Ngày 16-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) báo cáo công tác hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ dân bị sạt lở do lũ quét và sạt lở đất. Theo đó, số đối tượng mất nhà cửa và hiện phải ở lều bạt hoặc ở nhờ là khoảng 6.000 hộ.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chức năng tiếp tục rà soát cụ thể số hộ dân mất nhà ở do lũ quét, sạt lở để có những hỗ trợ trên tinh thần đúng đối tượng, bảo đảm kịp thời. Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về vấn đề này và trực tiếp Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành sẽ làm việc với các địa phương để giải quyết.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó tại tỉnh Thanh Hóa; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường kiểm tra, chỉ đạo tại các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết tỉnh này đã kêu gọi tất cả tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn trước khi bão đổ bộ. Thanh Hóa cũng sẵn sàng phương án sơ tán 8.061 người tại khu vực ven biển và 7.200 người tại các khu vực sạt lở nguy hiểm. Trong ngày, hồ chứa nước Cửa Đạt đã mở tất cả 5 cửa xả lũ với lưu lượng 1.000 m3/giây. Đây là hồ chứa lớn nhất Thanh Hóa với dung tích thiết kế 1,4 tỉ m3 nước. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp chính quyền tuyệt đối không chủ quan; chủ động sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm, cần thiết thì kiên quyết cưỡng chế người dân ra khỏi những khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo ứng phó bão tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: XUÂN TUYẾN
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm 16-8, bão số 4 với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh, thành từ Hải Phòng đến Nghệ An, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Từ nay đến ngày 18-8, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, trọng tâm ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Riêng Hòa Bình và Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (400-500 mm/đợt); Hà Nội có mưa rất to, lượng mưa phổ biến 200-300 mm/đợt. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuất hiện đợt lũ và đỉnh lũ trên các sông, riêng sông Bưởi lên mức báo động III và trên báo động III.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã bị ảnh hưởng, thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, khu vực sạt lở, ngập lụt; bảo đảm an toàn hệ thống đê tả Bùi, tả Tích. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, trường học trên địa bàn không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày mưa bão.
Đến 18 giờ cùng ngày, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định đã di dời 3.301 người trên đất liền và 14.036 người sinh sống, làm việc trên các lồng bè, lều, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Các tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã cấm biển.
Kon Tum: Di dời khẩn cấp 70 hộ dân
Đến chiều 16-8, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã khẩn cấp di dời được 70 hộ dân trong vùng sạt lở đến các trường học, nhà dân trong vùng an toàn. Những ngày qua tại huyện Tu Mơ Rông liên tục mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi, nhiều thôn làng tại các xã Tu Mơ Rông và Xê Tăng có nguy cơ sạt lở. Mưa lớn làm xói lở, hư hỏng nhiều cầu treo, đập đầu mối, nhà cửa và trường học. Đặc biệt, Quốc lộ 40B đoạn qua huyện Tu Mơ Rông sạt lở nhiều điểm, hàng chục ngàn mét khối đất đá đổ xuống đường gây ách tắc.
H.THANH
Bình luận (0)