểm tra ngay.
Heo bệnh bị vứt ở dòng kênh sát Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận xã Bình An (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)
Một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam nói trong các địa phương thì Thăng Bình là địa phương yếu nhất trong việc phòng chống dịch tả heo châu Phi. Tại hội nghị Tỉnh ủy mới đây, lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam đã yêu cầu Bí thư Huyện ủy Thăng Bình báo cáo công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Tuần trước, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ký công điện gửi Huyện ủy, UBND huyện Thăng Bình về việc nêu cao trách nhiệm, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả heo châu Phi.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ tháng 5-2019. Đến nay, bệnh đã xảy ra tại 14 trong tổng số 18 huyện, thị xã, TP ở tỉnh này. Tính đến ngày 9-7, số lượng heo buộc phải tiêu hủy là 12.000 con, trọng lượng heo tiêu hủy tương đương 585 tấn. Ngân sách tỉnh Quảng Nam phải chi cho công tác chống dịch tả heo châu Phi hơn 24,2 tỉ đồng (chưa tính ngân sách cấp huyện, xã và kinh phí người chăn nuôi).
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cũng nêu ra thực tế, tại huyện Thăng Bình, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi không theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên không phát huy hiệu quả của việc sử dụng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh.
Bình luận (0)