Ðây là những vấn đề trọng đại đang tác động lớn đến đời sống người dân cần phải có những giải pháp quyết liệt trong thời gian tới.
Liên quan đến giao thông, thực tế đã có rất nhiều giải pháp đề ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, đòi hỏi cam kết mạnh mẽ, sự vào cuộc quyết liệt của ngành cũng như của từng địa phương.
Ở vấn đề việc làm, phải nhìn nhận kinh tế đang rất khó khăn và viễn cảnh phía trước cũng không mấy khả quan khi tình hình thế giới có quá nhiều biến động. Ðã tham gia vào thị trường toàn cầu nên nền kinh tế của Việt Nam bên cạnh sự hưởng lợi cũng phải chấp nhận những rủi ro tương ứng. Khi nền kinh tế mạnh, có tích lũy lớn thì sức chống chọi sẽ cao và chịu được những tác động bất lợi lâu dài. Ngược lại, khi sức chống chọi kém sẽ dễ kéo theo nhiều hệ lụy.
Lẽ đó, việc các báo cáo thể hiện tình trạng doanh nghiệp "rút lui khỏi thị trường" là vấn đề được nhiều người quan tâm, cần sớm hóa giải. Bởi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì người lao động đi về đâu? Con số được báo cáo chính thức là trong năm qua có đến hơn 1 triệu lao động thất nghiệp. Con số này sẽ khó có thể được kéo giảm nếu những khó khăn của doanh nghiệp không kịp tháo gỡ trong thời gian tới. Không chỉ thành thị, mà ngay cả các vùng nông thôn cũng dễ dàng cảm nhận được những "di chứng" của tình trạng này để lại.
Nhưng nếu chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình trạng thất nghiệp thì quả là không công bằng. Thất nghiệp hay tạo việc làm mới là hệ quả của một quy trình phát triển kinh tế: Rót vốn, khởi nghiệp, tìm thị trường, hỗ trợ chính sách… Nên giải bài toán khó này là công việc của rất nhiều ngành, liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ trưởng chứ không riêng gì ngành lao động.
Nhìn thấy triệu chứng, định được bệnh, đã đưa ra thuốc giải nhưng sao bệnh vẫn không thuyên giảm? Ðây mới chính là vấn đề cần được chất vấn các "tư lệnh" ngành ở Quốc hội. Lời hứa và các giải pháp phát triển ngành của các "tư lệnh" ở Quốc hội phải được giám sát và đo lường hiệu quả từ thực tế: làm đến đâu, làm như thế nào, trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu... phải được nêu ra trong các kỳ họp kế tiếp.
Chúng ta hẳn còn nhớ, trong các kỳ họp trước, các đại biểu gay gắt yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi nhiều tổng công ty nhà nước thua lỗ. Các bộ trưởng liên quan đã hứa, đã cam kết có giải pháp... nhưng đến nay lỗ vẫn lỗ, trách nhiệm cũng chưa truy đến nơi. Giám sát trách nhiệm của các "tư lệnh" ngành không gì tốt hơn là các cơ quan chức năng của Quốc hội, bởi đây là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Lời hứa của các "tư lệnh" ngành tại nghị trường chính là lời hứa trước nhân dân. Nó phải được thực hiện một cách nghiêm túc nhất với tinh thần chịu trách nhiệm cao nhất.
Bình luận (0)