Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) - khẳng định: "Vụ việc bê bối điểm thi ở tỉnh Hà Giang và có thể còn được phát hiện ở một số nơi khác, có trách nhiệm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)".
Lách cho đạt mục tiêu
Theo ông Phạm Tất Thắng, nếu các khâu chấm điểm, quản lý bài thi tiến hành theo quy trình chặt chẽ và do một nhóm người thực hiện ở nhiều công đoạn khác nhau thì khả năng ngăn chặn được sai sót và sẽ hạn chế rất nhiều việc lợi dụng kẽ hở. Trong khi đó, tại Hà Giang chỉ để một mình ông Vũ Trọng Lương (Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang) tham gia xử lý rất nhiều khâu.
"Ông Lương được giao chấm lại, quét bài thi để đưa lên mạng. Đáng lẽ mỗi khâu này phải do một người hay một nhóm người thực hiện thì việc bọc lót sai sót và đặc biệt là giám sát nhau sẽ chặt chẽ hơn. Ngay cả tình huống xấu nhất là thông đồng thì với số đông người cũng khó hơn rất nhiều" - ông Thắng nhìn nhận.
Ông Thắng thẳng thắn: "Nếu Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hết giờ phải niêm phong bài thi thì sẽ không có sự cố này. Điều này bắt nguồn từ chính quy trình hướng dẫn của Bộ GD-ĐT chưa cụ thể, chi tiết và chưa bảo đảm tính chính xác, bảo mật".
Đồng tình, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học (ĐH) FPT, góp ý: "Một trong những điểm chưa chuẩn của Bộ GD-ĐT là giao việc chấm thi cho địa phương trong khi kết quả thi lại được xét cho tuyển ĐH. Điều này là mâu thuẫn về lợi ích, địa phương thì tâm lý ai chẳng muốn con em mình đỗ ĐH. Nếu các trường chấm thi thì họ sẽ có trách nhiệm hơn".
Làm rõ thêm, ông Tùng phân tích thực tế các địa phương luôn muốn con em vào ĐH càng nhiều càng tốt, trường càng "xịn" càng tốt mà không cần quan tâm chất lượng đào tạo của các trường ĐH; còn các trường ĐH thì lại muốn chất lượng đầu vào càng cao càng tốt bởi là tiền đề bảo đảm chất lượng đào tạo. Từ lợi ích khác nhau dẫn đến xuất hiện động cơ tìm mọi cách để lách cho đạt mục tiêu.
"Cụ thể trong kỳ thi này, bài thi trắc nghiệm không có phách với lý do máy chấm nên không cần phách. Nhưng có điều máy chấm thì vẫn phải có người đưa bài vào máy, người xử lý dữ liệu. Có người thao tác mà lại biết bài thi của từng thí sinh cụ thể nên có thể can thiệp dễ dàng. Bên cạnh đó, số lượng bài thi quá lớn, nếu không có bất thường thì Bộ GD-ĐT cũng không có đủ sức rà soát từng bài" - ông Tùng nhận định.
Theo ông Tùng, về nguyên tắc phải có một nhóm người, cách thức giám sát đối với những việc quan trọng như chấm bài thi và không thể "đẻ" ra quy trình một người làm mọi việc.
Lực lượng chức năng khám nhà ông Vũ Trọng Lương vào sáng 20-7. Ảnh: HUY THANH
Nhiều kẽ hở
Giáo sư - Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, bày tỏ: "Vụ việc xảy ra ở Hà Giang đương nhiên có phần trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, của Bộ GD-ĐT. Bởi trong trường hợp sơ hở từ quy trình mà quy trình do Bộ GD-ĐT ban hành thì đương nhiên bộ có trách nhiệm trực tiếp; còn nếu không phải sai sót về quy trình mà là thực hiện quy trình không nghiêm túc thì trách nhiệm của ngành chỉ còn là trách nhiệm của người lãnh đạo, người đứng đầu".
Theo ông Thi, ở một kỳ thi quốc gia có tầm quan trọng như vậy mà để xảy ra sai sót thì đương nhiên người đứng đầu ngành GD-ĐT phải có trách nhiệm, tối thiểu là trách nhiệm người đứng đầu.
Từ vụ bê bối điểm thi ở Hà Giang, ông Đào Trọng Thi góp ý phương pháp thi trắc nghiệm nếu được làm một cách triệt để thì sẽ rất tốt trong kiểm tra trình độ học sinh. Phương thức này được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới từ rất lâu. Để tránh sai sót, bị lợi dụng, việc thi được tiến hành trên máy tính, đề thi được thiết kế ngẫu nhiên trên cơ sở ngân hàng đề thi. Thí sinh làm bài trên máy tính và được chấm luôn, khi kết thúc làm bài chỉ ít giây sau là có kết quả.
Với quy trình như vậy sẽ không có kẽ hở nào về thời gian để con người có thể can thiệp vào kết quả thi. Có điều, cách làm của Việt Nam không hoàn toàn giống như vậy mà mới chỉ áp dụng một phần. Theo đó, đề thi không được cấu tạo ngẫu nhiên trên máy tính mà được xây dựng một số mã đề thi nhiều hơn để trong một phòng thi không có 2 thí sinh cùng mã đề nhưng mã đề thi sẽ dùng cho nhiều thi sinh ở các phòng thi khác. Như vậy, việc trùng đề thi sẽ rất nhiều, tất nhiên không phải trùng trong một phòng thi.
Trong khi đó, thí sinh thi làm bài trên giấy, như thế sẽ liên quan đến việc thu bài thi, vận chuyển bài thi đến hội đồng chấm thi, bảo quản bài thi trước khi chấm, sau khi chấm xong kết quả không phải hiện ngay trên máy mà phải nạp kết quả vào. Chính quy trình rối rắm, nhiều kẽ hở đã tạo điều kiện để con người có thể tác động vào và trên thực tế đã xảy ra ở Hà Giang.
Buông lỏng quản lý
Đại biểu QH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng việc thi trắc nghiệm khi đưa ra chủ trương đã có ý kiến phản đối. Tại kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV đã có đại biểu nói học sinh, phụ huynh đã nghĩ ra cách chống đối. "Cho nên, nghiên cứu quy định làm sao cho thật sự khả thi, tránh sự lạm dụng ngay từ khi đề xuất chính sách, quy định. Đặt ra quy định phải lường trước và đối phó, tức là đánh giá tác động. Đây là hệ quả của nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là bệnh "háo danh" của cha mẹ học sinh" - ông Vân lo ngại.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Trịnh Ngọc Thạch cho rằng để lỗ hổng trong tổ chức và quản lý bài thi thì địa phương cũng phải chịu trách nhiệm lớn khi buông lỏng quản lý, cùng với đó là trách nhiệm quản lý cán bộ của các trường ĐH cử cán bộ đến các điểm thi. Chính quyền địa phương và trực tiếp là chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm về những bê bối điểm thi vừa qua trước Thủ tướng, trước Hội đồng Thi quốc gia và phải trả lời về việc này.
Tạm giam ông Vũ Trọng Lương
Trưởng phòng khảo thí liên đới
Ngày 20-7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Vũ Trọng Lương về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" để tiếp tục điều tra, làm rõ. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã khám nhà ông Lương.
Đại tá Lê Văn Canh, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Hà Giang, cho biết Cơ quan An ninh điều tra đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh (Tỉnh ủy Hà Giang) cũng vừa có văn bản thông tin chính thức một số nội dung liên quan kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này. Theo đó, ngày 7-7, lãnh đạo hội đồng thi phát hiện ông Lương di chuyển các hòm đựng bài thi trắc nghiệm đã quét xong và máy tính cùng 2 máy quét bài thi về Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục khi chưa được phép của chủ tịch hội đồng thi. Ngày 12-7, lãnh đạo Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang quyết định mở một hòm đựng túi bài thi trắc nghiệm (đã quét xong, đang lưu trữ tại Sở GD-ĐT) để kiểm tra thực tế, sau đó đã ban hành quyết định đình chỉ thực hiện nhiệm vụ liên quan tới kỳ thi đối với ông Nguyễn Thanh Hoài - Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Phó trưởng Ban Chấm thi, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng thi.
Ông Hoài được xác định đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho ông Vũ Trọng Lương.
H.THANH - NG.NHUNG
Quốc hội có thể giám sát kỳ thi
Về việc QH có vào cuộc vụ bê bối điểm thi đang diễn ra, ông Phạm Tất Thắng nói: "Đây là việc điều hành một kỳ thi cụ thể của ngành GD-ĐT, QH đang theo dõi vụ việc cũng như cách xử lý vấn đề này của Bộ GD-ĐT. Nếu cần thiết thì QH có thể tiến hành giám sát việc tổ chức kỳ thi THPT".
Bình luận (0)