xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Loại bỏ hành vi hung hăng trên biển Đông

HOÀNG VIỆT

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cùng các nước Nhật, Mỹ, Ấn Độ, New Zealand... khẳng định cam kết duy trì hòa bình, bảo vệ tự do hàng hải ở biển Đông, bác bỏ và loại bỏ mọi hành vi hung hăng trong khu vực

Thời gian vừa qua, biển Đông vẫn là tâm điểm trong các hoạt động quan hệ quốc tế. Đặc biệt, vấn đề biển Đông đang được đặt lên bàn nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần 54 (AMM-54), cùng những tuyên bố quan trọng của các nước.

Bác bỏ "đường lưỡi bò" phi pháp

Trong khuôn khổ AMM-54, chiều 3-8, diễn ra Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Nhật Bản. Trong hội nghị này, Ngoại trưởng Nhật Bản và các thành viên ASEAN đã nhất trí về tầm quan trọng của tự do hàng hải ở biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc diễn ra sáng cùng ngày, các bộ trưởng khẳng định duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có biển Đông là quan tâm và lợi ích chung của cả ASEAN và Trung Quốc; hoan nghênh các nỗ lực sớm nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC).

Còn tại hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ sáng 4-8, trước tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thách thức mới, ASEAN và Mỹ khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông.

Đáng chú ý là trong thời gian diễn ra AMM-54, ngày 3-8, Phái đoàn Thường trực New Zealand tại Liên Hiệp Quốc đã gửi Công hàm số 08/21/02 lên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc để khẳng định lập trường pháp lý của New Zealand về một số khía cạnh của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ngay trước hội nghị này, ngày 3-8, tại Washington - Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc họp báo cùng người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi. Hai bên đã khẳng định cam kết bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông.

Trong công hàm này có 5 nội dung đáng lưu ý. Thứ nhất là nhấn mạnh tính phổ quát và nhất quán của UNCLOS - khuôn khổ pháp lý để thực hiện tất cả các hoạt động trên biển và đại dương; việc xác lập các vùng biển do đó phải được thực hiện phù hợp với UNCLOS. Thứ hai là nhấn mạnh không có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia yêu sách "quyền lịch sử" liên quan đến các vùng biển ở biển Đông, như phán quyết Tòa Trọng tài biển Đông 2016 đã kết luận; khẳng định không có cơ sở pháp lý nào để vẽ đường cơ sở thẳng của quần đảo ở biển Đông (tức "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc), cũng như để vẽ đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo ở biển Đông.

Thứ ba là làm rõ một số nội dung liên quan đến quy chế đảo và các quy định về cấu trúc trên biển, theo đó khẳng định các cấu trúc như đá không thích hợp cho "con người đến ở hoặc bảo đảm đời sống kinh tế riêng", "các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình", các cấu trúc nửa nổi nửa chìm bên ngoài lãnh hải của một quốc gia ven biển hay các cấu trúc ngầm sẽ không được hưởng đầy đủ các vùng biển theo UNCLOS.

Thứ tư là nhấn mạnh phán quyết là cuối cùng và ràng buộc với cả hai bên. UNCLOS cũng quy định rằng sự không tham gia của một bên trong tranh chấp sẽ không cản trở tiến trình vụ kiện. Thứ năm là khẳng định UNCLOS bảo vệ tự do biển cả, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, cũng như quyền qua lại vô hại trong lãnh hải. Các quyền tự do này áp dụng với tất cả các quốc gia và các khu vực trên thế giới.

Loại bỏ hành vi hung hăng trên biển Đông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Canada, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54, vào sáng 5-8. Ảnh: TTXVN

Phản đối các yêu sách của Trung Quốc

Những tuần gần đây, biển Đông cũng trở thành điểm nóng của các hoạt động hải quân. Tuần trước, một nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh đã đi qua tuyến hàng hải rộng 3,5 triệu km2 này, trong khi một nhóm tác chiến mặt nước của Mỹ và các lực lượng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng đã thực hiện các cuộc tập trận tại đây.

Trong chuyến công du gần đây tới châu Á, trong đó có Việt Nam từ ngày 21 đến 23-7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố nước này phản đối các yêu sách của Trung Quốc dựa trên khái niệm về "Đường 9 đoạn" và "các quần đảo ngoài khơi"; đồng thời nêu rõ lập trường Anh hoàn toàn nhất trí với những nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về biển Đông năm 2016. Bộ trưởng Wallace cũng khẳng định Anh đang tăng cường sự hiện diện hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Những phát biểu của Bộ trưởng Wallace được đưa ra cùng lúc "Hạm đội tác chiến tàu sân bay" do Anh dẫn đầu đang đi qua biển Đông để tới Hàn Quốc và Nhật Bản chuẩn bị tham gia các cuộc tập trận quân sự. Báo chí Anh đã giải thích cho việc triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và hạm đội tác chiến của Anh trên biển Đông: "Cách đây 25 năm, các ngoại trưởng Đông Nam Á đã kêu gọi xây dựng một "Bộ quy tắc ứng xử" khu vực để cố gắng đưa ra các giới hạn đối với hành vi của Trung Quốc ở biển Đông. Nhưng cũng kể từ đó, Trung Quốc đã bắt đầu thể hiện những tham vọng của mình tại khu vực biển này… Đây là lý do chính tại sao Anh điều hạm đội tác chiến đi qua biển Đông: Để thể hiện tình đoàn kết với các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực đang đấu tranh để khẳng định quyền lợi của họ trước sự lấn át của Trung Quốc".

Malaysia, Singapore và Brunei cùng nhiều quốc gia khác hoan nghênh chuyến thăm của hạm đội tác chiến do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth dẫn đầu vì mối quan tâm của họ đối với vấn đề an ninh khu vực. Đe dọa lớn nhất đối với hòa bình tại khu vực biển Đông chính là thái độ và hành vi của Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 2-8 cũng thông báo rằng nước này sẽ điều lực lượng đặc nhiệm gồm 4 tàu chiến tới biển Đông trong một hoạt động triển khai kéo dài 2 tháng, trong đó bao gồm nhiều cuộc tập trận với các đối tác trong nhóm Bộ Tứ là Mỹ, Nhật Bản và Úc. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết thêm rằng trong các cuộc tập trận song phương khác cũng thuộc đợt triển khai này, các tàu chiến của Ấn Độ sẽ phối hợp với các lực lượng triển khai trên biển của các quốc gia ven biển tại khu vực biển Đông, trong đó có Singapore, Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Còn nhớ phát biểu trong một chuyến thăm Singapore vào cuối tháng 7-2021, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác được tăng cường. Bộ trưởng Lloyd Austin nói: "Tôi đặc biệt cảm thấy khích lệ khi chứng kiến những người bạn của chúng ta đang xây dựng các mối quan hệ an ninh mạnh mẽ hơn với nhau, qua đó củng cố thêm các mối quan hệ đối tác của chúng ta nhằm loại bỏ các hành vi hung hăng trong khu vực".

Tuyên bố của Ấn Độ về đợt triển khai 4 tàu chiến nói trên cũng hưởng ứng tuyên bố của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ: "Bên cạnh những chuyến cập cảng thông thường, nhóm đặc nhiệm này sẽ kết hợp hoạt động với các lực lượng hải quân nước bạn nhằm xây dựng các mối quan hệ quân sự và phát triển khả năng tương tác khi tiến hành các hoạt động hàng hải". 

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 54 và chuỗi các hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN với các đối tác như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản... là hoạt động quan trọng nhất cấp bộ trưởng của ASEAN hằng năm, được tổ chức trực tuyến từ ngày 2 đến ngày 6-8 dưới sự chủ trì của Brunei, Chủ tịch ASEAN 2021. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các hội nghị.

Cùng hành động, giải quyết các xung đột

Ngày 2-8, khinh hạm Bayern của Đức đã rời cảng Wilhelmshaven ở miền Bắc nước Đức để thực hiện hải trình kéo dài gần 7 tháng hướng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm chuyến cập cảng Việt Nam. Trong gần hai thập kỷ qua, không có một tàu chiến nào của Đức được triển khai tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì vậy, nhiều tờ báo Đức gọi đây là một hải trình lịch sử của tàu chiến Đức. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh việc điều động tàu chiến Bayern biểu thị sự ủng hộ của Đức đối với "một trật tự đa phương dựa trên luật lệ".

Đối với đại bộ phận các quốc gia trên thế giới, thương mại biển đóng một vai trò quan trọng. Để duy trì được sự phát triển của thương mại biển thì phải tuân thủ luật pháp quốc tế mà trước hết chính là luật biển quốc tế. Điều đáng quan ngại không chỉ là tham vọng trở thành cường quốc thế giới của Trung Quốc mà còn là hành vi của nước này khi bất chấp trật tự của luật pháp quốc tế và Trung Quốc đang đe dọa đối với toàn bộ thế giới khi phớt lờ các quy định của UNCLOS 1982.

Tại Đối thoại Shangri-La năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã phát biểu: "Nếu luật biển không được tuân thủ ở biển Đông lúc này thì nó có thể sẽ không được tuân thủ ở Bắc Cực, Địa Trung Hải hoặc một nơi khác vào ngày mai".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo