Nói gì thì nói, hậu quả thảm khốc đã xảy ra, biện pháp nào cũng đã muộn và chúng ta chỉ hy vọng trong tương lai có thể ngăn chặn được những tài xế xem thường mạng sống của người khác ngồi sau vô lăng. Cho đến giờ này, các chuyên gia pháp luật cũng đang băn khoăn liệu những quy định pháp luật hiện hành có đủ để tước bằng lái vĩnh viễn của tài xế hay không nhưng những quy định nghiêm ngặt nhằm kiểm tra, giám sát tài xế đã có. Chuyện còn lại là các cơ quan chức năng, người thừa hành thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào.
Một đề xuất khác thoạt nghe cũng rất mạnh mẽ nhằm giảm thiểu căn cơ TNGT cũng do chính Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra là siết chặt công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe bằng các chế tài nghiêm khắc như: thu hồi giấy phép đào tạo lái ôtô; thu hồi thẻ sát hạch viên, thậm chí có thể cấm tham gia các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch lái xe, tùy theo mức độ vi phạm.
Từ đề xuất này, không ít người hồ nghi: Vậy công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe thời gian qua thiếu nghiêm khắc? Ai là người chịu trách nhiệm về sự thiếu nghiêm khắc này khi hậu quả của nó nhãn tiền là gây tai nạn, tước đi mạng sống người khác.
Sau hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng, chúng ta ngỡ ngàng là hệ thống dữ liệu giám sát hành trình được triển khai chẳng thể giúp ích cho việc ngăn ngừa tai nạn. Về mặt lý thuyết, hệ thống giám sát hành trình là thiết bị gần gũi nhất với phương tiện, với hành vi của tài xế, nếu vi phạm hay nghi ngờ vi phạm diễn ra sẽ được các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn. Nhưng hiện nay, hệ thống này không thể phát hiện kịp thời vi phạm của tài xế. Công năng còn lại của hệ thống là trích lục dữ liệu để đối chiếu, điều tra - có nghĩa là chỉ giải quyết hậu quả.
Chúng ta quá quen với những lời hô hào mạnh mẽ sau khi những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Trong lĩnh vực giao thông, tai nạn hằng năm luôn được cập nhật, báo cáo với cơ quan chức năng thì không lý do gì mỗi năm chúng ta lại nghe hoài những khẩu hiệu kiểu như: tăng cường kiểm tra giám sát giảm thiểu tai nạn; ra quân chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông, siết chặt công tác đào tạo... Thực ra, đây là công việc thường nhật của các cơ quan chức năng. Công việc này phải được làm thường xuyên, cần mẫn với tinh thần trách nhiệm cao mới mong giảm được con số hàng chục ngàn người thương vong mỗi năm vì TNGT.
Mặt khác, quy định pháp luật liên quan đến sát hạch cấp giấy phép lái xe, xử lý người vi phạm, kiểm tra hệ thống giao thông... đều có đủ. Vấn đề là các cơ quan chức năng thực thi chức trách của mình như thế nào để bảo vệ tính mạng của người dân chứ không phải cứ lơ là trong công tác rồi sau đó lại hô hào sau mỗi vụ tai nạn thảm khốc. Khi mà nạn mãi lộ vẫn hiện diện trên đường, nạn mua bằng vẫn diễn ra, người vi phạm có thể dùng tiền khỏa lấp sai phạm... thì mọi biện pháp kiên quyết đến đâu cũng vô nghĩa.
Bình luận (0)