Đến chiều 12-8, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 2 du khách bị đuối nước tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Sự việc xảy ra hôm 10-8, nhiều khách trong đoàn hơn 300 người của Công ty TNHH Srithai ở Bình Dương đến resort Đất Lành (xã Tân Tiến, thị xã La Gi) xuống tắm biển. Sóng lớn đã cuốn nhiều người ra xa. Lực lượng cứu hộ chỉ cứu được một số du khách, 5 du khách và 1 nhân viên bảo vệ của resort tử vong.
Khó tuyển nhân viên cứu hộ
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã ra công văn khẩn về việc tăng cường công tác quản lý phòng chống đuối nước, đặc biệt ở khu vực bờ biển. Sở đề nghị các địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch, các ban quản lý (BQL) khu du lịch rà soát, tiếp tục tăng cường trang thiết bị, phương tiện để thay thế và bổ sung kịp thời; tăng cường nhân viên cứu hộ nhằm ứng cứu kịp thời khi xảy ra đuối nước.
Trước đó, đại diện lãnh đạo resort Đất Lành cho biết 5 thành viên đội cứu hộ, cứu nạn của resort đã cảnh báo biển động, không nên tắm nhưng du khách vẫn xuống tắm và xảy ra chuyện đau lòng.
Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, khẳng định hiện nay, tại các resort của tỉnh đều có các đội cứu hộ, cứu nạn bãi biển. Tùy theo quy mô mỗi resort, thành viên đội cứu nạn, cứu hộ từ 2-5 người, hầu hết là người dân địa phương, có kỹ năng bơi khá tốt. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, các nhân viên cứu hộ đều không được trang bị các phương tiện cứu hộ như ca-nô mà khi có tình huống xấu xảy ra, chỉ cứu hộ bằng kinh nghiệm, sức lực. Vì thế, chính nhân viên cứu hộ cũng tử nạn như trong vụ đuối nước ở thị xã La Gi.
Tại các khu du lịch, nhân viên cứu hộ còn phải kiêm nhiều nhiệm vụ khác. Chẳng hạn đội bảo vệ cứu hộ BQL Khu Du lịch Đồi Dương - Tiến Thành (TP Phan Thiết) có 5 thành viên, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự vừa làm công tác cứu nạn, cứu hộ bãi biển. Tuy nhiên, mức lương của họ rất thấp. Ông Nguyễn Văn Quang, Đội phó Đội Bảo vệ cứu hộ BQL Khu Du lịch Đồi Dương - Tiến Thành, cho biết cộng tất cả các khoản thu nhập chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng.
"Mức thu nhập thấp nên dù đội bảo vệ cứu hộ được giao định biên tuyển 12 người nhưng chỉ có 5 người, tuyển người không có, hầu hết làm một thời gian rồi xin nghỉ" - ông Quang nói.
BQL Khu Du lịch Hàm Tiến - Mũi Né hiện có 15 người làm nhiệm vụ quản lý, cứu nạn, cứu hộ khu vực bờ biển dài hơn 20 km. Ông Huỳnh Kim Trúc, phó giám đốc đơn vị, khẳng định lực lượng nơi đây khá mỏng trong khi công việc lại quá nhiều.
"Chính vì thiếu người nên tại các bãi tắm công cộng trên địa bàn Hàm Tiến - Mũi Né không có nhân viên cứu hộ túc trực xuyên suốt. Các đội cứu nạn, cứu hộ cũng không được trang bị các phương tiện cứu hộ đặc thù" - ông Trúc nói.
Một nhân viên cứu hộ bao quát 700 m bờ biển
Nha Trang (Khánh Hòa) là TP du lịch với mỗi ngày có trên 10.000 người tắm biển. Thế nhưng, đội cứu hộ bờ biển TP này chỉ có 38 người và cũng chỉ theo dõi, cứu hộ ở 2 bãi tắm chính gồm khu vực trung tâm từ cầu Trần Phú đến Công viên Thanh Niên dọc đường Trần Phú và khu vực Hòn Chồng đến Ba Làng dọc đường Phạm Văn Đồng với tổng chiều dài khoảng 10 km.
"Bạn bè rủ du lịch Nha Trang dịp hè chủ yếu là tắm biển nhưng gần đây nghe nhiều vụ chết đuối cũng cảm thấy sợ" - chị Hà Thu Hồng, một du khách đến từ Hà Nội, nói.
Thống kê năm 2018 cho thấy lực lượng cứu hộ bờ biển Nha Trang đã cứu được gần 60 trường hợp đuối nước nhưng cũng không tránh khỏi nhiều trường hợp đau lòng xảy ra. Đơn cử vào tháng 2-2019, tại khu vực biển phường Vĩnh Hải, phía Bắc TP Nha Trang, 2 du khách Nga tử vong vì bị sóng cuốn ra xa.
Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng BQL vịnh Nha Trang, khẳng định lực lượng cứu hộ dọc các bãi biển đang thiếu về nhân sự và phương tiện ứng cứu. Toàn lực lượng được trang bị 2 môtô nước còn các cứu hộ viên được trang bị ván bơi. "Mỗi nhân viên cứu hộ phải bao quát từ 500-700 m bờ biển nên rất khó phát hiện, ứng cứu" - ông Thái nói.
Thế nhưng, theo ông Thái, không thể nâng số lượng nhân viên cứu hộ vì không biết lấy nguồn đâu để chi trả. "Để duy trì lực lượng 38 người này, chúng tôi đã hết sức cố gắng vì thu nhập không ổn định, công việc đòi hỏi sức khỏe, kỹ năng cứu hộ cứu nạn nên nhân sự biến động liên tục" - ông Thái nói.
Để hạn chế những trường hợp đuối nước đau lòng khi tắm biển ở Nha Trang trong tình hình nhân viên cứu hộ không phủ khắp, ông Thái đề xuất hình thành các bãi tắm an toàn. Theo đó, mỗi bãi tắm an toàn rộng khoảng 200 m2, chiều bơi xa khoảng 100 m với các phương tiện nhận biết như: hệ thống phao an toàn, cờ hiệu, bảng báo, áo phao miễn phí. Khi người dân, du khách bị sóng cuốn ra xa, có thể bám vào hệ thống phao an toàn để bơi vào bờ hoặc chờ lực lượng cứu hộ cứu nạn ứng cứu. Tuy nhiên, thực tế không phải du khách nào cũng muốn vào bãi tắm an toàn vì rất đông đúc.
Lấy thu bù chi
Chiều 12-8, ông Võ Ngọc Kha - Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - cho hay đã ký đề xuất thành lập lại Trung tâm Cứu hộ TP Tuy Hòa. Trung tâm gồm 22 người, chia làm 5 đội, hoạt động theo hình thức tự chủ tài chính, lấy thu bù chi. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trung tâm này là cứu hộ ở khu vực bãi biển. "Cứu hộ ở bãi biển trước mắt chỉ mới thực hiện ở phía Bắc TP, sắp tới phải xem xét để tăng cường cứu hộ ở các bãi biển phía Nam. TP cũng phải tìm cách hỗ trợ thêm cho trung tâm này chứ cứu hộ ở bãi biển có gì để thu mà trả lương cho nhân viên" - ông Kha nói.
Trước đó, từ ngày 15-3, đội cứu hộ bờ biển TP Tuy Hòa đã phải giải tán vì thực hiện tinh giản biên chế, chấm dứt các hợp đồng lao động ngoài biên chế.
H.Ánh
Bình luận (0)