PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện (BV) K trung ương, cho biết thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2017, BV đã thay đổi giờ khám để phục vụ người bệnh tốt hơn. Thay vì 7 giờ 30 phút mới làm việc thì giờ đón tiếp người bệnh sẽ được bắt đầu từ 5 giờ 30 phút và đúng 6 giờ, các phòng khám bắt đầu khám bệnh.
"Tự chủ tài chính buộc các BV phải thay đổi. Khi được trao quyền tự chủ, BV hoàn toàn không có nguồn cung cấp tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc thu hút người dân đến khám chữa bệnh là điều quan trọng" - ông Thuấn nói.
Tự chủ để tăng sự cạnh tranh
Ông Thuấn cho biết thời gian qua, với khẩu hiệu "Trao hy vọng - Nhận niềm tin" BV đã quyết liệt thực hiện "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh" và "Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" bằng nhiều giải pháp. Không chỉ nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, đổi mới quy trình tiếp đón, hướng dẫn người bệnh, BV còn đa dạng hóa loại hình dịch vụ để thu hút người bệnh, trong đó tập trung phát triển những khu khám theo yêu cầu, chất lượng cao. "BV coi người bệnh là khách hàng, phải làm hài lòng khách hàng vì chính họ sẽ là người nuôi BV" - ông Thuấn nhấn nhạnh.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), đánh giá điểm được nhất khi thực hiện tự chủ tài chính là tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế về chuyên môn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ y tế... Đến nay, 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ. Nhiều BV đã vay vốn ngân hàng để đầu tư như: Đại học Y dược TP HCM, Viện Huyết học truyền máu trung ương, Nội tiết Trung ương, Việt Đức, Trung ương Huế...
Thống kê đến đầu năm 2019, cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm 7,6% tổng số đơn vị sự nghiệp. Gần 1.400 đơn vị tự chủ được 80%-90% chi thường xuyên.
Theo ông Liên, chưa có thống kê đầy đủ tại các BV của cả nước nhưng tại 55 tỉnh/thành phố, ghi nhận so với ngân sách cấp cho các BV năm 2016, năm 2017 giảm khoảng 5.738,7 tỉ đồng, năm 2018 giảm thêm 3.208 tỉ đồng. Các tỉnh, thành phố có số giảm nhiều như TP HCM giảm 1.320 tỉ đồng, TP Hà Nội giảm 520 tỉ đồng, Thái Nguyên khoảng 340 tỉ đồng, Nghệ An 330 tỉ đồng, Hà Tĩnh 200 tỉ đồng, Bình Định 300 tỉ đồng...
"Đối với 24 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế quản lý, nhờ tự chủ toàn bộ thường xuyên đã giảm hơn 25.000 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương ứng gần 1.250 tỉ đồng. Giảm cấp ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng/năm để chuyển sang mua và hỗ trợ mua thẻ BHYT" - ông Liên thông tin.
Thực hiện tự chủ tài chính một phần, Bệnh viện K trung ương đã đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ người bệnh
Quản tự chủ để tránh lạm thu
Về việc giao quyền tự chủ hoàn toàn cho BV, không ít chuyên gia y tế cho rằng khi BV hoạt động như mô hình doanh nghiệp, cần được giám sát, đánh giá bởi một đơn vị độc lập để bảo đảm khách quan, minh bạch và không xảy ra tình trạng lạm thu.
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng, lo ngại việc tự chủ hoàn toàn đối với các bệnh viện đầu ngành có thể sẽ dẫn đến độc quyền hoàn toàn về tiếng nói chuyên môn. Bên cạnh đó, các BV rất dễ chạy theo phát triển dịch vụ điều trị, xét nghiệm, trang thiết bị... nhằm "thu hồi vốn" nhanh. Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng xét nghiệm hoặc cứ chuyển viện lại phải làm xét nghiệm từ đầu.
Theo ông Tuấn, đang thiếu nhiều chính sách để "quản" tự chủ. Điều này có thể đẩy người bệnh vào tình thế "thiệt đơn thiệt kép". Bởi khi liên doanh liên kết, giá thiết bị, máy móc có thể bị đẩy cao lên so với thực tế, trong khi quy định của luật pháp chưa có giám sát độc lập.
"Đơn cử chỉ là việc sinh mổ hay sinh thường. Trên thế giới tỉ lệ mổ đẻ chỉ 10%-20%, kể cả các nước phát triển nhưng ở Việt Nam tỉ lệ này tới 70%- 80%. Việc chỉ định mổ đẻ tràn lan có phải vì viện phí đẻ mổ cao hơn đẻ thường rất nhiều?" - ông Tuấn băn khoăn.
Ông Tuấn cho rằng khi thực hiện thí điểm tự chủ tài chính, Bộ Y tế nên giao một cơ sở giám sát, đánh giá độc lập chứ không thể tự thí điểm, tự đánh giá. Giám sát, đánh giá độc lập để xem xét có hay không tình trạng lẫn lộn công tư và sự tư lợi, vì những BV này vẫn đang là BV công.
Đánh giá việc trao quyền tự chủ cho các BV là một "cuộc cách mạng", đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ quan điểm: "Mọi người thường lo ngại vấn đề tài chính, BV sẽ tận thu người bệnh rồi lạm dụng xét nghiệm nhưng thực tế lâu nay, chi phí khám chữa bệnh ở những BV này không hề rẻ. Hơn nữa, tự chủ ở đây chỉ là nhà nước không chi lương còn BV vẫn phải hoạt động theo các nguyên tắc đấu thầu thuốc, trang thiết bị, thậm chí tổ chức nhân sự cũng phải có chỉ tiêu".
Thí điểm tại 4 BV tuyến trung ương
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa thông qua Nghị quyết "Về thí điểm tự chủ của 4 BV thuộc Bộ Y tế". Theo đó, các BV Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, K trung ương được thí điểm cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện. Mục tiêu kỳ vọng là 4 BV này phát huy tính chủ động sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh.
Bình luận (0)