Ngày 14-11-1985, Phòng An ninh kinh tế - văn hóa Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt giữ ông Nguyễn Lâm Sáu vì cho rằng ông buôn bán hàng trái phép. Quá trình điều tra không đủ cơ sở buộc tội ông Sáu song Công an tỉnh Đắk Lắk không ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự và quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Sáu cùng với hàng loạt vi phạm thủ tục tố tụng khác. Sau nhiều năm kêu oan, ngày 25-1-2018 (sau 33 năm), Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức xin lỗi công khai ông Sáu. Nhưng gần 2 năm qua, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, ngày 31-7, cơ quan này nhận được đơn yêu cầu bồi thường, phục hồi danh dự của ông Nguyễn Lâm Sáu từ Thanh tra Bộ Công an. Tiếp đó, ngày 5-8, công an tỉnh tiếp tục nhận đơn yêu cầu phục hồi danh dự của ông Sáu.
Ông Nguyễn Lâm Sáu cho rằng Công an tỉnh Đắk Lắk chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục nên ông chưa thể yêu cầu bồi thường
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, sau khi công khai xin lỗi, công an tỉnh đã giao Phòng An ninh Kinh tế nhiều lần liên hệ với luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Sáu và 2 lần đến nhà riêng của ông Sáu để làm việc, hướng dẫn cho ông làm hồ sơ đề nghị bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay cơ quan này vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị bồi thường của ông Sáu, do vậy công tác bồi thường vẫn chưa được thực hiện. Cơ quan này cũng có công văn trả lời ông Sáu, trong đó đề nghị: "Để thuận lợi cho việc bồi thường những thiệt hại cho ông Sáu, cũng như giải quyết các vấn đề vướng mắc, Công an tỉnh Đắk Lắk mong ông Sáu và luật sư phối hợp để giải quyết, đồng thời sớm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị bồi thường để công an tỉnh làm căn cứ bồi thường theo quy định".
Nhưng ông Sáu cho rằng cơ quan công an chưa thực hiện đúng quy định, trình tự thủ tục nên ông chưa có căn cứ để yêu cầu bồi thường. Cụ thể, Công an tỉnh Đắk Lắk phải chủ động phục hồi danh dự, trả lại CMND, hộ khẩu, đăng báo cải chính theo quy định; đồng thời phải ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can theo Bộ Luật Tố tụng Hình sự. "Việc đình chỉ điều tra là yêu cầu chính đáng, đúng pháp luật nhưng nhiều năm qua công an không thực hiện nên tôi vẫn mang thân phận bị can, vẫn mất quyền công dân" - ông Sáu nói.
Cũng theo ông Sáu, chỉ khi công an đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án và trả lại đầy đủ giấy tờ tùy thân, ông mới có căn cứ yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. "Theo quy định, phải có giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại, mà giấy tờ này công an chưa trả. Nếu gửi văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại khi chưa có những căn cứ nêu trên thì sẽ không giải quyết" - ông Sáu cho biết thêm.
Thiếu thiện chí?
Khi phóng viên Báo Người Lao Động đặt vấn đề về việc ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, trả giấy tờ tùy thân đối với ông Nguyễn Lâm Sáu, đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức công khai xin lỗi và đã hoàn tất các thủ tục, hiện ông Sáu là công dân bình thường. Theo quy định, ông Sáu phải có văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó liệt kê các khoản yêu cầu bồi thường số tiền bao nhiêu thì công an mới có căn cứ bồi thường. Tuy nhiên, nhiều lần công an mời lên và về tới nhà làm việc để giải quyết dứt điểm những vướng mắc nhưng ông Sáu không có thiện chí hợp tác.
Bình luận (0)