Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi đến khu đất có diện tích hơn 1.500 m2 với khoảng 20 căn nhà cấp 4 được xây dựng khá kiên cố trong con hẻm 41/5 Tam Bình, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP HCM. Ngay đầu hẻm là đống gạch đá ngổn ngang của 3 căn nhà vừa bị lực lượng chức năng tháo dỡ cách đây vài ngày. Vài tháng trước, có 2 căn nhà cũng bị tháo dỡ, hiện khu đất này còn 15 căn chung số phận vì xây dựng không phép.
Mạnh tay với công trình vi phạm
Gặp chúng tôi, bà Châu Thị Mỹ Linh (73 tuổi) cho hay những ngày này, gia đình bà ăn không ngon, ngủ không yên vì lo sợ căn nhà bị tháo dỡ. Căn nhà cấp 4 hơn 60 m2 được bà Linh mua từ năm 2016 sau khi gom hết tiền tích cóp từ việc bán căn nhà ở quận Bình Thạnh. Khi đến đây, nhà có sẵn, thấy giá hợp túi tiền, xung quanh có nhiều căn cũng được xây cất kiên cố nên bà Linh an tâm mua dù việc mua bán chỉ qua lập vi bằng. Để rồi đầu năm 2019, UBND phường Tam Phú và UBND quận Thủ Đức thông báo đến các hộ dân yêu cầu tháo dỡ công trình vì vi phạm trật tự xây dựng. "Biết nhà xây sai nên bị tháo dỡ là đúng quy định nhưng tôi xin được tồn tại căn nhà cho đến khi thực hiện dự án như quy hoạch (khu vực này quy hoạch đất cây xanh - PV) để đợi đến khi con gái đi xuất khẩu lao động về" - bà Linh mong muốn...
Quận Thủ Đức đang mạnh tay xử lý các công trình xây dựng không phép. Trong ảnh: 3 căn nhà vừa bị tháo dỡ cách đây vài hôm tại hẻm 41/5 Tam Bình, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP HCM
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hiền (quê tỉnh Bến Tre) cũng đang viết đơn xin được tồn tại căn nhà để 2 mẹ con bà có chỗ ở đến khi dự án được thực hiện. Tháng 7-2018, bà gom tiền bán căn nhà ở quê lên đây mua căn nhà 1 trệt 1 gác lửng diện tích khoảng 35 m2 do người khác bán lại. Thấy căn nhà kiên cố, hợp túi tiền, không tranh chấp, tìm hiểu thêm thì bà biết căn nhà này được sửa chữa trên nền căn nhà cũ xây dựng từ năm 2012 nên an tâm mua. Nào ngờ năm 2019, địa phương thông báo nhà bà xây dựng không phép, buộc phải tháo dỡ.
Không chỉ có ở quận Thủ Đức, trước đó Báo Người Lao Động đã phản ánh rất nhiều về việc tồn tại các khu nhà xây không phép trên đất quy hoạch, để rồi người mua phải "tiền mất tật mang" khi nhận lệnh cưỡng chế. Chẳng hạn vào cuối năm 2019, 72 hộ dân thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã nhận lệnh yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên khu đất không phù hợp quy hoạch mà họ lỡ mua của chủ đầu tư.
Địa phương vô can?
Phản hồi các hộ dân ở hẻm 41/5 Tam Bình, phường Tam Phú, UBND quận Thủ Đức cho rằng: Các công trình xây dựng tại khu đất 41/5 Tam Bình vi phạm trật tự xây dựng phải được xử lý theo quy định. "Việc thực hiện xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng ở quận Thủ Đức được thực hiện theo quy định pháp luật và kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM năm 2019. Chưa kê, các trường hợp vi phạm đã có quyết định cưỡng chế, không thể cứu xét cho tồn tại đến khi thực hiện dự án được" - ông Đặng Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, khẳng định. Theo ông, để bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp, quận Thủ Đức yêu cầu người dân khởi kiện ra tòa hoặc tố cáo hành vi vi phạm của chủ đầu tư đến cơ quan điều tra.
"Đành rằng người dân sai khi lỡ mua nhà xây dựng trái phép nhưng chính quyền địa phương cũng sai vì không cưỡng chế ngay khi công trình vi phạm mà để tồn tại một thời gian dài, người ta mua đi bán lại khiến những người có nhu cầu ở thực sự như chúng tôi chịu thiệt thòi. Vậy chính quyền có phải chịu trách nhiệm không ?" - bà Nguyễn Thị Hiền bức xúc hỏi.
Theo các chuyên gia pháp lý, thực trạng chủ đầu tư phân lô, bán nền, xây dựng nhà trái phép trên khu đất không phù hợp quy hoạch tồn đọng không ít trên địa bàn TP HCM. Việc thực hiện tháo dỡ công trình theo quy định pháp luật nhằm bảo đảm tính nghiêm minh là cần thiết song lại gây thiệt hại không nhỏ cho người mua vì nhiều chủ đầu tư "qua cầu rút ván". Vì vậy, phải xử nghiêm cán bộ phụ trách địa bàn là việc phải làm ngay, làm nghiêm, làm xuyên suốt..
Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng trường hợp người dân xây nhà trên đất không đúng mục đích sử dụng thì chính quyền địa phương có quyền yêu cầu tháo dỡ căn nhà đó. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp này, việc xây dựng nhà đã được chủ đất thực hiện từ lâu nhưng không bị xử lý. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền theo dõi giám sát các công trình xây dựng nhưng thiếu trách nhiệm, để sai phạm xảy ra nhất thiết sẽ phải bị xử lý.
"Nói thẳng, để những trường hợp như trên không xảy ra thì giải pháp tốt nhất là cơ quan có thẩm quyền phải nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình; kế đến mới tới việc người dân trước khi quyết định mua đất hay nhà cần xem xét kỹ các giấy tờ pháp lý để có thể bảo vệ lợi ích tốt nhất cho bản thân" - luật sư Hà Hải nói.
Chỉ tính riêng xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP HCM có 38 đầu nậu, hiện Công an TP HCM đã chỉ đạo tập trung xử lý quyết liệt đầu nậu, bảo kê; giải quyết cơ bản xây dựng nhà không phép, trái phép.
Đại tá ĐINH THANH NHÀN, Phó Giám đốc Công an TP HCM
Tăng cường trách nhiệm công an khu vực
UBND TP HCM vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; tăng cường vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an khu vực trong công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.
UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu quyết định thay thế Quyết định số 60/2017 của UBND TP quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP; hoàn thiện quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất nhằm rút ngắn thời gian, tạo điều kiện cho người dân thực hiện thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định.
UBND các quận - huyện có trách nhiệm tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP; tổ chức thực hiện dứt điểm trước tháng 6-2020 các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng có tính chất, quy mô lớn, nghiêm trọng...
N.Phan
Nghị định 91 quy định những gì?
Riêng đề xuất cho tồn tại các khu dân cư xây dựng trái phép không vướng quy hoạch, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5-1-2020 (thay thế Nghị định số 102/2014/NĐ-CP) cũng đã có quy định một số biện pháp khắc phục như: Chủ đầu tư phải làm thủ tục trình UBND cấp tỉnh cho phép phân lô, bán nền khi đã bán cho người dân mà chưa có văn bản chấp thuận của TP, tiếp tục hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt (nếu chưa hoàn thiện), tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước khi chưa hoàn thành.
Đối với các trường hợp phân lô bán nền trái phép còn lại, nếu không thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như trên thì bắt buộc phải cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh.
Bình luận (0)