Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an tại Kết luận kiểm tra việc thực hiện chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an vừa có văn bản gửi lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT đề nghị cung cấp một số tài liệu.
Băn khoăn việc thi thử
Theo đại tá Nguyễn Bạch Đằng, Phó Cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ GD-ĐT cần cung cấp các tổ hợp câu hỏi trắc nghiệm đã sử dụng để thi thử tại các tỉnh, thành phố trong các năm 2017, 2018 để đánh giá nguy cơ lộ, lọt bí mật nhà nước; cũng như tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho các kỳ thi THPT quốc gia trong thời gian tới.
Thực tế, quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT ban hành hồi tháng 4-2018 khiến không ít chuyên gia giáo dục lo lắng. Theo quy trình này, các câu hỏi sau khi được thẩm định sẽ được thử nghiệm, bảo đảm mỗi câu phải có tối thiểu 50 lượt học sinh làm thử. Các câu hỏi sau đó tiếp tục được chỉnh sửa và lại thử nghiệm một lần nữa - ít nhất 50 lượt học sinh sẽ làm thử các câu hỏi này. Sau khi hoàn thiện, các câu hỏi được rà soát, lựa chọn để đưa vào ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
"Nếu đưa đề thi cho học sinh làm thử thì liệu Bộ GD-ĐT đã có quy trình bảo mật hay chưa? Liệu với hàng ngàn câu hỏi, mỗi câu lại có ít nhất 50 lượt học sinh làm thử, Bộ GD-ĐT có bảo đảm nội dung các câu hỏi đang được hoàn thiện này không lọt ra ngoài?" - một chuyên gia của ĐHQG Hà Nội băn khoăn.
Thí sinh tại TP HCM ký biên bản xác nhận đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia còn niêm phong Ảnh: TẤN THẠNH
Công bằng, khách quan?
Trả lời Cục An ninh Chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho hay một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm tính công bằng, khách quan trong công tác tổ chức thi ngay tại địa phương là tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm, với yêu cầu xây dựng cho mỗi thí sinh trong phòng thi 1 mã đề thi riêng, bảo đảm sự cân bằng về độ khó giữa các mã đề thi.
Để đáp ứng yêu cầu này, Bộ GD-ĐT đã triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa làm cơ sở cho hội đồng ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia tham khảo khi ra đề thi. Ngân hàng câu hỏi này được xây dựng theo đúng khoa học về đo lường, đánh giá hiện đại trong giáo dục với quy trình chặt chẽ gồm 9 bước, được nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến áp dụng.
"Theo quy trình này, các câu hỏi thi sau khi biên soạn, biên tập phải được thử nghiệm, chỉnh sửa nhiều lần mới được lựa chọn, tinh chỉnh đưa vào ngân hàng câu hỏi thi để làm tư liệu tham khảo cho việc ra đề thi của kỳ thi. Các câu hỏi thi thuộc ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được các tổ của hội đồng ra đề thi khai thác tại khu vực cách ly qua các bước thẩm định, lựa chọn, biên tập, tinh chỉnh, phản biện nhiều lần để hình thành đề thi chính thức và dự bị cho kỳ thi" - ông Trinh cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, vì ý thức rõ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa là tài liệu tham khảo để ra đề thi tuy không nằm trong phạm vi tài liệu phải "giữ bí mật tuyệt đối" nhưng quy trình xây dựng cần phải được thực hiện nghiêm ngặt nên cục đã xây dựng quy định bảo mật, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Khảo thí quốc gia quán triệt áp dụng ngay trong từng công đoạn của quy trình 9 bước. "Quy định bảo mật nội bộ này được quán triệt đến toàn bộ cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm Khảo thí quốc gia làm công tác điều phối, tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và các cán bộ, chuyên gia tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa" - ông Trinh cho hay.
Nói thêm về việc thử nghiệm câu hỏi thi được tổ chức tại một số trường THPT, ông Trinh cho biết các trường này được lựa chọn ngẫu nhiên mang tính đại diện cho các vùng miền, điều kiện và loại hình giáo dục khác nhau. Quy trình thử nghiệm tương tự tổ chức thi chính thức.
"Do quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa này mới được triển khai ở Việt Nam từ năm 2017 nên đã dẫn đến những cách hiểu chưa thật chính xác trong dư luận" - ông Trinh nhấn mạnh. Theo ông, các câu hỏi trong quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa tuy không phải đề thi thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước độ tối mật trong ngành giáo dục nhưng được bảo mật trong toàn bộ quy trình xây dựng, khai thác, sử dụng theo quy định bảo mật nội bộ.
Hôm nay, khai mạc "Đưa trường học đến thí sinh 2019" tại Bạc Liêu
Sáng nay (9-3), tại Trường THPT chuyên Bạc Liêu (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 18 - năm 2019 do Báo Người Lao Động phối hợp với Sở Giáo dục Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, Tỉnh đoàn Bạc Liêu cùng các trường ĐH, CĐ, trường THPT và các đơn vị đồng hành - tài trợ tổ chức sẽ chính thức khai mạc. Chương trình quy tụ hơn 2.000 học sinh lớp 12 của tỉnh Bạc Liêu và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bạc Liêu. Tại đây, đại diện các trường ĐH, CĐ, các chuyên gia hướng nghiệp, tuyển sinh sẽ tư vấn toàn diện, chính xác nhất cho học sinh về tuyển sinh năm 2019, bao gồm các vấn đề về quy chế thi, đề thi, cách thức chọn nghề, chọn trường và triển vọng việc làm những ngành nghề mà học sinh quan tâm. Học sinh tham dự cũng được tư vấn sâu sát nhất về việc chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân.
Ngoài phần tư vấn chung, sẽ có những phần tư vấn riêng đến từ đại diện các trường để học sinh có nhu cầu được tìm hiểu một cách kỹ lưỡng nhất. Chương trình cũng tường thuật trực tuyến tại địa chỉ: nld.com.vn và fanpage Đưa trường học đến thí sinh từ 8 giờ cùng ngày.
Đ.Trinh
Bình luận (0)